Sức ép nào đối với tăng trưởng kinh tế cuối năm?
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đánh giá, dù đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt kết quả ngoạn mục nhưng nửa cuối năm 2018, động lực kinh tế giảm dần.
- 20-07-2018Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa quá "nóng"
- 09-07-2018Đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?
- 05-07-2018SSI Research: Câu hỏi về tăng trưởng kinh tế
Có dấu hiệu mất đà
Theo TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo của NCIF, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính đạt 7,08%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức như giá USD tăng; chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế. Sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn. NICF dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,83%. Tăng trưởng 2 quý còn lại lần lượt đạt 6,72% vào quý 3 và 5,56% vào quý 4.
“Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2018 và trong 2 năm 2019 - 2020 có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là động lực nhưng lại phụ thuộc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi thu hút FDI đang bão hòa, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần và không có động lực mới bổ sung. Bản thân công nghiệp chế biến chế tạo trong nước chủ yếu và hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị”, ông Đặng Đức Anh phân tích.
Bên cạnh đó, tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét. Cơ quan chức năng chưa lượng hóa các chính sách đặt ra đóng góp như thế nào cho tăng trưởng kinh tế. Nếu gạt FDI ra khỏi nền kinh tế, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước, phụ thuộc vào vốn, ít căn cứ vào đổi mới sáng tạo.
GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2018, nếu không có chuyển biến từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, số vốn cho đầu tư sẽ giảm và sẽ làm giảm tăng trưởng.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung tác động GDP Việt Nam
Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới GDP, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới, thuộc NCIF dự báo, đến năm 2021-2023 tác động của chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo dự đoán, năm 2021 GDP của Việt Nam giảm 0,12%.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chúng ta cần tránh việc để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trong dài hạn. Việc Tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.
“Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá đồng nhân dân tệ - USD sụt giảm tiếp sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Từ đó dẫn tới việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Điều này có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam khi hàng hóa Trung Quốc sẽ có cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỷ giá đồng Việt Nam - USD”, ông Thành nói.
Dù chưa có tác động trực tiếp trong 6 tháng cuối năm, nhưng NICF cho rằng, giá USD sẽ tăng, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng. Việc bán ròng của các nhà đầu tư ngoại đã xuất hiện. Nếu chiến tranh thương mại căng thẳng có thể khiến nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2018 và 2 năm 2019 - 2020 có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng".
TS Ðặng Ðức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo của NICF
Tiền phong