Sức ép giá 'đè' lên dự án đầu tư công
Giá dầu thế giới vẫn giữ ở mức cao khiến giá chắc chắn phải tăng theo, kéo theo đó là đà tăng giá của các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, nhựa đường. Điều này tác động trực tiếp tới các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án giao thông lớn đang triển khai sẽ phải điều chỉnh lại giá trúng thầu. Trong khi các chuyên gia dự báo lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 4%.
- 11-03-2022Chuyên gia Singapore gọi tên 5 công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam có tiềm năng đầu tư năm 2022
- 03-03-2022Gói đầu tư công thuộc Chương trình 350.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4/2022
- 02-03-2022Bình Dương giám sát đầu tư công vì nhiều năm ‘có tiền không xài được’
Trong 10 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang thi công, có 7 đoạn đầu tư công bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành trong năm nay (trừ 3 đoạn đầu tư BOT mới khởi công và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023). Giá dầu thế giới, giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao từ đầu năm 2021 tới nay, đặc biệt là trong 2 tháng qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án cao tốc này.
Đại diện chủ đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, các dự án do ban làm chủ đầu tư đều chịu ảnh hưởng bởi giá dầu và vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua. Từ đầu năm 2021 tới nay, giá sắt thép tăng cao, nay tới giá dầu thế giới và trong nước biến động lớn đã ảnh hưởng tới các nhà thầu.
“Việc điều chỉnh giá gói thầu phải theo từng dự án và quy định hiện hành, nếu không đủ điều kiện điều chỉnh giá, nhà thầu sẽ phải chịu chi phí tăng lên do tăng giá sắt thép” Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) chia sẻ.
“Các tuyến cao tốc vừa qua thi công phần nền, cầu, cống nên chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá sắt thép, vật liệu xây dựng, giá dầu tác động chưa nhiều. Tuy nhiên, giai đoạn này các dự án bắt đầu vào phần hoàn thiện mặt đường, phải sử dụng nhiều nhựa đường là một chế phẩm hoá dầu, nên giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các dự án. Hiện tại, các nhà thầu vẫn triển khai thi công theo đơn giá hợp đồng đã ký trước đó, còn việc điều chỉnh giá đang được Bộ GTVT và Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án, khi các bộ, ngành thống nhất sẽ điều chỉnh cho các nhà thầu. Giá dầu và sắt thép thế giới biến động không đoán định được nên các dự án ra sao vẫn phải chờ theo dõi tiếp”, ông Roãn nói.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cũng chia sẻ, giá dầu và sắt thép tăng gần đây là biến động thức thời, Ban đang đánh giá lại với các dự án của mình nên chưa có thông tin cụ thể về mức độ ảnh hưởng cũng như phương án xử lý. Dù vậy, theo ông Thi, đợt biến động giá sắt thép năm ngoái, tới nay tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các dự án đơn vị đang quản lý, một số gói thầu đã phải đàm phán điều chỉnh giá.
Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn- Diễn Châu. Ảnh: Cảnh Huệ
Tương tự, một số dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc - Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi giá sắt thép tăng cao, phải điều chỉnh giá. “Việc điều chỉnh giá gói thầu phải theo từng dự án và quy định hiện hành, nếu không đủ điều kiện điều chỉnh giá nhà thầu sẽ phải chịu chi phí tăng lên do tăng giá sắt thép”, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) chia sẻ.
Vật liệu đội giá từng ngày
Hiện tại, giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng đột biến những ngày gần đây đang khiến chi phí giá thành xây dựng công trình đội lên cao. Bên cạnh đó, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực rất lớn cho các nhà thầu.
Ông Nguyễn Minh Kha, Giám đốc Công ty kiến trúc-xây dựng và nội thất An Khang chia sẻ, nửa tháng nay công ty liên tiếp nhận thông báo tăng giá vật liệu xây dựng từ các đối tác, như giá xi măng, sắt thép, nhôm kính…. Chỉ trong một tuần, đối tác cung cấp cửa nhôm kính báo giá sản phẩm tăng gấp đôi, khiến doanh nghiệp xoay xở không kịp.
Về phía nhà thầu xây dựng, ông Lê Nam Việt, Giám đốc Công ty TNHH Minh Việt cho hay, hệ quả của đà tăng giá vật liệu, đặc biệt là giá thép đã đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới, gây nhiều khó khăn cho nhà thầu và chủ đầu tư. Nếu giá sắt thép, vật liệu xây dựng chỉ tăng trong thời gian ngắn, mức tăng vừa phải, thì nhà thầu, chủ đầu tư có thể đối phó được.
Tuy nhiên, về lâu dài, giá vật liệu vẫn neo ở mức cao sẽ khiến chủ đầu tư và nhà thầu lỗ nặng, thậm chí bỏ dự án “đắp chiếu” chờ giá giảm.
“Thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư”, ông Việt nói.
Nhiều đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng cho biết, việc điều chỉnh giá bán liên tục được cập nhật trong 2 tháng qua để các nhà thầu xây dựng kịp thời nắm bắt và điều chỉnh, tránh rơi vào tình trạng thua lỗ. Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho hay, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết, vậy nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, do chi phí nguyên vật liệu chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình, nên yếu tố này tăng giá mạnh những tháng đầu năm đã khiến chi phí xây dựng bị đội lên cao, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình.
Để hạn chế vấn đề này, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng…
Tiền phong