MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mua tăng đột biến, ôtô lại cháy hàng

24-10-2022 - 08:26 AM | Thị trường

Sức mua tăng đột biến, ôtô lại cháy hàng

Nguồn cung ôtô thời gian gần đây đã được cải thiện song do sức mua tăng mạnh ngoài dự đoán của nhiều hãng xe nên cung vẫn chưa đáp ứng được cầu.

Nhiều mẫu ô tô bán chạy thường xuyên "cháy" hàng. Khách hàng muốn mua phải đặt cọc trước và chờ từ vài tuần đến vài tháng, có thể sang năm sau mới nhận được xe.

Không biết khi nào có xe!

Khảo sát một số đại lý ôtô ở TP HCM, chúng tôi ghi nhận số lượng xe trưng bày đã nhiều hơn trước. Tuy nhiên, nếu khách muốn mua những mẫu chiến lược, có doanh số lớn thì không có xe giao ngay.

Tại đại lý Toyota ở quận 1, TP HCM, nhân viên bán hàng cho biết các mẫu Camry, Altis, Veloz, Corolla Cross đều không có hàng, sớm nhất là tháng 12-2022 mới có xe về. Riêng mẫu Raize có thể phải đến tháng 1-2023 mới hy vọng có xe giao cho khách nhưng "không dám hứa chắc chắn có".

Tại đại lý của Ford, nhiều mẫu cũng không sẵn hàng. Mẫu bán tải "ăn khách" nhất là Ranger sẽ có hàng trong tháng 11 hoặc 12 năm nay, tùy màu. Mẫu mới Ford Everest mới chào bán hồi tháng 8 vừa qua cũng trong tình trạng khan hàng và "không biết khi nào có xe về". Mẫu mới hơn ra mắt hồi đầu tháng 10 này là Territory được khách đặt với số lượng quá lớn nên cũng rất khan hàng, đại lý hẹn đến cuối tháng 11 tới mới có xe xuất xưởng từ nhà máy ở Hải Dương.

Ở đại lý Hyundai, mẫu bán chạy SantaFe, Tucson vẫn trong tình trạng khan hiếm từ đầu năm đến nay. Mẫu SantaFe bản máy xăng đến tháng 12 mới có hàng, còn bản máy dầu không thể hẹn thời gian.

Khách mua Seltos, Sonet, Carnival của Kia; Xpander của Mitsubishi cũng phải chờ 2-3 tháng mới có xe. Đại diện hãng Mitsubishi cho biết số lượng đơn đặt mua Xpander quá lớn nhưng hãng chỉ đáp ứng được 2.500-3.000 chiếc/tháng. Một số mẫu khác có xe giao ngay nhưng khách lại không chọn mua nhiều.

Đáng chú ý, có hiện tượng nhân viên đại lý lấy lý do khan hàng, chỉ còn một vài chiếc khách bỏ cọc... để bán cho người khác với giá cao hơn 30-40 triệu đồng so với giá công bố của hãng.

Sức mua tăng đột biến, ôtô lại cháy hàng - Ảnh 1.

Nhiều mẫu ôtô không có xe giao ngay, khách hàng phải chờ 2-3 tháng

Vượt dự báo

Giới kinh doanh cho hay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến nguồn cung ôtô hiện không còn quá căng thẳng. Hầu hết hãng ôtô có nguồn linh kiện dự trữ đáp ứng được phần nào nhu cầu sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, số lượng xe cung cấp ra thị trường rất lớn, từ 30.000-40.000 chiếc/tháng, cao hơn mức 20.000-30.000 chiếc/tháng trong những năm trước đây. "Thị trường đã qua giai đoạn thiếu hụt nguồn cung, bước sang giai đoạn sức tiêu thụ tăng nóng, vượt dự báo dẫn đến các hãng xe trở tay không kịp" - đại diện một đại lý xe cho biết.

Theo ghi nhận, tình trạng khan hiếm xe trên thị trường chỉ rơi vào những mẫu bán chạy khi nhu cầu tăng đột biến. Hồi cuối năm ngoái, các hãng xe nhận định tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trên thị trường khoảng vài năm tới nên kế hoạch sản xuất được tính toán theo hướng giảm bớt.

Ông Lê Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ôtô Gia Định, thừa nhận tình trạng thiếu xe do khách đặt hàng tập trung quá nhiều vào những mẫu được ưa chuộng.

Theo ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, nguồn cung ôtô năm nay nhiều hơn những năm trước nhưng tình trạng khan hiếm trên thị trường vẫn tiếp diễn bởi các hãng chưa nhận định chính xác về thị trường. Sức mua ôtô bùng nổ bất ngờ ngay sau khi dịch COVID-19 vừa tạm thời được kiểm soát trong khi hầu hết nhà sản xuất nhận định sức mua vẫn yếu. Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất cần có thời gian nhất định, không thể tăng sản lượng tức thời.

Năm 2022, dự báo tiêu thụ 400.000 chiếc

Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy 9 tháng đầu năm nay, toàn thị trường tiêu thụ khoảng 300.000 xe các loại, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng xe du lịch tăng mạnh đến 78%. Dự kiến, cả năm 2022, toàn thị trường tiêu thụ hơn 400.000 xe, cao hơn mức 320.000 của năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên