MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức “đề kháng” của ngân hàng đã tốt hơn

28-02-2023 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Tuy “sức khoẻ” của hệ thống đã tốt hơn, nhưng TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, vẫn cần thận trọng bởi mức độ bao phủ nợ xấu có sự phân hoá giữa các ngân hàng.

Nợ xấu có chiều hướng gia tăng

Theo NHNN, công tác xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm vừa qua. Nhờ tăng cường giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD được kiểm soát ở mức an toàn, đến cuối năm 2022 là 1,92%.

Tuy nhiên, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo FiinGroup, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi cơ chế cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN) kết thúc từ tháng 6/2022. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ cả bên trong lẫn bên ngoài, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.

Sức “đề kháng” của ngân hàng đã tốt hơn - Ảnh 1.

Các ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng dày có thể “kê cao gối ngủ”

Thống kê của FiinGroup cho thấy, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 1,6%, tăng mạnh so với mức 1,34% hồi đầu năm. Thậm chí đã xuất hiện những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu vượt trên 3%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định, những tác động bất lợi từ bên ngoài như lạm phát, kinh tế suy giảm và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất trên toàn cầu đã ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp không có đơn hàng đã buộc phải thu hẹp sản xuất, nên khả năng trả nợ suy giảm. Trong khi thị trường bất động sản trong nước đóng băng cũng ảnh hưởng tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. "Tỷ lệ nợ xấu gia tăng đã trong dự báo trước và có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2023, khi những khó khăn đã bộc lộ rõ nét hơn", vị chuyên gia này nói.

TS.Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, áp lực nợ xấu trong năm 2023 của các nhà băng sẽ lớn. Bởi 80 - 90% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản, nợ xấu tăng cao, phải thanh lý tài sản đảm bảo thì rất khó thanh lý ở thời điểm hiện tại bởi tính thanh khoản của thị trường này đang yếu. Kịch bản này gợi nhớ hoàn cảnh của 10 năm trước, khi thị trường bất động sản “đóng băng”, nợ xấu ngân hàng tăng cao, một số ngân hàng mất thanh khoản dẫn đến phải kiểm soát đặc biệt.

Tăng cường bộ đệm dự phòng

Không phủ nhận những áp lực nợ xấu gia tăng, nhưng bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng Khối Phân tích Định chế Tài chính của FiinGroup nhận định, trên bình diện chung, “sức khỏe” của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm bong bóng bất động sản, khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm. Có thể thấy, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng ứng phó với rủi ro nhờ bộ đệm dự phòng lớn với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 123% vào năm 2022, cao gấp đôi so với trung bình 61% của 10 năm trước. Đặc biệt có những ngân hàng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như tại Vietcombank tỷ lệ này ở mức 317%; MB cũng duy trì ở mức 238%; tại BIDV là 217%... Tất nhiên không phải tất cả các ngân hàng đều cải thiện được bộ đệm dự phòng dày dặn mà vẫn còn một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng. Những ngân hàng này sẽ đối diện rủi ro hơn khi thị trường biến động.

Điểm sáng tiếp theo là kỳ vọng tăng trưởng thu nhập lãi sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Theo bà Oanh, môi trường lãi suất cao sẽ hút tiền gửi chảy lại vào hệ thống ngân hàng, làm giảm áp lực chi phí vốn, giúp ngân hàng có dư địa cải thiện thu nhập lãi. Đồng thời, chính sách tiền tệ của NHNN được định hướng kiềm chế đà tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống. Từ đó, các ngân hàng thuần bán lẻ và có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn do lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, tạo dư địa để cải thiện NIM.

Cùng với đó, thu nhập từ phí và hoa hồng tiếp tục đóng góp tích cực cho lợi nhuận của ngân hàng, phần nào giúp giảm sự phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Nỗ lực số hóa và việc ký kết các hợp đồng phân phối bảo hiểm mới sẽ tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tuy “sức khoẻ” của hệ thống đã tốt hơn, nhưng TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, vẫn cần thận trọng bởi mức độ bao phủ nợ xấu có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, “sức khoẻ” hạn chế thì không được chủ quan bởi việc nhảy nhóm nợ xấu vô cùng nhanh. Để hạn chế nợ xấu phình ra, các ngân hàng cần nhanh chóng đánh giá lại các khoản vay để xem xét các ngành nghề và doanh nghiệp đang có vấn đề, cũng như thường xuyên cập nhật tình hình trả nợ khách hàng để có phương án xử lý kịp thời, tránh bị động.

SSI Research cho rằng, khi Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành, nợ xấu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ không xuất hiện ngay trong năm 2023, nhưng vẫn là một rủi ro lớn cần theo dõi trong cả năm.

Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, các chuyên gia cũng cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Hiện Quốc hội đã cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Theo Quỳnh Trang

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên