TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Để GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 5.000 USD...
Để GDP bình quân đầu người của Việt Nam được nâng mức cao hơn, lên 4.700-5.000 USD/ người/ năm, thì cần phải cải thiện rất nhiều về tinh thần, văn hóa, ứng xử, phong cách làm việc...
- 23-10-20217 nhóm ngành dự báo sẽ tuyển dụng lượng lớn nhân sự trong quý 4/2021
- 22-10-2021Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: 'Chênh lệch giá thịt lợn bất hợp lý, ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân'
- 22-10-2021Loạt quy định về chuẩn trình độ giáo viên ngưng hiệu lực
- 22-10-2021Công bố chỉ số hoạt động cảng container 2021: 2 cảng lớn của Mỹ đứng cuối bảng, Việt Nam có 3 cảng thuộc top 50
Theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.
Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người/1 tháng của Việt Nam năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng (ảnh minh hoạ)
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người/1 tháng của Việt Nam năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).
Cũng theo kết quả khảo sát, trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%.
Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề để GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 5.000 USD/ người, ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia kinh tế tại AFA Group cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang là một quốc gia có thu nhập trung bình, với rất nhiều yếu tố quyết định. Trong đó kinh tế là một phần và Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua khi ứng phó với dịch COVID-19 đã có chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá phù hợp, hướng tới mục tiêu chung, không có gì tốt hơn cho doanh nghiệp, cho người dân bằng cách ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng đã được chứng minh trong suốt giai đoạn hậu 2013 đến nay.
Ông Phan Lê Thành Long
“Nếu nhìn lại, năm 2015 được xem là một bước ngoặt lớn, khi Việt Nam từ nước nhập siêu trở thành nước xuất siêu, mà trước đó nghĩ đến xuất siêu là một vấn đề gì đó rất xa vời. Trong đó, giai đoạn năm 2005-2010, mọi người quá chú trọng tăng trưởng không bền vững, nhưng đến nay vĩ mô đã ổn định, tạo đà cho một nền tảng kinh tế vững chắc và quan trọng”, ông Long nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia, để các quốc gia phát triển và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình còn phụ thuộc vào nỗ lực của từng thành phần kinh tế, từng con người và từng chiến lược quốc gia, kèm theo văn hóa của người dân. Ví dụ như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia này phục hồi sau thế chiến rất mạnh mẽ, bởi tinh thần văn hóa làm việc khác biệt. Điển hình như Nhật Bản, người dân làm việc với tinh thần “thâu đêm suốt sáng”, cường độ lao động rất cao và tinh thần làm việc là “vì sự phát triển của nước Nhật”. Cho nên, ngay cả những người đã lớn tuổi, họ vẫn hăng say làm việc mỗi ngày.
Còn tại Hàn Quốc, văn hóa của Hàn Quốc với xu hướng là: “Tiến lên, tiến lên, tiến lên; Nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên” và những người đứng đầu đã truyền văn hóa đó cho tất cả người dân cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc. Những cái tên đáng chú ý như Samsung, Hyundai,... đã vượt xa các doanh nghiệp Nhật Bản từng vàng son không có đối thủ như Sony, Panasonic, Toyota, Nissan, Honda,... Đến nay, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Hàn Quốc, tạo ra bước nhảy vọt lớn và xếp thứ 10 thế giới, trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn là một quốc gia đang trong giai đoạn thế chiến.
“Vậy phải rút lại vấn đề là, người dân Việt Nam sẽ phải cải thiện rất nhiều về tinh thần, văn hóa, cách ứng xử, phong cách làm việc. Đặc biệt, cần xây dựng một nền tảng văn hóa với mục tiêu chiến lược quốc gia, xây dựng năng lực cho các đội ngũ một cách nhanh chóng, trước nguy cơ già hóa dân số”, ông Long khuyến nghị.
Theo một chuyên gia kinh tế giấu tên đánh giá, nếu để ý trên các phương tiện truyền thông sẽ thấy, Việt Nam hay sử dụng cụm từ “hưởng lợi”. Từ lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam luôn nhắc đến hưởng lợi như: hưởng lợi từ FDI, hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển, hưởng lợi từ dòng tiền chảy vào chứng khoán,...
“Nếu so sánh với tinh thần làm việc của một số quốc gia, khu vực như Nhật Bản, chất lượng sản phẩm luôn chuẩn tuyệt đối; hay như tại Hàn Quốc với tinh thần nhanh và linh hoạt; còn tại thung lũng Silicon, sẽ không bao giờ có hưởng lợi, mà đó là sáng tạo. Các quốc gia này không bao giờ nhắc gì đến hưởng lợi, bởi đó là dành cho tư duy chụp giật, ngắn hạn. Vì vậy, khi nào các tư duy phản ánh trên truyền thông được thay đổi, khi nào từ chủ đạo trên truyền thông Việt Nam là “sáng tạo”, thì khi đó, chúng ta sẽ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển, nhưng đó là cả một chặng đường...”, vị chuyên gia phân tích.
Diễn đàn doanh nghiệp