MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mạnh kì diệu của việc làm bạn với con trẻ

22-01-2017 - 13:24 PM | Sống

Một mối quan hệ gia đình tốt đẹp chính là chìa khóa thành công của tất cả các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, đây không phải điều mà cặp vợ chồng nào cũng đạt được trong cuộc sống hôn nhân của họ.

Nhìn nhận vấn đề

Tất cả các bậc cha mẹ đều nên học cách để làm bạn với những đứa con. Một vài lời khuyên cho vấn đề này được đề cập đến thường xuyên như việc không phán xét một đứa trẻ nghịch ngợm hay giúp cho đứa con trong tuổi vị thành niên có một khoảng không gian bình yên để nghĩ ngợi và cùng con uống một ly trà sau khi chúng phải trải qua những bài kiểm tra căng thẳng. Thế nhưng, những điều tưởng chừng như đơn giản này lại cần phải được thực hiện thường xuyên hơn nếu như bạn muốn con cái mở lòng hơn với mình.

Hãy thôi cố gắng để làm cho con phải lắng nghe mình bởi sự thật là điều quan trọng ở đây chính là bạn cần học cách lắng nghe chúng trước.

Mỗi gia đình có một vấn đề khác nhau. Đó là lí do vì sao chúng ta phải nhìn nhận chúng một cách đúng đắn nhất. Các cặp cha mẹ của những gia đình chỉ sinh con một dường như quá tập trung vào con cái, đầu tư và kì vọng ở chúng quá nhiều. Trong khi đó, những gia đình đông con hơn lại gặp phải vấn đề vì họ hiếm khi có thể quản lí con cái một cách công bằng. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đông con đồng nghĩa với việc chúng phải học cách chia sẻ đồ chơi cùng nhau ngay từ khi còn bé, trong khi những đứa trẻ khác có thể có những món đồ của riêng mình.

Có những gia đình mà cha và mẹ không có được nhiều cơ hội để cùng ngồi xuống và trò chuyện cùng con, điều này đôi khi cũng trở thành những trở ngại tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ với con cái. Một cách để giải quyết vấn đề này là mỗi tháng, hoặc mỗi năm, hãy tự tạo cho gia đình những sự kiện nhỏ để cả nhà có thể quây quần bên nhau và lắng nghe về quãng thời gian đã qua. Lâu dần, khi những sự kiện nhỏ trở thành thói quen, thì cũng là lúc những đứa trẻ học được cách mở lòng và nói ra những suy nghĩ, mong muốn của mình với cha mẹ của chúng. Những kì nghỉ hay mùa lễ hội cũng là những dịp tốt để tận hưởng một chuyến du lịch cùng gia đình và có những quãng thời gian vui vẻ với nhau.

Phải làm thế nào để trở thành một người bạn của con?

Tạo ra sự kết nối giữa những thành viên trong gia đình cũng chính là tạo cơ hội cho các cặp cha mẹ có thể hiểu hơn về con cũng như có thêm những khoảng thời gian để nói chuyện thay vì phải sắp xếp thời gian làm việc trước khi có thể dành thời gian cho con.

Tuy nhiên, có những lúc điều mà bạn cần phải làm không phải là đưa ra những lời khuyên mà chính là luôn ở bên và lắng nghe lời con trẻ, mà cụ thể ở đây chính là ngồi bên cạnh con những khi con cần.

Bác sĩ tâm lí gia đình, bà Rachel Andrew, đã giải thích rằng: “Trong một số tình huống, chính vị trí mà bạn ngồi sẽ khiến cho con bạn cảm thấy thoải mái hơn để chúng có thể tự do chia sẻ những gì chúng còn đang giấu diếm. Bạn cũng có thể áp dụng cách ngồi chéo sang phía bên cạnh con trong khi bạn cho con chơi đồ chơi hay bắt đầu một câu chuyện với trẻ, tức là kết hợp những trò chơi và cả những không gian sống vào trong câu chuyện của bạn. Chúng tôi khuyên bạn nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để tham gia vào những hoạt động thường ngày của trẻ. Có rất nhiều môn thể thao hay các trò chơi mà cha mẹ và con cái có thể làm cùng nhau, ví dụ như chạy bộ, vẽ tranh, nấu ăn,… Mục đích chính ở đây chính là tạo cho con một thói quen và khiến chúng hiểu được tầm quan trọng của bản thân.”

Một cách khác để hình thành thói quen chính là việc bạn cần phải biết lắng nghe trẻ nói. Có những lúc hãy để chúng có thể làm chủ câu chuyện của mình. Hãy ngừng đặt ra những câu hỏi và thay vào đó là những lời góp ý. Những hoạt động như thế này sẽ giúp gia đình trở nên gắn bó hơn và giúp cho những đứa trẻ có đủ tự tin để đến với bạn và nói cho bạn tất cả mọi điều có thể, từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày cho đến những tình huống khiến chúng lo lắng.

Có những lúc bạn có thể bị sốc vì những gì mà chúng kể cho bạn nghe. Thế nhưng, hãy nhớ là phải luôn bình tĩnh khi lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho con bởi nếu như bạn làm con cảm thấy sợ hãi hay lo lắng thì đó chính là lúc bạn đã không còn được lắng nghe nhiều hơn về câu chuyện mà chúng đang muốn chia sẻ. Hãy để cho con có cơ hội nói ra tất cả và tuyệt đối đừng ngắt lời trẻ với những câu nói kiểu như : “Bố mẹ biết con muốn nói gì rồi”.

Hãy chỉ đưa ra cho chúng những sự lựa chọn hoặc lời khuyên về cách giải quyết vấn đề, chứ đừng giúp chúng đưa ra quyết định. Lí do là bởi nếu như bạn muốn con có đủ tin tưởng để tiếp tục nói cho bạn những vấn đề khác nữa, thì bạn phải tỏ rõ thái độ lắng nghe chứ không phải kiên quyết đi theo những gì mình nghĩ và bắt con phải làm như vậy, đặc biệt là với trẻ vị thành niên.

Hãy luôn thể hiện tình yêu và sự đồng cảm với con, nhưng cũng đừng quá quan tâm và để ý mà hãy để cho con khoảng trời riêng để nghĩ và làm theo những gì con muốn.

Một quy tắc vàng mà bạn phải nhớ chính là hãy luôn luôn đi sát theo những câu chuyện của con và hãy ghi nhớ chúng. Bạn cần phải thể hiện được rằng bạn hoàn toàn thấu hiểu những lo âu của con và bạn sẵn sàng giúp đỡ. Hãy cho chúng thấy tình yêu thương, sự nhiệt tình và sự ủng hộ vô điều kiện của bạn.

Tuy nhiên, mỗi cặp cha mẹ có một cách dạy con khác nhau. Có những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình nơi mà chúng luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích mỗi khi làm sai điều gì đó hay trên vai chúng mang theo quá nhiều kì vọng của phụ huynh. Những đứa trẻ này có xu hướng thích nói chuyện thẳng thắn, mặt đối mặt bởi chúng đã quen với điều đó ngay từ bé.

Nói tóm lại, tất cả những việc bạn cần làm ngay lúc này chính là giúp con hình thành thói quen giao tiếp với cha mẹ. Việc này chỉ mất 10 phút mỗi ngày và để thực hiện thì vô cùng đơn giản. Một khi nó đã trở thành thói quen, cả cha mẹ và con cái đều sẽ học được cách lắng nghe đối phương và có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.

Đây chính là cách có thể giúp bạn duy trì mối quan hệ gia đình ổn định và bền vững.

Khánh Linh

Theguardian

Trở lên trên