'Tắc' do thiếu vốn, loạt dự án đường vành đai TP.HCM chờ tháo gỡ
Đường vành đai 3 là một trong số các dự án đường vành đai tại TP.HCM, theo kế hoạch, phải được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, dự án đã ngừng thi công sau khi mới hoàn thành được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km qua địa phận tỉnh Bình Dương.
"Tắc" do thiếu vốn
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành. Đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong cáo cáo về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM vừa được Sở GTVT thành phố gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, có đề cập đến 2 dự án vành đai hiện đang bị chậm tiến độ là đường vành đai 3 và 4.
Đối với dự án đường vành đai 3, Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án có chiều dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, được Thủ tướng phê duyệt 10 năm trước. Ðây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp TP.HCM phát triển, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành.
Trong đó, đoạn 1 (Nhơn Trạch - Tân Vạn), với 2 dự án thành phần gồm 1A (từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và 1B (từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Ðức) đang gấp rút triển khai, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án thành phần được tách thành các tiểu dự án và giao địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi đất.
Theo kế hoạch, tuyến đường vành đai 3 phải được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, vì thiếu vốn dự án đã ngừng thi công, sau khi chỉ mới hoàn thành được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Còn đường vành đai 4, với chiều dài khoảng 198 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An và TP.HCM vẫn đang trong quá trình lập kế hoạch đầu tư. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đối với tuyến vành đai 2, hiện, công trình đang phải dừng thi công do vướng công tác mặt bằng. Cụ thể, dự án được quy hoạch từ năm 2007, có quy mô từ 6 - 10 làn xe, chiều rộng trung bình 35m. Theo kế hoạch, việc xây dựng tuyến sẽ hoàn tất vào năm 2025.
Tuyến đường vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.
Sau gần 13 năm triển khai, tuyến đường này chỉ mới hoàn thành được hơn 50 km, còn lại gần 13km chưa khép kín, đư chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (quận Thủ Đức); đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức); đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức); đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Về vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án xây dựng đường vành đai 2 thực hiện chậm chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng thi công chậm. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án mới chỉ hơn 43%, việc chi trả bồi thường đạt khoảng 79%, diện tích mặt bằng bàn giao cho thi công xấp xỉ 75% tổng mặt bằng.
Ưu tiên triển khai các dự án
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề xuất các giải pháp gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư để sở này tổng hợp, trình UBND thành phố kiến nghị trung ương sớm giải quyết.
Theo đó, Sở GTVT kiến nghị đối với dự án thành phần 1A (thuộc dự án vành đai 3), đề nghị xem xét bố trí nguồn vốn trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên. Ðối với dự án thành phần 1B, kiến nghị Bộ GTVT sớm tuyển chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý III/2021 theo kế hoạch.
Ðối với đường vành đai 4, để dự án sớm được triển khai, Sở GTVT TP.HCM tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về đường vành đai 4, trong đó nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.
Ðồng thời, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 307/2020 của Văn phòng Chính phủ, sớm khép kín đường vành đai 4.
Trong khi đó, tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Trước mắt đầu tư liên thông các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 theo quy hoạch cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bởi đây hiện là những điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Về vấn đề này, tại hội thảo khoa học "Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045", diễn ra vào ngày 5/5 vừa qua, TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cho rằng, TP.HCM phải đẩy nhanh xây dựng các đường vành đai kết nối vùng, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong năm năm tới.
"Vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch đường vành đai 1-2-3-4 nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch. Nhưng thực tế… không ai làm! Với giao thông thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng. Nếu không đột phá cái này để phát triển vùng, thì TP.HCM sẽ bị bó và không phát triển được", TS. Trần Du Lịch nói.
Nhà đầu tư