MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động kinh tế Việt Nam sau khi Anh rời EU: Không thể chủ quan

Sự kiện với tên gọi Brexit, đưa nước Anh ra khỏi “ngôi nhà chung” liên minh châu Âu (EU) đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu. Phản ứng đầu tiên trên thị trường tài chính Việt Nam là chứng khoán mất điểm, kim loại quý cũng tăng giá mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam không nên đánh giá quá nhẹ sự kiện này. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bình luận với Đại Đoàn Kết về những hệ lụy, tác động của sự kiện Anh rời khỏi EU.

PV: Thưa ông, chúng ta nên đánh giá như thế nào về sự kiện Brexit? Liệu Brexit có ảnh hưởng đến Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, trong đó có việc hàng hóa Việt Nam vào Anh sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan trong FTA này?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Cả thế giới bị chấn động vì sự kiện Brexit (nước Anh rời EU). Thị trường chứng khoán toàn thế giới chao đảo. Ngay ở Việt Nam ,VN-Index đã giảm 32 điểm tương đương 5% (1 tỉ đô la vốn hóa). Đồng Bảng Anh cũng đang tụt dốc, một Bảng Anh đang đổi được 1,5 đô la Mỹ đã xuống còn 1,33 USD, và thậm chí xu hướng giảm vẫn tiếp diễn.

Nhiều dự báo còn đưa ra, với triển vọng tăng trưởng toàn cầu thấp đi, kinh tế các thị trường mới nổi khu vực châu Á cũng có thể bị giảm trong những tháng tới. Hiện tượng “thiên nga đen” đã xảy ra, nghĩa là diễn biến quá bất ngờ.

Nước Anh rời khỏi EU sẽ làm suy yếu 2 nền kinh tế. Đó là chính nước Anh yếu đi và EU yếu đi, với nhiều điểm tiêu cực. Quan hệ mậu dịch Việt Nam với 2 nền kinh tế ảnh hưởng.

Tuy nhiên theo quan điểm tôi thì như thế này: Anh không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nước Anh tách ra không phải là tác động tiêu cực hẳn, mà mình có thể sẽ có những hiệp định thương mại riêng với họ, không cần qua EU nữa. Tức là mình cố gắng xây dựng các quan hệ mậu dịch độc lập với nước Anh.

Anh không phải là 1 nhà đầu tư lớn, song với EU lại hoàn toàn khác. Có thể hàng hóa xuất khẩu sang EU không được tích cực như trước nữa. Vì EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Thưa ông diễn biến tình hình tài chính cho thấy vàng tăng giá mạnh, trong khi chứng khoán đỏ lửa. Theo ông, đây là do tác động ảnh hưởng tâm lý hay do nội tại sức khỏe kinh tế?

Tại thời điểm này do ảnh hưởng tâm lý là chính. Ở câu chuyện giá vàng. Giá vàng thế giới tăng mạnh đã lập tức ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Vì vậy câu chuyện vàng tăng giá mạnh, có thời điểm tăng đến 1 triệu đồng/ lượng là do 2 yếu tố khách quan và chủ quan. Vàng được xem là nơi trú ẩn an toàn, nên nhiều người trong cuộc khủng hoảng chung đã tìm đến mặt hàng này.

Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU cuối năm 2015, đầu 2016 (EVFTA) mà Anh là một trong 28 quốc gia thành viên. Việt Nam cũng rất hy vọng vào độ mở thị trường của Hiệp định này đối với EU, trong đó có Anh. Tuy nhiên, Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2018 nên ngay trước mắt, nếu Anh rời Brexit trước thời điểm EVFTA có hiệu lực thì việc tác động đến kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Anh nói riêng là không lớn. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia xuất siêu vào Anh với kim ngạch song phương tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 10 năm (từ mức hơn 800 triệu bảng năm 2005 đến gần 3 tỉ Bảng năm 2014).

Còn chứng khoán thì mức độ ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn.Những diễn biến hiện tại mới chỉ là các tác động tức thời, thể hiện tâm lý và phản ứng của các thị trường đầu tư, thương mại trước việc Anh ra đi. Song, để thực sự chấm dứt tư cách thành viên của Anh, còn cần tới 2 năm nữa, với một lộ trình đàm phán cụ thể giữa Anh và EU. Khoảng thời gian đó, gây ra các tác động tiêu cực đến các TTCK. Chứng khoán toàn cầu rớt điểm, chứng khoán châu Á rớt điểm, tác động đến chứng khoán Việt Nam.

Trước hết về mặt đầu tư, có thể các nhà đầu tư trong tâm trạng không ổn định sẽ rút khỏi những thị trường mới nổi, chưa hoàn thiện (trong đó có Việt Nam) để trở về các thị trường truyền thống và ổn định hơn. Còn các TTCK, vàng, dầu biến động tiêu cực cũng không lợi cho Việt Nam. Đặc biệt với thị trường vàng, khi giá tăng đột biến, chủ trương chống vàng hóa sẽ khó khăn hơn.

Vậy vấn đề tỷ giá được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Giá trị đồng Bảng Anh và đồng Euro đang mất giá. Đồng Việt Nam đặt trong mối tương quan như vậy lại tăng giá. Hàng Việt Nam bán sang các quốc gia đó sẽ tăng giá, giảm tính cạnh tranh hàng Việt Nam tại các quốc gia đó. Dù mình áp dụng tỷ giá trung tâm nhưng vẫn ảnh hưởng.

Tỷ giá trong mấy ngày qua ổn định nhưng tôi nghĩ trong tuần này cần phải theo dõi chặt hơn, không thể chủ quan được.

Tác động thứ 2 quan trọng hơn, tôi cho rằng, cần để tâm nhiều hơn đến các động thái phản ứng của Trung Quốc trước sự kiện này: nếu Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh hơn để hỗ trợ xuất khẩu của họ vào châu Âu thì sẽ tác động khá mạnh đến Việt Nam.

Như vậy là thêm lo ngại cho xuất khẩu Việt Nam?

Đúng vậy. Do mình dự liệu động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng.

Nếu không tính khoản đầu tư từ British Virgin Island, thì Anh đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện các tên tuổi như: Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls-Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, một số ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential… cũng đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam. Việc Anh rời EU liệu có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Trong mối tương quan với Việt Nam, do Anh không phải là thị trường lớn của Việt Nam, không có nhiều đầu tư hai chiều, nên những tác động trực tiếp từ việc Anh ra đi là không lớn, nhưng sẽ có những tác động đến quan hệ giữa Việt Nam với EU.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Tác động của Brexit với Việt Nam không quá lớn

Dù tác động của Brexit với Việt Nam không quá lớn, song tất nhiên NHNN phải theo dõi chặt chẽ thị trường trong vài tuần tới bởi vì đồng Bảng Anh và euro vẫn đang trong xu thế mất giá, còn Yên Nhật, USD sẽ lên giá. Về vấn đề xuất khẩu, hiện nay, xuất khẩu Việt Nam sang Anh chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch song xuất khẩu sang EU chiếm tới 15-20%. Nếu thanh toán bằng euro thì hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn trước.

Tuy nhiên, đa số đơn hàng xuất khẩu của nước ta đều thanh toán bằng USD. Vì vậy, USD tăng giá, euro mất giá sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ với khu vực này và sẽ hạn chế sức mua của người dân. Bên cạnh quan hệ thương mại, việc euro mất giá cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đầu tư, du lịch của Việt Nam – EU cũng như Việt Nam và Anh. Bên cạnh đó, do nước Anh đã rời khỏi EU, doanh nghiệp nước ta khi giao dịch có thể sẽ phải chịu phát sinh thêm chi phí trung gian Anh – EU.

Theo Hồ Hương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên