MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức hấp dẫn từ cổ phiếu ngân hàng

24-06-2020 - 09:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong quý II/2020 đã có chuỗi ngày hồi phục ngoài mong đợi sau những diễn biến tiêu cực trong quý I. Trong bối cảnh cổ phiếu trên thị trường định giá thấp, cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng đang được xem là cổ phiếu hot, được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2020.

Triển vọng thị trường lạc quan

Trong quý I/2020, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường giảm mạnh, đưa mức định giá nhiều cổ phiếu về mức thấp, mở ra cơ hội để mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt tại vùng giá hấp dẫn, điều khó thực hiện trong điều kiện thị trường thông thường. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2020, chỉ số VnIndex sụt giảm mạnh (-31%) so với đầu năm, có thời điểm giảm xuống mức 959 điểm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý I khoảng 9.200 tỷ đồng.

Bước sang quý II, nối tiếp sự hưng phấn của đà tăng trong tháng 4 với nhiều yếu tố thuận lợi, TTCK đã hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các thông tin tích cực dù hiện tại thị trường đang điều chỉnh giảm xuống 870 điểm nhưng triển vọng vẫn sáng. Có được điều này là nhờ:

Thứ nhất, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt ở Việt Nam và sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, gồm chính sách tài khóa và tiền tệ đã củng cố niềm tin của thị trường; Thứ hai, TTCK thế giới có diễn biến tích cực khi nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế, giúp TTCK hồi phục, góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư Việt Nam. Cụ thể, TTCK Mỹ đã phục hồi hơn 30% từ đáy, các thị trường lớn ở châu Âu, châu Á đều phục hồi mạnh; Thứ ba, giá nhiều cổ phiếu đã rơi quá sâu và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong nước góp phần giúp thị trường có thêm sắc màu đầu tư mới. Bên cạnh đó, biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh; dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ có thể chuyển sang TTCK nhằm kiếm lời, thực tế, tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 ghi nhận tăng đột biến.

Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng trở lại, xóa tan những nghi ngờ về sự điều chỉnh sau dịch bệnh, một số chuyên gia cho rằng, các quý còn lại năm 2020, thị trường sẽ tiếp tục có thay đổi chứa đựng nhiều cơ hội.

Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn?

Trong quý I, có nhiều nhận định cho rằng, cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực do các ngân hàng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo theo nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng tăng và lợi nhuận giảm khi thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay vốn. Do đó, các khuyến nghị đối với cổ phiếu ngân hàng là "trung lập", "kém khả quan" và cần thận trọng khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh, trong đó có một số mã giảm 25 - 30% so với đầu năm 2020.

Bước sang tháng 5, dựa trên triển vọng lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2020 - 2021, một số chuyên gia nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư trung hạn và đây là thời điểm thích hợp để mua dần vào, tích lũy cho quý III và IV. Tuy nhiên, lựa chọn cổ phiếu như thế nào để đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng... Một số cổ phiếu có mức giá hấp dẫn, hồi phục mạnh từ tháng 4 đến nay như: STB (Sacombank), HDB (HDBank), TCB (Techcombank), NVB (NCB)…

Sức hấp dẫn từ cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

NVB là một trong những cổ phiếu được đánh giá có tiềm năng tăng giá trong 2020

Phân tích cổ phiếu ngân hàng rất phức tạp, theo các chuyên gia, nhà đầu tư không những chỉ nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận mà còn phải cần chú ý đến các chỉ số như: ROE, ROE và tiềm năng phát triển của ngân hàng cũng như các vấn đề khác như thu hút vốn nhà đầu tư, diễn biến tái cơ cấu của ngân hàng, ban lãnh đạo…

Chẳng hạn với cổ phiếu NVB, ngân hàng này gần đây kinh doanh khá tích cực. Năm 2019, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ nhằm phát triển ngân hàng theo hướng Ngân hàng số; các chỉ số về hiệu quả kinh doanh đều tăng trưởng tốt. NCB cũng đạt tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao và đặc biệt vẫn còn room dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong quý 1 năm nay, ngân hàng này tiếp tục tăng trưởng với lợi nhuận tăng hơn 12% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần tăng gần 36% trong đó riêng thu nhập từ dịch vụ tăng gấp rưỡi; Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2019. NCB cũng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp. Song song đó ngân hàng đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41. Trong năm 2020, NCB sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Ngân hàng Nhà nước triển khai và áp dụng Basel II.


AD

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên