MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi một số Nghị định quy định chi tiết về đầu tư theo phương thức PPP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sửa đổi một số Nghị định quy định chi tiết về đầu tư theo phương thức PPP- Ảnh 1.

Sửa đổi một số Nghị định quy định chi tiết về đầu tư theo phương thức PPP

Công văn số 6549/VPCP-CN ngày 13/9/2024 của Văn phòng Chính phủ nêu: Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Bộ Tài chính về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai xây dựng các Nghị định sửa đổi Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ đồng thời với quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu để bảo đảm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hợp đồng BT như báo cáo của Bộ Tài chính; tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hợp đồng BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ đồng thời với quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu.

Hạn chế, vướng mắc trong thực hiện các Nghị định về đầu tư PPP

Luật Đầu tư theo phương thức PPP được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để bảo đảm thực hiện Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP.

Ngoài ra, trước khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ khi Luật PPP và các Nghị định quy định chi tiết Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2022, có 24 dự án PPP mới được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP (10 dự án đã được phê duyệt, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư) và 295 dự án PPP (trong đó có 160 dự án áp dụng loại hợp đồng BT) đang thực hiện theo quy định chuyển tiếp của Luật này. Hầu hết các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể:

- Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP: (i) Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu phải đáp ứng đối với dự án PPP lớn hơn so với thực tiễn và nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương, dẫn đến khó thu hút các dự án quy mô nhỏ có tiềm năng, hấp dẫn nhà đầu tư thông qua PPP; (ii) Quy định về việc cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đã hoàn thành đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn để thực hiện toàn bộ dự án PPP; (iii) Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành đối với các dự án PPP nói chung và dự án BT nói riêng cần được bổ sung để tháo gỡ vướng mắc trong chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thanh toán, quyết toán, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh thiết kế xây dựng...

- Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP: (i) Chỉ tiêu phân tích, đánh giá phương án tài chính của dự án trong từng lĩnh vực chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong thẩm định tính khả thi về tài chính; (ii) Quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP chưa đồng bộ và thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP; (iii) Nguồn vốn thanh toán cho dự án PPP loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (hợp đồng BTL), hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (Hợp đồng BLT) chưa được quy định cụ thể trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên là cơ quan ký kết hợp đồng...

- Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT: (i) Chưa có quy định về điều kiện để cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng khu đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; (ii) Thiếu quy định xử lý phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng trước để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...

Do vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư theo phương thức PPP là cần thiết, bảo đảm căn cứ pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ.


Theo Phương Nhi

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên