MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Nghị định 65: Liệu thị trường trái phiếu có thoát thế kẹt?

Nghị định 65 sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề bất cập về trái phiếu doanh nghiệp và giúp thị trường phục hồi trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, để giải toả những bế tắc về thanh khoản, nút thắt pháp lý trong nhiều lĩnh vực cũng cần được tháo gỡ...

Tháo gỡ nhiều “nút thắt”

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, riêng trái phiếu bất động sản cần đáo hạn là 119.000 tỷ đồng. Trước bối cảnh thị trường trái phiếu đang gặp nhiều bế tắc, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Dự thảo với nhiều đề xuất mới được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin thị trường và tháo gỡ khó khăn thanh khoản thị trường sau một năm tuột dốc.

Cụ thể, dự thảo đề xuất hoãn thực hiện quy định tại Nghị định 65/2022 về xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp trong vòng 1 năm; kéo dài thời gian với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành… Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm thông tin số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả điều kiện về nhà đầu chuyên nghiệp, nhưng chưa đáp ứng được quy định về thời gian danh mục nắm giữ 180 ngày, điều chỉnh xuống còn 90 ngày.

Sửa Nghị định 65: Liệu thị trường trái phiếu có thoát thế kẹt? - Ảnh 1.

Năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (Ảnh minh họa: KT)

Đề xuất này của Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, bởi, hiện tại có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong khi, theo quy định của Nghị định 65/2022 hiện hành, rất nhiều nhà đầu tư sẽ không đủ chuẩn chuyên nghiệp khiến sức hấp dẫn của thị trường TPDN đã suy giảm đáng kể khi niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Và đây cũng được cho là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh bán tháo trên thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Thực tế thống kê cho thấy, trong năm 2022, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng 26.000 tỷ đồng, sau khi mua ròng hơn 58.000 tỷ đồng trong 2021.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 65/2022 được cho sẽ giúp nhà đầu tư bớt đi nỗi lo về thời hạn đáo hạn, giúp thị trường trái phiếu có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới. Đồng thời, đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng được cho là giải pháp “dọn đường” cho việc gia hạn/giãn nợ, tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.

Cần có giải pháp vừa bảo đảm thông thoáng, vừa hạn chế rủi ro

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, những quy định do Bộ Tài chính đề xuất khi có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực bất động sản và cả nền kinh tế. Cụ thể, đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ tạo điều kiện nhà đầu tư không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định.

Sửa Nghị định 65: Liệu thị trường trái phiếu có thoát thế kẹt? - Ảnh 2.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua TPDN riêng lẻ. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tạo điều kiện để nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần có giải pháp vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Thịnh kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, việc giải quyết trái phiếu chỉ là giải pháp trước mắt, “để giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ pháp lý. Với riêng doanh nghiệp bất động sản, cần phải chủ động hạ giá bán sản phẩm, từ đó, có thể kích thích dòng tiền bắt đáy sẽ sớm tạo thanh khoản cho thị trường”, ông Châu cho biết.

Sửa Nghị định 65: Liệu thị trường trái phiếu có thoát thế kẹt? - Ảnh 3.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội

Còn theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, vấn đề quan trọng nhất của TPDN là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu. Đây là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai. Do đó, phải có những giải pháp đảm bảo cho người dân đã mua TPDN yên tâm không bị mất các khoản tiền đã đầu tư, thậm chí có thể sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn, nếu kiên trì theo đuổi đầu tư dài hạn.

Ông Cường cho rằng, bên cạnh việc sửa Nghị định 65 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thoả thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.

“Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư, chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý, một số dự án bất động sản quan trọng (về qui mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ luỵ lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.

"Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại TPDN với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua TPDN; hoặc chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ của nhà nước như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn", GS. TS. Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Theo Diệp Diệp

VOV

Trở lên trên