Sức mua đang giảm sâu
Dù đã có bước chuẩn bị trước nhưng tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân chi tiêu dè sẻn, làm sức mua giảm mạnh... đang khiến giới kinh doanh lo lắng.
- 12-03-2023Mỹ kêu gọi các nhà giao dịch hàng hóa trên thế giới: “Cứ mạnh dạn kinh doanh dầu của Nga”
- 25-02-2023Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường sắt Trung - Lào tăng gấp 5 lần
- 19-02-2023Hàng hóa tiêu dùng trên thế giới có xu hướng tăng giá mạnh trong năm nay
Hơn 10 giờ một ngày giữa tuần, khu vực kinh doanh hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá) và khu vực kinh doanh trái cây chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) vẫn thưa thớt khách. Dù chưa đến giờ trưa, nhiều tiểu thương đã sắp xếp lại hàng hóa, dọn dẹp vệ sinh chỗ bán hàng.
Hết tháng giêng, chợ vẫn chưa hết ế
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chủ sạp trái cây Cẩm Tú, cho biết cả buổi sáng chỉ bán được cho 2 khách. "Chợ bắt đầu có khách du lịch trở lại nhưng khách đi chợ hằng ngày thì không thấy đâu. Kể cả khách quen thường đặt trái cây làm quà biếu tặng nay cũng không liên lạc. Tình hình làm ăn khó khăn quá nên nhiều người cắt giảm chi tiêu, trái cây cao cấp không còn dễ bán như trước" - chị Nguyệt than thở.
Sạp Cẩm Tú là một trong những sạp trái cây lâu năm và có tiếng ở chợ Bến Thành. Chị Nguyệt cho biết trước đây, hầu như ngày nào chị cũng nhận trái cây nhập khẩu về bán nhưng nay phải 5-7 ngày mới lấy hàng một lần.
"Bây giờ chợ nào cũng ế. Nhiều người quen của tôi là tiểu thương chợ Tân Định, Bà Chiểu… cũng khóc ròng vì bán chậm. Một số tiểu thương đăng ký bán hàng trên GrabMart và rất chịu khó quảng cáo hàng trên Zalo, Facebook nhưng cũng rất ít khách chốt đơn" - chị Nguyệt kể.
Khu vực kinh doanh thực phẩm ở chợ An Đông vắng khách trong giờ cao điểm sáng Ảnh: THANH NHÂN
Chị Dương Thị Thanh Thủy, chủ sạp bánh kẹo Trí Đức, cho hay dù khách Việt kiều và khách du lịch vài tháng gần đây đến chợ Bến Thành nhiều hơn nhưng nhìn cách khách xài tiền là biết kinh tế đang khó thế nào! "Hầu hết khách không còn mạnh tay mua sắm như trước mà cân nhắc kỹ trước khi mua và chỉ mua số lượng rất ít" - chị Thủy phản ánh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ban quản lý một số chợ trên địa bàn TP HCM như chợ Tân Định, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu... đều cho biết sức mua ì ạch kéo dài từ sau Tết Nguyên đán. Không những vậy, tiểu thương trong nhà lồng chợ còn gặp khó vì không cạnh tranh được với các chợ tự phát bủa vây xung quanh chợ chính. Nhiều tiểu thương cầm cự không nổi phải bỏ sạp, ra bán lề đường ở chợ tự phát hoặc đổi nghề.
Hàng điện máy, công nghệ cũng... khó
Tình hình kinh tế khó khăn cũng tác động nhanh chóng đến sức mua hàng điện máy, hàng công nghệ. Tại các trung tâm, siêu thị điện máy ở TP HCM, thời điểm này khách hàng khá thưa thớt, sức mua giảm sâu. Theo đánh giá từ các nhà bán lẻ, sức mua giảm tới 50% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Ông Thái Hoàng Minh, quản lý siêu thị điện máy tại TP HCM, cho biết hàng tồn đang chất đầy kho nên đại lý buộc phải khuyến mãi, giảm giá mạnh, song cũng chưa thể giải phóng được hàng tồn.
Theo ông Hồ Tác Thành, Giám đốc chuỗi bán lẻ 24hStore, sức mua điện thoại di động đang giảm sâu do kinh tế khó khăn, người lao động mất việc làm. Phân khúc điện thoại giá rẻ dưới 5 triệu đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất - sức mua giảm đến 70% so với năm ngoái; sức mua phân khúc giá tầm trung giảm ít hơn - khoảng 30%; phân khúc cao cấp tiêu thụ giảm khoảng 20%.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, thông tin doanh thu nhiều ngành hàng hiện sụt giảm chỉ còn 60% so với giai đoạn cuối năm 2022, doanh thu giảm xuống dưới điểm hòa vốn. Sức mua giảm mạnh khiến các đại lý bán lẻ phải liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá đến 30%-50% so với giá niêm yết.
Hàng được bán với mức lợi nhuận âm do áp lực thu hồi tiền và cạnh tranh của thị trường khiến đại lý chịu mức lỗ lớn hơn cả những tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Đại diện hệ thống này dự báo tình hình kinh doanh khó khăn ở lĩnh vực bán lẻ công nghệ sẽ còn tiếp diễn đến hết quý III/2023.
Tại hệ thống Di Động Việt, sức mua smartphone và laptop trong hơn 2 tháng đầu năm nay cũng không đạt kỳ vọng do người tiêu dùng có xu hướng hạn chế mua sắm đồ công nghệ. Giống nhiều hệ thống bán lẻ khác, Di Động Việt phải triển khai nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu.
Thị trường ôtô 2 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận sức tiêu thụ giảm hơn 50% so với những tháng cuối năm ngoái. Theo nhận định của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sức mua có nguy cơ giảm sâu kéo dài trong cả năm nay. Ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA, cho hay nguyên nhân bởi kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng quá cao khiến người tiêu dùng không dám móc hầu bao mua hàng xa xỉ.
Mặt bằng trống đầy rẫy
Đã gần hết quý I/2023 nhưng tại không ít tuyến đường ở trung tâm TP HCM vẫn còn rất nhiều mặt bằng cho thuê đang bỏ trống. Dọc các tuyến đường sầm uất ở các quận 1, 3, 10, Tân Bình như Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Sỹ..., một số mặt bằng cho thuê bỏ trống lâu ngày trở nên xập xệ, nhếch nhác.
Báo cáo của Savills nhận định hoạt động xây dựng trì trệ và sức mua suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng nguồn cung mặt bằng bán lẻ. Năm ngoái, công suất cho thuê mặt bằng giảm 2% do khách thuê kết thúc hợp đồng trước thời hạn tại các dự án ngoài khu vực trung tâm. Trong đó, khách thuê thuộc lĩnh vực thời trang chiếm 24% diện tích trả mặt bằng, lĩnh vực ăn uống chiếm 22% và giải trí, giáo dục chiếm 20%.
Tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng cũng diễn ra tại các trung tâm thương mại Pearl, Cantavil, Diamond, Bitexco. Trung tâm Thương mại Parkson Hùng Vương (quận 5) trước khi chính thức đóng cửa cũng rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều thương hiệu trả mặt bằng trước thời hạn.
Người lao động