MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép lên tỷ giá không quá lớn

21-11-2016 - 11:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN linh hoạt như hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ khá tốt. Có thể thấy rõ, đầu năm, rất nhiều dự báo đưa ra rằng năm nay tỷ giá có thể phá giá 5%, nhưng đến thời điểm này mới mất giá gần 1%.

Tâm điểm trên thị trường tài chính tiền tệ trong tuần qua là việc giá đồng bạc xanh tăng liên tục, chạm mốc cao nhất 13 năm qua đã tác động đến giá nhiều đồng tiền trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Những tác động trên đối với tỷ giá của Việt Nam ra sao và trong thời gian tới diễn ra như thế nào. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành để làm rõ hơn vấn đề này.

Vì sao đồng USD lại tăng giá nhanh như vậy, thưa ông?

Những lý do cơ bản giải thích cho hiện tượng trên đó là gần như chắc chắn FED tăng lãi suất. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)Janet Yellen trong bài phát biểu cuối tuần qua đã phát đi tín hiệu rằng, NHTW Mỹ không có ý định thay đổi chính sách, cụ thể là ý định nâng lãi suất vào tháng tới vì chiến thắng bất ngờ của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Một lý do nữa, các chỉ số cơ bản kinh tế Mỹ đang khả quan như kinh tế tăng trưởng tốt, lạm phát tiệm cận con số 2%, thất nghiệp tiếp tục giảm.


Chính sách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ ổn định và phát triển

Chính sách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ ổn định và phát triển

Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng là một nhân tố tác động đến sự đi lên nhanh hơn của đồng bạc xanh. Với chính sách mà vị Tân Tổng thống này đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, tuy có thể không dễ thực hiện hoàn toàn nhưng nó tác động tương đối mạnh đến thị trường tài chính, kinh tế thế giới như: chống lại tự do hóa thương mại, đánh thuế hàng Trung Quốc, thúc đẩy các chính sách kêu gọi các NĐT quay lại với Hoa Kỳ; tăng chi đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng… Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng các NĐT tranh thủ đầu cơ, dẫn dắt tâm lý thị trường.

Việc lên giá của đồng bạc xanh tác động tiêu cực lên thị trường tài chính nhưng cũng có chiều cạnh tích cực. Giả sử đối với Việt Nam, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, cầu hàng hóa tăng lên, xuất khẩu Việt Nam được lợi (vì Mỹ là bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam).

Đồng USD lên giá và với chính sách kêu gọi NĐT của ông Donald Trump có thể dòng vốn trở lại Mỹ nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là tất cả các dòng vốn đó rời bỏ Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới mà vẫn có thể ở lại, thậm chí là tăng thêm nếu kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống tài chính lành mạnh…

Ông đánh giá thế nào về diễn biến tỷ giá của Việt Nam trong những ngày qua sau những tác động thị trường tài chính thế giới?

Đối với thị trường tài chính thế giới, trước những thay đổi lớn bao giờ cũng có biến động, thậm chí phản ứng có phần hơi quá đà nhưng đấy là điều bình thường. Tỷ giá của Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, cũng như sự kiện Brexit, sau khi tạo ra cú sốc trên thị trường tài chính thị trường tìm lại điểm cân bằng, bình tĩnh hơn. Như tại Việt Nam, sáng ngày 18/11 tỷ giá niêm yết của các NH quanh mức 22.495 - 22.585 đồng/USD (mua - bán), tăng 105 đồng so với chốt phiên đó. So với ngày 10/11, tỷ giá của các NH đã tăng 230 đồng, tương đương 1,02%. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều tỷ giá USD/VND đã hạ 40 đồng về mức 22.450-22.550 đồng/USD.

Với tỷ giá của Việt Nam, theo tôi trong ngắn hạn áp lực không quá lớn với những điểm tựa khá vững. Mặc dù vài tháng trở lại đây bắt đầu xuất hiện thâm hụt thương mại, nhưng về tổng thể cán cân thương mại vẫn thặng dư. Chưa kể, cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn FDI; vốn từ hoạt động mua bán, sáp nhập; kiều hối chuyển về dịp cuối năm…

Do đó, trong ngắn hạn 3-6 tháng, áp lực lên tỷ giá dù có nhưng chưa lớn. Tôi cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN linh hoạt như hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ khá tốt. Có thể thấy rõ, đầu năm, rất nhiều dự báo đưa ra rằng năm nay tỷ giá có thể phá giá 5%, nhưng đến thời điểm này mới mất giá gần 1%.

Dẫu vậy, chính sách điều hành tỷ giá cũng gặp khó trong ứng xử với thị trường. Thứ nhất là lạm phát cao hơn nhiều năm trước trên dưới 5%. Đồng USD lên giá kéo theo áp lực từ việc mất giá của nhiều đồng tiền, trong đó có những đồng tiền gắn bó chặt chẽ với thị trường thương mại của Việt Nam.

Cái khó trong điều hành tỷ giá là làm sao điều chỉnh đủ linh hoạt để vừa không làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam mà vẫn giữ được ổn định giá trị đồng tiền. Ví như, nếu cố giữ VND quá “cứng”, sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Còn để phá giá nhiều, người dân lại hoài nghi về giá trị đồng nội tệ chuyển dịch sang đồng USD chắc chắn sẽ tác động lên lạm phát. Muốn giữ được cạnh tranh, duy trì được tăng trưởng ổn định mà không để xảy ra dịch chuyển đồng tiền, theo tôi, bên cạnh điều hành linh hoạt tỷ giá, phải bám sát thị trường với 2 biến số quan trọng nhất là tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát.

Theo ông, tỷ giá dao động ở mức nào là phù hợp?

Tôi nghĩ rằng với mức điều chỉnh trên dưới 2% là chấp nhận được. Nhưng, tôi nhấn mạnh vấn đề ở đây không phải là con số, mà quan trọng phải gắn với niềm tin. Bất kể chính sách nào, nhất là với thị trường tài chính thì sự minh bạch và ổn định là mấu chốt trong việc tạo dựng lòng tin thị trường. Trước một thế giới ngày càng trở nên bất định, đối với thị trường tài chính bao giờ cũng phải đặt trọng số rủi ro cao hơn.

Ngoài những thông điệp đối với thị trường về nguồn lực, tính linh hoạt trong điều hành, NHNN cần theo dõi sát thị trường để có công cụ chính sách can thiệp kịp thời, như bơm hút tiền của thị trường mở, dự trữ bắt buộc… Làm như vậy, theo tôi chắc chắn sẽ củng cố lòng tin, hạn chế được những cú sốc diễn ra trên thị trường tiền tệ nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Xin cảm ơn ông!

NHNN vừa ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của Thống đốc NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD, chi nhánh NH nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).

Trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Theo Hà Thành thực hiện

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên