MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép nào khiến tiền điện tử biến động như tàu lượn siêu tốc?

11-03-2021 - 20:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tiền điện tử đang chứng kiến những đợt biến động mạnh do sự tác động của một bên là các nhà đầu tư tổ chức và một bên là những "luồng gió ngược" trong nền kinh tế.

Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính số, hiện thị trường tiền điện tử đang chứng kiến mức biến động mạnh mẽ: Tăng cao và giảm sâu trong trong ngắn hạn.

Trong đó, Bitcoin và Ethereum đang vào đợt bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng thời, thị trường trái phiếu cũng đang gây lo lắng khi lạm phát và tỷ lệ lợi tức ăn sâu vào niềm tin của nhà đầu tư.

Sức ép nào khiến tiền điện tử biến động như tàu lượn siêu tốc? - Ảnh 1.

Thị trường tiền điện tử hiện đang chứng kiến đợt biến động mạnh mẽ

Theo Market Watch, trang thông tin tài chính của Mỹ, thị trường tiền điện tử đã sôi sục với sự gia tăng của những "bong bóng siêu nhỏ". Sau những đợt tìm đỉnh mới lên tới gần 60.000 USD/ BTC, Bitcoin điều chỉnh về dưới 45.000 USD/BTC để rồi lại tăng cao tới 55.472 USD/BTC trước khi giảm trở lại 53.200 USD/BTC chỉ trong vòng ba giờ hôm 9/3. Giá của Ethereum đã tăng lên 1.858 USD/ETH, đạt mức cao nhất mọi thời đại từ lúc thiết lập đợt tăng giá vào tháng 2.

Tuy nhiên, tính đến ngày 9/3, vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu của đã giảm, còn ở mức 1,66 nghìn tỷ USD. Công ty phân tích chuỗi trực tuyến CryptoQuant cho rằng, xem xét dòng chảy vào, ra của Bitcoin khỏi các sàn giao dịch có thể thấy, nguồn cung Bitcoin được nắm giữ trên tất cả các sàn giao dịch vừa đạt mức thấp nhất trong 2 năm. Nguyên nhân là do hầu hết số tiền đã được chuyển vào một số hình thức lưu trữ lạnh, điều này đang tạo ra áp lực lên giáBbitcoin vì gây ra sự khan hiếm với đồng tiền này.

Mới đây, còn có thông tin rằng JP Morgan đã nộp hồ sơ tới SEC cho một "rổ tiếp xúc tiền điện tử" sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư tiếp xúc gián tiếp vớibBitcoin, thông qua các công ty đã đầu tư vào nó, như MicroStrategy và Square. Và trên hết, một số công ty có trụ sở tại châu Á đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường tiền điện tử bằng một loạt cơ sở hạ tầng mới.

Ngoài ra, gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mà chính phủ Mỹ thông qua dường như đang giúp nâng tầm mọi thứ hơn nữa, trong đó có tiền điện tử.

"Chúng tôi đã thấy sự gia tăng mức độ quan tâm từ những người chơi tổ chức trên toàn cầu, ở Trung Quốc, rất nhiều cá nhân có tài sản giá trị ròng cao đã hỏi về cách thêm Bitcoin vào danh mục đầu tư của họ", đại diện công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử Amber Group nói.

Tuy nhiên, trong các báo cáo của Market Watch trước đây, vẫn có những "luồng gió ngược" ở các khu vực khác của nền kinh tế toàn cầu khiến giá cả thị trường tiền điện tử không ổn định. Vụ lớn nhất trong tuần này là đợt bán trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 38 tỷ USD. Cuộc đấu giá theo phương pháp truyền thống không thu hút nhiều sự chú ý, nhưng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu ráo riết, để tìm ra những dấu hiệu dự báo tương lai xảy ra đối với Mỹ và nền kinh tế thế giới.

Sức ép nào khiến tiền điện tử biến động như tàu lượn siêu tốc? - Ảnh 2.

Có những "luồng gió ngược" ở các khu vực khác của nền kinh tế toàn cầu khiến giá cả thị trường tiền điện tử không ổn định

Đồng bạc xanh đã đi theo sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc trong những tuần gần đây, với lợi suất cao hơn đã thúc đẩy sự hấp dẫn của đồng tiền cũng như làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nói chung, thúc đẩy nhu cầu về các tài sản an toàn nhất.

Lần cuối cùng, chính phủ Mỹ cố gắng bán đấu giá trái phiếu để giúp giảm bớt khoản nợ trị giá 22 nghìn tỷ USD của đất nước là vào tháng trước, doanh số bán hàng đã sụt giảm. Điều đó dẫn đến sự không chắc chắn trên khắp các thị trường toàn cầu khi nợ chính phủ Mỹ được sử dụng làm tiêu chuẩn cho mọi thứ, từ các khoản vay mua ô tô, đến thẻ tín dụng. Điều này khiến Bitcoin và tiền điện tử bị ảnh hưởng.

Tại sao điều này lại quan trọng đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư ngắn hạn? Theo Market Watch, nếu việc mua bán không thành công, Chính phủ sẽ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn đối với khoản nợ để thu thêm lãi suất. Dự luật kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đang là điểm tranh cãi của một số nhà đầu tư vì dòng tiền mới có thể gây ra lạm phát và ảnh hưởng đến lãi suất, điều mà các công ty muốn ngăn chặn.

Lãi suất lại là điều đã làm các nhà đầu tư chịu áp lực gần đây. Trong một loạt các cuộc khảo sát kinh doanh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện, các doanh nghiệp đang phải trả giá cao nhất trong một thập kỷ và chỉ số hàng hóa công nghiệp thô, dẫn đầu là đồng, đã tăng nhanh hơn so với sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Sự gia tăng chi phí kinh doanh được một số người coi là dấu hiệu cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang phát triển quá nóng. Frances Newton Stacy, giám đốc chiến lược của Optimal Capital cho biết, sự sôi sục mà chúng ta đang trải qua trên các thị trường hiện nay, đặc biệt là trong màn trình diễn thần kỳ của cổ phiếu công nghệ trên sàn Nasdaq, có thể chỉ hơn một cú "giãy chết".


Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên