MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi Bộ luật Lao động: 15 tuổi có thể được làm thêm giờ?

01-05-2019 - 09:24 AM | Xã hội

Sửa đổi Bộ luật Lao động có thêm điểm mới như người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề.

Bộ luật lao động hiện hành áp dụng cho người lao động thuộc khu vực chính thức trong khi phần lớn trẻ em lao động và tham gia hoạt động kinh tế đều thuộc khu vực phi chính thức và các em dễ trở thành lao động trẻ em nếu không được bảo vệ.

Bộ luật lao động sửa đổi định hướng sửa đổi, bổ sung nhóm điều luật liên quan đến người chưa thành niên hướng đến việc nâng cao quyền lao động của người chưa thành niên và thực hiện chính sách quốc gia hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em.

Sửa đổi Bộ luật Lao động: 15 tuổi có thể được làm thêm giờ? - Ảnh 1.

Sửa đổi Bộ luật Lao động có thêm điểm mới như người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (ảnh minh họa)

Em Đoàn Ngọc Bảo, 17 tuổi, hiện đang làm tăm hương tại doanh nghiệp xã hội REVINA chia sẻ, là người khuyết tật, khi đi làm, gặp phải nhiều rào cản và sự kỳ thị từ người chủ và đồng nghiệp. Ngoài ra, Bảo còn phải làm nhiều việc nặng, chế độ lương thấp, và nhiều bất công khác. Vì thế, Bảo ít giao tiếp với mọi người xung quanh, cũng như lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Đoàn Ngọc Bảo mong muốn vấn đề phân biệt đối xử đối với nhóm lao động yếu thế, đặc biệt là người chưa thành niên cần được xem xét trong quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động.

“Trong quá trình làm việc, người chủ cũng không phân công cho cháu được công việc phù hợp, cháu phải làm những công việc tương đối nặng và không có thiết bị bảo hộ trong khi làm việc. Cháu rất mệt khi phải làm đêm, làm thêm giờ và thường xuyên bị những lời mắng mỏ. Quyền lợi của cháu không được như những người lớn hơn, kể cả đồng lương nhận được lẫn sự phân công công việc. Từ khi cháu tham gia lao động đến thời điểm này vẫn không có hợp đồng và những điều khoản về quyền lợi của mình. Cháu mong những người vị thành niên phải lao động sớm cũng có được những quyền lợi của mình”, Ngọc Bảo bày tỏ.

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ/tuần. Thực tế, lao động trẻ em đang tồn tại ở nhiều ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng trẻ em làm nông nghiệp cần là mối quan tâm đặc biệt, vì lĩnh vực này được xem là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất mà ở lứa tuổi nào trẻ em cũng phải đối mặt với các hiểm họa như: điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng…

Theo bà Lesley Miller, đại diện Unicef tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam hiện nay, trong Bộ luật lao động sửa đổi, cần có quy định rõ ràng độ tuổi lao động, thời gian làm việc tối thiểu và tạo nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho lao động chưa thành niên.

“Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần đảm bảo trẻ em, người chưa thành niên và phụ nữ được trao quyền phù hợp và tham gia bình đẳng và an toàn trong quá trình làm việc. Bộ luật sửa đổi cũng cần bổ sung định nghĩa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực của lao động trẻ em. Nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho mọi lao động chưa thành niên cần phải được ưu tiên”, bà Lesley Miller nói.

Về nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết có thêm nhiều điểm mới bao gồm: xác định độ tuổi lao động tối thiểu; xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp, hợp đồng lao động đối với người chưa thành niên... Cụ thể, độ tuổi qui định, độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên; người lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc.

“Một nội dung cũng hết sức quan trọng đó là xác định thời giờ làm việc hợp lý đối với người chưa thành niên. Trong Bộ luật lao động hiện hành, người chưa đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ hoặc làm vào ban đêm hoặc làm việc vào ban đêm trong một số nghề. Vậy nghề, công việc đó là gì, nghề nào có thể được làm thêm và làm thêm được mấy giờ.

Bởi trong quy định Luật lao động hiện hành quy định làm thêm không quá 50% thời giờ làm việc chính thức trong 1 ngày. Vậy người chưa thành niên được làm thêm giờ đến mức độ nào. Đây cũng là câu hỏi trong dự thảo chưa quy định”, ông Mai Đức Thiện cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lan Minh - Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị, việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến những lao động là vị thành niên phải cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết, đặc biệt là cần song hành với quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần xem xét bổ sung quy định yêu cầu đào tạo bắt buộc về an toàn lao động cho người chưa thành niên. Đồng thời, bảo vệ trẻ em không có hợp đồng lao động chính thức, đảm bảo mức lương tối thiểu.

“Mọi người cũng đã bàn và đưa ra lĩnh vực nào là an toàn cho trẻ em, trẻ em có quyền làm những việc gì và lĩnh vực nào khi trẻ em lao động phải có sự giám sát của người bảo hộ trẻ. Vấn đề ký hợp đồng cho trẻ em như thế nào… phải đứng trên cơ sở tiếp cận lợi ích tốt nhất của trẻ vị thành niên. Tức là vẫn tạo điều kiện để các em kiếm sống, nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình nhưng đích lớn nhất phải có lợi cho các em chứ không phải lợi ích cho chủ sử dụng lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Minh chia sẻ.

Dự kiến vào tháng 6 tới, Ban soạn thảo chỉnh sửa Bộ Luật lao động cho người chưa thành niên sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.

Theo Kim Thanh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên