Sức tàn lực kiệt ở chỗ làm, vẫn phải cày cuốc như "trâu bò" không dám bỏ việc: Sợ không có tiền, chẳng xin được việc mới mà còn mất luôn thưởng Tết
“Một ngày phải hơn 10 lần mình có ý định bật lại sếp, nghỉ luôn việc cho khỏe thân rồi, nhưng…”
- 24-10-2021Đi phỏng vấn bị nhà tuyển dụng nhờ mua nước, tôi quay lưng bỏ về không ngờ nhận được câu: "Ngày mai bạn có thể đi làm!"
- 23-10-2021Tuyển nhân viên rửa bát lương 1,1 tỷ đồng, không cần bằng cấp hay kinh nghiệm, đi làm luôn: Tin tuyển dụng gây ngỡ ngàng của một nhà hàng Canada
- 21-10-20215 thói quen nhỏ trước khi đi ngủ giúp bạn đẩy lùi lão hóa và bệnh tật, hãy làm mỗi ngày
23 giờ đêm thứ 3, trong khi những người xung quanh nghỉ ngơi vui chơi Bảo Trâm (23 tuổi, TP.HCM) vẫn phải cắm đầu làm việc. Nhìn sang đống thông báo tin nhắn vẫn liên tục nhảy, cô biết đêm nay sẽ lại là một đêm dài ngủ không ngon vì 7749 cái deadline còn đang treo trên đầu. Mặt khác, sáng mai vẫn là ngày trong tuần, Bảo Trâm vẫn phải đi làm và không được đi trễ vì có cuộc họp quan trọng. Từng này thôi đã khiến cô nàng muốn "bùng nổ", tắt luôn máy đi ngủ mặc kệ tất cả, ra sao thì ra.
Tương tự như thế, Minh Trí (31 tuổi, Hà Nội) cũng đã thức trắng đến mấy đêm liền để hoàn thành cho xong dự án để bàn giao cho khách. Công việc đã căng như dây đàn, ăn ngủ còn không có thời gian, áp lực vô cùng như thế, song Minh Trí vẫn liên tục "ăn chửi" từ sếp vì những lý do vô lý. Càng lúc, anh càng không muốn đến công ty, không muốn làm việc một chút nào.
Bảo Trâm hay Minh Trí cũng chỉ là một trong số ít những người trẻ đang cảm thấy bị vắt kiệt vì công việc. Một ngày có 24 tiếng, đến hơn phân nửa họ đã phải chạy đua cùng deadline, chịu đựng những điều oái ăm của môi trường công sở. Song, áp lực chẳng chịu dừng ở cửa ngôi nhà, tiếp tục quấy rầy, bắt họ phải luôn có mặt khi sếp cần, khi khách hàng feedback... Thậm chí, có người dù được rảnh rỗi muốn nghỉ ngơi một tí cũng không dám vì sợ, sợ bỏ lỡ tin nhắn quan trọng, sợ sếp gọi hỏi này hỏi kia. Nếu hỏi họ có mệt không, chắc chắn họ sẽ bảo không. Bởi lẽ với họ giờ đây, mệt đã là một ranh giới tầm thường, trạng thái của họ bây giờ là "burnout" - "cháy sạch" hết động lực làm việc rồi.
"Burnout" - Những bóng ma công sở, vật vờ suốt 8 tiếng
Nói thật đi, có bao giờ bạn rơi vào trạng thái sáng thức giấc không muốn đi làm, lên công ty thì chần chừ chẳng muốn bắt tay vào việc, chưa đến giờ nghỉ trưa đã thấy chán ngán muốn về nhà, rồi cáu kỉnh khi bất cứ ai giao thêm việc vào đầu. Lâu dần là ghét bỏ, không còn hứng thú để làm việc nữa, chỉ muốn "bỏ quách cho rồi" không?
Nếu có, xin chúc mừng bạn đã mắc phải hội chứng "burnout" - mất sạch cảm hứng trong công việc rồi đấy.
Theo WHO, "burnout" được định nghĩa là hội chứng căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc. Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như sau: cảm thấy cạn kiệt năng lượng, thường xuyên kiệt sức, không có tinh thần làm việc, tiêu cực, hoài nghi và ghét bỏ công việc mình đang làm.
Có rất nhiều lý do dẫn đến trạng thái này. Đa phần đều là do áp lực của khối lượng công việc quá nhiều, deadline như núi đòi hỏi phải làm việc liên tục không có mấy thời gian nghỉ ngơi. Lâu dần bạn sẽ trở thành những bóng ma nơi công sở, vật vờ và ủ dột suốt 8 tiếng làm việc, chẳng làm gì nên hồn mà có làm hiệu suất cũng rất kém.
Khi những dấu hiệu của "burnout" xuất hiện ngày càng nhiều thì cả sức khỏe và tinh thần của bạn đều đang ở tình trạng đáng báo động. Đầu tiên là hội chứng lo âu, tim đập nhanh, luôn hồi hộp và thấp thỏm lo sợ xuất hiện ngày càng nhiều, khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên. Khi rơi vào những trạng thái như thế, cơ thể bạn sẽ bị vắt kiệt từng chút một, ngày càng uể oải, mệt mỏi chỉ muốn ngủ nghỉ nhưng không dám, tinh thần càng thiếu ổn định, tiêu cực.
Sức cùng lực kiệt thế sao không nghỉ việc đi cho rồi?
Quay lại chuyện vì sao ngày càng sức cùng lực kiệt ở chỗ làm mà vẫn không dám nghỉ việc, hãy nghe qua câu chuyện của Đình Đông (28 tuổi, TP.HCM).
"Mình làm account cho một agency nhưng mình thấy nên gọi là ‘a cow’ thì đúng hơn. Vì mỗi ngày mình đều phải cày cuốc như con bò, chả có thời gian nào nghỉ ngơi luôn đó. Mình cực kỳ chán ghét cái công việc này, muốn ‘bỏ quách’ cho rồi phải 10 lần một ngày. Nhưng đến giờ mình vẫn trơ mặt ra làm. Tất nhiên là như cái máy chứ chẳng còn hứng thú, cống hiến gì nữa. Lý do đơn giản nghỉ rồi tiền đâu mà sống, thời buổi này cũng khó xin được việc ổn. Chưa kể Tết sát lắm rồi, tự dưng nghỉ mất tiền lương tháng 13 thì sao?".
Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều người hiểu vì sao những bóng ma công sở dù đã bị đốt cháy sạch sẽ, chẳng còn chút nào vẫn tiếp tục đi làm rồi chứ? Không phải họ không muốn gác lại công việc, nghỉ ngơi hay vui chơi giải trí để giảm bớt áp lực, mà họ biết, buông được "burnout" xuống, họ còn phải đối diện với thứ đáng sợ hơn: cơm - áo - gạo - tiền. Cũng vì nỗi lo sống còn ấy, họ chấp nhận để mọi thứ ngày càng tệ hơn, sống trong sự tiêu cực và chẳng bao giờ được ngon giấc.
Không cần nghỉ việc, đánh mất thu nhập vẫn có thể thoát được "burnout"
Cũng theo WHO, "burnout" không phải là bệnh mà nó là một hội chứng tâm lý, để vượt qua nó bạn không có cách nào ngoài đối diện và giải quyết từng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tùy theo nguyên do mà sẽ có nhiều giải pháp khác nhau, song nhìn chung để chấm dứt "burnout" sẽ là một quá trình dài mà bạn và cả sếp cũng phải kiên nhẫn cùng nhau. Dưới đây là một số cách cơ bản để nạp lại năng lượng hậu sức cùng lực kiệt vì công việc:
- Thỉnh thoảng dành thời gian cho bản thân và chú trọng chuyện nghỉ ngơi: Ngay cả máy móc nếu vận hành nhiều cũng sẽ hỏng hóc, con người làm sao tránh được những lúc hư hao. Để sửa chữa tất nhiên bạn phải ngừng lại, buông bỏ công việc xuống một lúc để nghỉ ngơi, vui chơi và giải trí. Bạn có thể xin sếp cho nghỉ 1 - 2 ngày, bàn giao công việc cho đồng nghiệp và ngủ một giấc thật ngon nạp lại năng lượng, nằm lỳ ở nhà đọc sách, gặp gỡ bạn bè hay đi dạo phố, mua sắm nâng cao tâm trạng.
- Sắp xếp lại công việc: Còn nếu bạn thấy mình ngập trong công việc, chưa xong cái này đã phải nhận cái kia và không thể nào thoát ra được, hãy sắp xếp lại hết công việc của mình trước đã. Đầu tiên là đưa những việc cận deadline lên hàng ưu tiên, rồi giảm dần ra sau. Tốt nhất là làm tất cả thật nhanh rồi nghỉ ngơi, đừng chần chừ không nhúng tay rồi ngâm chúng ngày này qua tháng nọ. Càng trì hoãn deadline, bạn càng mệt thêm thôi!
- Thẳng thắn trao đổi với sếp nếu cần sự giúp đỡ: Không có bất cứ cấp trên nào quá tàn nhẫn với nhân viên cả. Nếu bạn thấy mình mệt mỏi quá rồi mà công việc cứ giao xuống như mưa sa, hãy cứ trao đổi với sếp về tình trạng sức khỏe lẫn tinh thần và bày tỏ nguyện vọng được giảm bớt áp lực công việc của mình. Mặt khác, bạn cũng có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ đồng nghiệp nếu họ có thể hỗ trợ và không "burnout" như bạn.
Tham khảo: Psychology Today, The Wall Street Journal
Ảnh minh họa: Tổng hợp
Pháp luật & bạn đọc