MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Đất đai cần tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch

10-10-2023 - 14:10 PM | Bất động sản

Sửa Luật Đất đai cần tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch

Thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng là một trong những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp trong quá trình góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vẫn còn khoảng trống “bỏ quên” các dự án phát triển hạ tầng du lịch.

Chưa công bằng đối với các dự án hạ tầng du lịch

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất, liệt kê đến 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79). Bao gồm: Xây dựng công trình giao thông; Xây dựng cơ sở y tế; Xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; Thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nhà ở công vụ; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Dù vậy, luật vẫn “bỏ qua” các dự án hạ tầng du lịch.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, ĐBQH thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc sửa đổi hành lang pháp lý nói chung hay luật Đất đai nói riêng là nhằm thực hiện đường lối chung của Đảng để phát triển KT-XH. Du lịch đã được nhấn mạnh là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vì vậy các chính sách cũng cần để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này mạnh hơn, hiện đại hơn.

Cụ thể, ông Lộc nhấn mạnh trong các trường hợp nhà nước thực hiện thu hồi đất đã được nêu trong Dự thảo thì có thể xem xét, bổ sung loại hình khu đô thị mới kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… Đối với nhiều địa phương, việc xây dựng khu đô thị mới, dự án du lịch giải trí quy mô lớn, hiện đại là cần thiết trong quá trình thúc đẩy KT-XH phát triển. Thực tế thời gian qua đã có nhiều dự án “bất động” rất nhiều năm do bị vướng ở khâu thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, đối với một số dự án cụ thể, nếu có sự chủ động từ Nhà nước để thực hiện, việc này sẽ nhanh hơn, thực hiện các quy hoạch vùng tốt hơn.

"Có nhiều dự án quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng nếu để theo cơ chế tự thỏa thuận, giải phóng mặt bằng thì không biết bao giờ xong. Đôi khi cần có vai trò tham gia của Nhà nước. Quan trọng là cách thực hiện vì Nhà nước vẫn phải đảm bảo lợi ích của các bên tham gia", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Luật sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch HĐQT CEO Group đề nghị xem xét tiếp tục chỉnh sửa Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, bổ sung các trường hợp Nhà nước thu hồi đất bao gồm cả dự án xây dựng có nhiều công năng gồm nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; khu du lịch nghỉ dưỡng; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… cho thống nhất với quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, tránh sự phân biệt đối xử giữa các loại đất cùng thuộc nhóm đất sản xuất kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tạo ra những điểm đột phá. Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình đề xuất cần bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng cũng như khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế bên cạnh dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, cần bổ sung các dự án khu đô thị mới quy mô trên 300ha vào diện Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Bởi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị mới, trong khi đó việc phát triển các khu đô thị có quy mô lớn (từ 300 ha thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trở lên) là hiện hữu và được quy định tại Luật Đầu tư; đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển nhà ở. Quy định cũng bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các chế định, quy định về phát triển các khu đô thị mới. Những dự án đô thị quy mô lớn đồng bộ cũng góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, nâng cao đời sống người dân, tạo dư địa phát triển lớn cho kinh tế, xã hội.

Bài học nhãn tiền từ các cường quốc du lịch

Thực tiễn cho thấy, các cường quốc du lịch trên thế giới đều coi việc đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch bài bản là chiến lược hàng đầu trong phát triển lĩnh vực này.

Singapore - đảo quốc chỉ có diện tích hơn 728km 2 với hơn 5 triệu dân, nhưng trước khi đại dịch ập tới, năm 2019, quốc gia này đã hút 19,1 triệu lượt khách và thu được khoản chi từ du khách lên tới 27,7 tỷ đô la Singapore. Dẫn chứng câu chuyện quy hoạch đô thị du lịch của Singapore, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity, một người sống và làm việc tại Singapore lâu năm nói: Singapore là một thí dụ điển hình về việc sử dụng công cụ quy hoạch sử dụng đất trong việc hỗ trợ ngành du lịch phát triển.

Kéo dài suốt từ cuối thập niên 60 tới đầu thập niên 80, đất nước này đối mặt với việc thiếu hụt khách sạn và các công trình hạ tầng du lịch do quỹ đất thích hợp về cả quy mô và vị trí để xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế rất hạn hẹp. Tuy nhiên, Cơ quan quy hoạch Singapore - URA đã đưa ra một danh mục phân vùng riêng cho khách sạn trong bản Quy hoạch tổng thể năm 1985.

URA bố trí quỹ đất của Chính phủ đủ lớn cho việc xây dựng khách sạn, đặt tại những vị trí trọng điểm du lịch như dọc theo sông Singapore, phố mua sắm Orchard, đảo Sentosa, khu Trung tâm thể thao hay trong khu vực trung tâm thương mại của thành phố. Các quỹ đất này được Chính phủ bán cho tư nhân thông qua đấu thầu để xây dựng khách sạn, nhằm bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu thị trường du lịch.

10 năm sau khi giới thiệu sử dụng đất khách sạn, URA lại giới thiệu một loại hình sử dụng đất mới có tính linh hoạt cao cho bất động sản thương mại: Đất Trắng (White site). Đất Trắng thường được áp dụng ở những vị trí cực kỳ đắc địa có giá trị cao hoặc trong các khu chức năng đặc thù như khu công nghệ cao hay đảo du lịch Sentosa, nhằm giảm rủi ro và cho phép sự sáng tạo của thị trường. Đất Trắng được áp dụng trong ngành du lịch nhằm phát triển một mô hình mới: Điểm đến tích hợp (Integrated resorts). Chính sách về “Đất Trắng” đã trở thành “bệ phóng” giúp hình thành nên những "bom tấn" du lịch là tổ hợp khách sạn - casino - hội nghị và trung tâm thương mại Marina Bay Sands ở trung tâm thành phố và tổ hợp trung tâm vui chơi giải trí và casino Resorts World Sentosa trên đảo Sentosa thu hút hàng triệu khách mỗi năm.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cũng khẳng định trên thế giới, hầu hết các nước hỗ trợ du lịch bằng chính sách, quy hoạch. Đơn cử, một thành phố có chiến lược xây dựng Disneyland - khu vui chơi mua sắm tầm cỡ thì chính quyền sẽ tìm cách giải tỏa mặt bằng cho khu đất vài trăm héc ta đó rồi kêu gọi DN đầu tư. Đồng thời, nhà nước có cơ chế hỗ trợ DN tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, giảm thuế, giá thuê đất… Đây là cách để Thái Lan, Singapore… hình thành nên những "bom tấn" du lịch thu hút hàng triệu khách cả trong khu vực lẫn thị trường xa. Việt Nam cũng cần phải có những điểm đến như Disneyland… thì mới đủ khả năng cạnh tranh với các nước.

"Ngành du lịch tạo ra nhiều việc làm, có tác động lan tỏa mạnh và phát triển bền vững hơn các ngành khác. Song, du lịch cũng là ngành đầu tư bạc tỉ nhưng thu về bạc cắc. Vì thế rất cần thiết phải được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính sách. Những bất cập từ luật Đất đai cũng chỉ ra một thực trạng rằng ngành du lịch đang bị o ép bởi rất nhiều quy định liên quan tới nhiều bộ luật từ nhiều ngành. Muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chỉ hô khẩu hiệu, nói chung chung mà phải đi vào từng giải pháp cụ thể. Phải có một Ủy ban du lịch tầm quốc gia, đủ mạnh để điều phối và thực thi chính sách có sự phối hợp giữa tất cả các ngành", ông Phan Đình Huê nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, một khu vui chơi tầm cỡ, hay khu đô thị phức hợp đòi hỏi quy mô lớn, vốn đầu tư “khủng”, nhưng khâu giải phóng mặt bằng mới chính là nút thắt và ngày càng nhiêu khê. Việc tự thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất không có kết quả, thời gian kéo dài khiến DN nản lòng, dự án treo, quy hoạch không được thực hiện, lãng phí hiệu quả sử dụng đất đai, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KT-XH, định hướng phát triển du lịch, dịch vụ...

Vì vậy, trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, rất cần sự đối xử công bằng đối với các dự án hạ tầng du lịch, đô thị quy mô, nhằm thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra.

Theo Thu Ngân

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên