Sụt mạnh vì Brexit, Nikkei tạm ngừng giao dịch
Trái với sự lao dốc chóng mặt của chứng khoán Nhật, tỷ giá đồng Yên Nhật đã tăng mạnh...
- 24-06-2016Thủ tướng Anh David Cameron từ chức
- 24-06-2016Đây là những gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu Anh rời EU
Chỉ số Nikkei tương lai của thị trường chứng khoán Nhật sáng nay có thời điểm tạm ngừng giao dịch sau khi biến động mạnh vì khả năng Anh ra khỏi EU (Brexit). Đồng thời, tỷ giá đồng Yên Nhật tăng chóng mặt.
Theo tin từ Reuters, chỉ số Nikkei tương lai đã dừng giao dịch trong vòng 10 phút do cơ chế ngắt mạch tự động được kích hoạt. Trước đó, chỉ số này giảm 8,1%.
Vào thời điểm hơn 12h trưa nay theo giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 giảm 7,7%.
Trái với sự lao dốc chóng mặt của chứng khoán Nhật, tỷ giá đồng Yên Nhật đã tăng mạnh phiên hôm nay do đồng tiền này được giới đầu tư mua vào như một “vịnh tránh bão” bên cạnh vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Theo kết quả cuộc kiểm phiếu tính đến gần 13h chiều nay theo giờ Việt Nam, 51,8% cử tri Anh chọn ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và 48,2% chọn ở lại.
Vào lúc đầu giờ chiều theo giờ Tokyo, tỷ giá đồng Yên so với USD là 101,26 Yên đổi 1 USD, tăng 4,8% so với đóng cửa phiên ngày hôm qua.
Trước đó, trong sáng nay, tỷ giá đồng Yên tăng đến mức 99,02 Yên đổi 1 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2013.
Sau 4 năm giảm giá liên tục, đồng Yên đã tăng giá 19% trong năm nay so với đồng USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nước phát triển. Với nỗi lo việc Anh ra khỏi EU có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giới đầu tư đã mua mạnh đồng Yên để tìm kiếm sự an toàn.
Không chỉ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của Nhật, đồng Yên mạnh còn khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) khó đạt mục tiêu lạm phát 2% và đặt nước Nhật trước nguy cơ rơi trở lại giảm phát.
Một số nhà phân tích dự báo BoJ sẽ chịu áp lực gia tăng về bổ sung thêm các biện pháp kích cầu trong trường hợp Brexit. Hiện BoJ đã hạ lãi suất về mức dưới 0% và bơm tiền liên tục vào nền kinh tế, nhưng kinh tế Nhật vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch.
VnEconomy