MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức nặng của cổ phiếu ngân hàng

05-07-2018 - 09:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Dù thị trường đi lên hay giảm điểm, cổ phiếu ngân hàng luôn là tác nhân chính ảnh hưởng đến biến động của chỉ số.

Ngày 3/7, chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp khi VN-Index mất hơn 4% giá trị, xuống mức 906 điểm. Toàn sàn HOSE có 248 mã giảm với 45 cổ phiếu “nằm sàn”, riêng nhóm ngân hàng đóng góp 5 mã.

Vốn hóa HOSE ‘bốc hơi’ 130.792 tỷ đồng, trong đó giá trị thị trường của các nhà băng trên sàn bị ‘thổi bay’ 34.685 tỷ đồng, tương đương 26,5%.

Diễn biến các mã ngân hàng phiên 3/7

Sức nặng của cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

HOSE hiện niêm yết 11 cổ phiếu ngân hàng với tổng giá trị vốn hóa hơn 644.340 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%. Trong đó, có 3 ngân hàng lọt top 10 doanh nghiệp vốn hoán lớn nhất thị trường gồm Vietcombank, Techcombank và Vietinbank. Nhìn rộng trong top 20, danh sách có thể ghi thêm BIDV, VPBank, MBBank, HDBank. Từ đây, có thể sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vua đối với thị trường Việt Nam.

Nhìn lại quý I, khi VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 19%, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính dẫn dắt toàn thị trường. 9 mã ngân hàng trên HOSE, loại trừ EIB và STB, ghi nhận mức tăng trên 30%. Toàn ngành tăng trưởng trung bình 35-40%. Trên sàn HNX, và UPCoM các mã ACB, LPB đều ghi nhận mức tăng 30-40%.

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong quý I

Sức nặng của cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Động lực tăng giá của nhóm ngân hàng trong 3 tháng đầu năm đến từ những triển vọng tích cực của ngành, khi nhiều ngân hàng ghi nhận lãi lớn trong năm 2017. Bên cạnh đó, các yếu tố như tăng trưởng tín dụng và phương án xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ mang đến những chuyển biến tích cực cho toàn ngành.

Theo dự báo của CTCK và các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng 20 - 33% trong 2018, một số ý kiến cho rằng con số này có thể lên tới trên 40%.

Trong thời gian này, nhiều quan điểm thể hiện sự lạc quan về chứng khoán Việt Nam và kỳ vọng nhóm cổ phiếu vua sẽ là ‘đầu tàu’ dẫn dắt tăng trưởng thị trường trong năm 2018. Tuy nhiên, bước sang quý tiếp theo, dù vẫn giữ vai trò ‘thuyền trưởng’, nhóm ngân hàng lại kéo thị trường đi xuống.

Riêng quý II, VN-Index mất 18% giá trị về mức 960,78 điểm, ghi danh Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Tương tự như khi tăng điểm, nhóm ngân hàng cũng dẫn đầu đóng góp đà giảm chỉ số. Nhiều mã lao dốc 30-40%, biến thành quả trong quý I về con số 0.

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong quý II

Sức nặng của cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 3.

Ba mã ngân hàng giảm mạnh nhất gồm BIDV giảm hơn 40%, VietinBank giảm 38% và SHB giảm 37%. Tính chung, nhóm cổ phiếu vua kéo VN-Index giảm khoảng 81 điểm (trên tổng số 214 điểm), tương đương với 38% mức giảm của chỉ số.

Ở thời điểm đầu tháng 4, dù những triển vọng về ngành vẫn rất lạc quan, thị trường đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng, mức tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý I quá nhanh, không phù hợp với thị trường. Mức PE của cổ phiếu ‘vua’ cũng vượt trội so với các ngành khác (khoảng 20-24 lần).

Mặt khác, những diễn biến kém tích cực của chứng khoán thế giới cùng với những lo ngại về thương mại Mỹ - Trung đã ‘châm ngòi’ cho đà giảm của cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường Việt Nam.

Trong quý II, diễn biến bán ròng của nhà đầu tư ngoại - được xem là xương sống của thị trường Việt Nam, cũng ảnh hưởng kém tích cực tới thị trường. Theo báo cáo của SSI Research, một phần nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng, là các quỹ đầu tư và tổ chức cân đối lại danh mục bằng cách thoái lượng cổ phiếu đang nắm giữ để mua vào các cổ phiếu mới. Hoạt động này đã gây áp lực lớn lên các cổ phiếu trên sàn và chỉ số chung một cách có hệ thống.

Thời gian gần đây, động thái tăng lãi suất của Fed khiến USD mạnh lên tiếp tục tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Theo Bloomberg, sau khi Fed nâng lãi suất, tiêu chuẩn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên. Mặt khác, tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tiềm ẩn rủi ro khiến khối ngoại lo ngại.

Số liệu của Bloomberg ghi nhận, từ đầu năm 2018, hơn 19 tỷ USD vốn ngoại đã bị hút khỏi các thị trường chứng khoán mới nối tại châu Á, dù kinh tế của các quốc gia châu lục này vẫn khả quan.

Những diễn biến của dòng vốn nước ngoài đang phủ lên tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư của các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam và phản ánh lên các cổ phiếu, đứng đầu là nhóm ngân hàng.

Theo Trâm Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên