MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sữa Mộc Châu sẽ bán 29,5 triệu cổ phần cho GTN và 9,7 triệu cổ phần cho Vinamilk

Sau khi tăng vốn, GTN sở hữu trực tiếp và gián tiếp trên 51% Sữa Mộc Châu. Như vậy, Sữa Mộc Châu trở thành công ty con của GTN và được hợp nhất báo cáo tài chính.

Ngày 10/08, Hội đồng quản trị CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu đã ban hành Nghị quyết xác định số lượng cổ phần chào bán cho 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP GTNFoods (mã chứng khoán GTN) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM).

Cụ thể, Sữa Mộc Châu sẽ chào bán 29.454.210 cổ phần cho GTN và 9.737.790 cổ phần cho VNM. Tổng số lượng chào bán cho cổ đông chiến lược là 39.192.000 cổ phần.

Theo phương án được cổ đông thông qua trước đó, số cổ phần này được bán với giá 30.000 đồng/cp, thu về cho Sữa Mộc Châu 1.176 tỷ đồng. Cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Hiện tại, GTN là công ty mẹ sở hữu 74,49% cổ phần của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico) – đơn vị sở hữu 51% của Sữa Mộc Châu. Qua đó GTN gián tiếp nắm 37,98% cổ phần của Sữa Mộc Châu và 51% quyền biểu quyết tại đây.

Trong khi đó, VNM đang sở hữu 75% cổ phần của GTN.

Hồi cuối tháng 7/2020, Sữa Mộc Châu đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và thông qua phương án phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên mức dự kiến 1.100 tỷ đồng, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu, cho cổ đông chiến lược và ESOP.

Số lượng phát hành cho cổ đông hiện hữu 3,34 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới), giá chào bán là 20.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự thu gần 67 tỷ đồng, trường hợp cổ đông không mua hết sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Công ty cũng phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng dự kiến 668.000 cổ phiếu. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 6,7 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Như vậy, theo phương án này, sau khi tăng vốn, Vilico sẽ giảm tỷ  lệ sở hữu Sữa Mộc Châu xuống còn 32,52% trong khi GTN sở hữu trực tiếp và gián tiếp trên 51%. Như vậy, Sữa Mộc Châu trở thành công ty con của GTN và được hợp nhất báo cáo tài chính.

Tổng số tiền dự kiến thu được từ 3 đợt phát hành trên tính theo giá chào bán là gần 1.250 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn vốn hiện có cũng như huy động thêm, Công ty dự chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Vào cuối năm 2019, sau khi mua GTN, Vinamilk tiến hành tái cấu trúc, thoái vốn ngoài ngành và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk với mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Mộc Châu Milk theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối.

Vinamilk đã lên kế hoạch tăng nhận diện thương hiệu Mộc Châu Milk không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Nam, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk.

Sau khi tăng vốn và xây dựng 2 trang trại theo kế hoạch nói trên, Vinamilk sẽ nâng cấp trang trại theo tiêu chuẩn Global GAP, làm tăng lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Mộc Châu Milk.

Ngoài ra, trong chiến lược 3 đến 5 năm tới, Vinamilk cũng xem xét xây thêm nhà máy mới cho Mộc Châu Milk do nhà máy hiện tại quy mô khá nhỏ và đã chạy 80-90%.

Thực tế, sau 7 tháng Vinamilk vào tiếp quản, biên lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk đã cải thiện rõ rệt. Báo cáo tài chính bán niên 2020, Mộc Châu Milk ghi nhận biên lợi nhuận gộp ở mức 28,9%, cải thiện mạnh so với mức quanh 18-19% các năm qua. 

Tại buổi họp trực tuyến với giới phân tích vào tháng 5, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk từng tiết lộ mục tiêu đặt ra trong vòng 3 đến 5 năm là đưa biên lợi nhuận của GTN foods (Mộc Châu Milk) lên bằng với Vinamilk, tức quanh mức 47%. 

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên