MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao?

08-04-2020 - 10:51 AM | Thị trường

Dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp…Chính sách cách ly người dân và giao thông ngưng trệ cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến thị trường thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết các loại sụt giảm.

Theo các nguồn tin Intrafish, Seafoodnews và undercurrentnews, ở Newlyn, Cornwall (nước Anh) giá cá minh thái đã giảm từ 3 GBP xuống còn 41pence/kg. Ở Nhật Bản, khách du lịch sụt giảm và dịch bệnh gia tăng khiến giá cua tuyết Matsuba-gani tháng 2/2020 chỉ còn 3.602 JPY/kg, thấp hơn 20% so với mức trung bình của năm và là mức giảm trong tháng 2 mạnh nhất kể từ 2014. Giá cá hồi Na Uy giảm 26% trong 2,5 tháng đầu năm, từ 79,1 NOK/kg đầu năm 2020 xuống 58,89 NOK giữa tháng 2/2020. Nguyên nhân do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 83% trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 363 tấn.

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao? - Ảnh 1.

Tại Ecuador, giá tôm hiện thấp hơn 30-40% so với mức trung bình của năm 2019. Trong khi đó, giá tôm thẻ loại 40 con/kg giao tại ao ở bang Andhara Pradesh (Ấn Độ) trung tuần tháng 3/2020 là 330 rupee (4,39 USD)/kg, giảm 14% so với tuần cuối tháng 2/2020; tôm loại 60 con là 240 rupee/kg, giảm 21%.

Tại Việt Nam, giá thủy hải sản đồng loạt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nguồn Kinhtedothi.vn ngày 5/4 đưa tin, giá ốc hương, cá lăng, mực nháy… cũng đều giảm 20-30% giá trị so với giữa tháng 2/2020. Cụ thể, cá tầm mua sống mang về có giá 240.000 - 270.000 đồng/kg, tôm sú 370.000 - 450.000 đồng/kg, cua thịt và ghẹ mua 500.000 - 580.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70 - 80 con/kg giá dao động 240.000 - 280.000 đồng/kg, cua Alaska loại 2,5 - 3,5 kg/con dao động 1,7 - 2 triệu đồng/kg, tôm hùm baby loại 0,3 - 0,4 kg/con giá 269.000 đồng/con - giảm 20% so với thời điểm "giải cứu" giữa tháng 2/2020.

Hàng loạt các sự kiện ngành thủy sản bị hoãn lại. Triển lãm thủy sản toàn cầu năm 2020 (Seafood Expo Global/Seafood Processing Global) – lớn nhất gần 3 thập kỷ, dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến 23/4 tại Brussels, Bỉ - đã bị hoãn. Hội chợ triển lãm ngành tôm 2020, Hội nghị và Triển lãm thương mại cá ngừ thế giới và Hội thảo về thức ăn thủy sản 2020 cũng bị hoãn lại.

Tôm sẽ là một trong những loại hải sản bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19.

Hiện vẫn còn sớm để đưa ra dự báo về xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm 2020, nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 có khả năng khiến cho những dự báo trước đây (rằng sản lượng năm 2020 tăng) sẽ bị sai lệch hoàn toàn. Đó là nhận định của ông Gorjan Nikolik, nhà phân tích cấp cao của Rabobank khi trả lời phỏng vấn của Undercurrentnews.

Cuốn Triển vọng Định hướng Nuôi thủy sản toàn cầu (Global Outlook on Aquaculture Leadership - GOAL) công bố tháng 10/2019 dự báo sản lượng tôm toàn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, trong đó riêng năm 2020 sẽ tăng 5% đạt trên 5 triệu tấn..

Dịch Covid-19 ban đầu bùng phát ở Trung Quốc – một trong những nước tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ tôm lớn thứ 3 thế giới – sau đó lan ra toàn cầu, làm giá tôm giảm mạnh, giữa bối cảnh giá dầu mỏ mất một nửa trong quý I/2020 làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng, từ đó tác động dây chuyền tới ngành nuôi thủy hải sản khắp nơi trên thế giới.

Tại Hội nghị Thị trường Thủy hải sản Toàn cầu (GSMC) thường niên diễn ra vào tháng 1/2020 tại Mỹ, các chuyên gia vẫn dự báo sản lượng năm 2020 sẽ tăng, đạt khoảng 4 triệu tấn (Dự báo của GSMC luôn thấp hơn so với của GOAL). Cả 2 dự báo này đều cho rằng sản lượng của Ấn Độ và Ecuador – 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới - đều tăng lên.

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao? - Ảnh 2.

Tháng 2/2020, Trung Quốc phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong gần 2 tháng dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc, tiêu thụ tại thị trường này giảm mạnh.

Là thị trường chiếm 7/5% tổng nhập khẩu tôm toàn cầu, nhập khẩu tôm của Trung Quốc  quý I/2020 ước tính giảm mạnh do dịch Covid-19. Nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan vào Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 đều đồng loạt giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm do các nhà hàng đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, khách du lịch vắng bóng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận nhập cảng bị đình trệ. Từ vị trí thứ 6 ở năm 2017, Trung Quốc vươn lên vị trí nước nhập khẩu tôm đứng thứ 3 trên thế giới và năm 2018 về trị giá và đến năm 2019 vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới về khối lượng. Năm 2019 ngành nuôi tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh trong khi tiêu thụ trong nước tăng, dẫn tới nhập khẩu tôm tăng gần gấp 3 so với năm trước, đạt 718.000 tấn, trị giá 4,44 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu của Trung Quốc những năm gần đây liên tục tăng. Tôm luôn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong các hội chợ triển lãm về thủy sản ở Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 2/2020 giảm gần 60%. Mặc dù vậy, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu sang phương Tây vẫn diễn ra thuận lợi vì khi đó dịch bệnh chưa lan sang Mỹ và Châu Âu. Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 2 đạt 194,5 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm, đưa tổng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 383,4 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019, nhờ xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đều tốt.

Sau khi bùng phát ở Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 lan sang Châu Âu với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng. Tiếp đến dịch bệnh lan sang Mỹ và gần đây nhất là Châu Mỹ Latinh và những nơi còn lại trên thế giới.

Italia, quốc gia bị tổn thất nhất Châu Âu với dịch Covid-19, đã buộc phải đưa ra biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, tương tự như Trung Quốc. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường thủy sản nước này – nơi hàng năm thường nhập khẩu thủy sản trị giá tới 4,7 tỷ EUR, trong đó 10% là nhập khẩu tôm.

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao? - Ảnh 3.

Cũng do dịch bệnh bùng phát ở phương Tây, xuất khẩu tôm của Việt Nam bắt đầu chậm dần kể từ tháng 3. Nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo hoãn, dừng đơn hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết chỉ 30-50% đơn hàng được giao bình thường theo hợp đồng đã ký. 20-40% các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn hoặc hủy và rất ít đơn hàng mới. Các thị trường bị hoãn giao hàng hoặc hủy đơn chủ yếu tại châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc...Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì Covid-19. Khách không bán được hàng nên không nhập nữa, chưa kể các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đến thời điểm hiện tại, một nửa dân số thế giới đã bị cách ly. Điều này có thể dẫn tới việc nhiều nhà sản xuất thủy sản phải dừng hoạt động. Tại Mỹ đã có 95% người dân bị cách ly, toàn bộ các nhà hàng phải đóng cửa. Ở Mỹ, khoảng 50% tôm được tiêu thụ trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm; còn ở Châu Âu thì tỷ lệ này là 20-35%.

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao? - Ảnh 4.

Triển vọng thị trường toàn cầu

Câu hỏi đặt ra lúc này là virus corona sẽ ảnh hưởng đến cung – cầu tôm ở mức độ nào, những nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, và các nước sẽ tháo gỡ khó khăn ra sao.

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, giá giảm thấp và xuất khẩu gặp khó như hiện nay sẽ khiến cho nguồn cung giảm mạnh, và sau khi dịch bệnh qua đi, giá tôm có thể sẽ tăng vọt trở lại.

Các nhà phân tích của Rabobank cho biết, số đơn đặt hàng mua tôm giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá tôm trong 6 tháng cuối năm, vì tôm dư thừa hiện nay sẽ được tích lại trong kho trữ. Theo ông Nikolik của Rabobank, ngành nuôi tôm Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành tôm Ecuador đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ, các doanh nghiệp lớn của nước Nam Mỹ này có thể sẽ phải cố gắng tiêu thụ phần lớn sản lượng tôm trên thị trường nội địa cũng như dự trữ khối lượng lớn trong các kho lạnh.

Một số chuyên gia cũng có chung nhận định, giá tôm thấp có thể kéo dài không chỉ ở Ecuador mà cả ở Ấn Độ, Thái lan và các nước sản xuất khác.

Tại Triển lãm Hải sản Quốc tế 2020 diễn ra tại Ấn Độ, các chuyên gia nhận định giá tôm chắc chắn sẽ giảm do khủng hoảng vì dịch bệnh, tuy nhiên hầu hết đều cho rằng, sau khi dịch bệnh qua đi, giá sẽ hồi phục mạnh khi nguồn cung cạn kiệt vào cuối năm nay, trước khi thị trường trở lại bình thường. Tuy nhiện, lệnh phong tỏa 21 ngày khiến cho nguồn cung hải sản của Ấn Độ ngay cả trong tháng 4/2020 cũng trở nên thiếu chắc chắn. Nhiều nhà máy chế biến và đóng gói ở nước này đã dừng hoạt động. Doanh thu của người nông dân quy mô nhỏ cũng như các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực này bị sụt giảm. Nhiều người nuôi tôm nước này sẽ không thể sớm hồi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Thực tế là hiện giá tôm ở Mỹ và Châu Âu đều đang thấp hơn nhiều so với tháng 1/2020, nhưng thị trường tiêu thụ Trung Quốc đang hồi phục dần. Mặc dù vậy, giá chưa thể tăng vào lúc này, kể cả ở thị trường Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực lên ngành thủy sản, giống như các ngành khác. Chính sách giãn cách xã hội khiến cho các nhà hàng đóng cửa hoạt động. Các thị trường nước ngoài gần như đóng băng cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu. Theo số liệu sơ bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm quý I/2020 đạt 591,083 triệu USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng trong tháng 3/2020, xuất khẩu tôm giảm 15%.

Tuy nhiên, về tiêu thụ, tiêu thụ thủy sản nói chung và tôm nói riêng tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn giãn cách xã hội tăng lên. Đối với ngành nuôi thủy sản, quý I/2020 chưa phải là mùa vụ nuôi tôm chính mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi. Đối với doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn về xuất khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm đã đưa ra những phương án thích ứng, chẳng hạn như gia tăng sản xuất các sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà thay vì thủy sản tươi sống. Hiện thị trường Trung Quốc đã dần ổn định, dự kiến nhu cầu nhập khẩu sẽ sớm tăng lên. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới sẽ là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm Việt nói riêng phát triển mạnh mẽ.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngành nuôi tôm cần theo dõi các nguồn tin chính thống để nắm bắt những khuyến cáo về việc nuôi thả, đồng thời tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu. Về phía các doanh nghiệp, cần nghiên cứu kỹ nội dung EVFTA để có thể tận dụng lợi thế ngay khi các thị trường Châu Âu thoát khỏi dịch bệnh và khi EVFTA có hiệu lực, đặc biệt là cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác có ký kết hiệp định thương mại tự do để tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan.

Tác động của Covid-19 tới ngành thủy sản Việt Nam và thế giới: Tôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, các mặt hàng khác thì sao? - Ảnh 5.

Vân Chi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên