MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14 ngân hàng TP. HCM sẽ tái cơ cấu thế nào?

09-08-2014 - 13:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo UBND TP.HCM, hiện có 14/14 ngân hàng có trụ sở chính đặt trên địa bàn đã xây dựng phương án cơ cấu giai đoạn 2013 – 2015 trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 11/14 ngân hàng thương mại cổ phần. Ba ngân hàng chưa được Thống đốc phê duyệt phương án tái cơ cấu là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Phát triển Thành phố và Ngân hàng Phương Nam.

Về tiến độ tái cơ cấu, theo NHNN chi nhánh TP.HCM, năm 2012, đã hoàn tất hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần (Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Sài Gòn) thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

Riêng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt đang triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt dưới sự giám sát của NHNN chi nhánh TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, đến nay hoạt động của 2 ngân hàng này đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, từng bước đi vào ổn định, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, tuy còn yếu kém nhưng chưa có ngân hàng nào có trụ sở chính tại TP.HCM đổ vỡ là thành công của thành phố trong điều kiện khó khăn tài chính như hiện nay.

NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng vốn điều lệ của 14 ngân hàng có trụ sở chính tại thành phố tính đến ngày 28/2/2014 đạt 86.772 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2013; trong đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín có mức vốn điều lệ cao nhất là 12.425 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản của 14 ngân hàng này đạt 1.192.083 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2013.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện Ngân hàng Phương Nam đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chấp thuận chủ trương sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố đã hoàn tất kế hoạch mua lại Công ty Tài chính SGVF và sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á. Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố đạt 8.000 tỷ đồng (tăng 1,6 lần trước khi sáp nhập).

Theo số liệu thống kê mới nhất, tình hình thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM đều đảm bảo theo đúng quy định.

Còn về hiệu quả sinh lời, chênh lệch thu nhập trừ chi phí của 14 ngân hàng có trụ sở chính tại TP.HCM lũy kế đến 28/2/2014 đạt 1.023 tỷ đồng. Trong đó, 2 ngân hàng có kết quả kinh doanh lỗ, các ngân hàng còn lại đều có kết quả kinh doanh hiệu quả.

Về tình hình đầu tư, kinh doanh ngoài hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, các ngân hàng vẫn tiếp tục tập trung vốn đầu tư vào loại hình chứng khoán vì có tính chất ổn định, an toàn.

Trong khi đó, phần lớn các khoản đầu tư từ góp vốn, mua cổ phần, đầu tư chứng khoán vốn có hiệu suất sinh lời không cao. Bên cạnh đó, qua thanh tra đã phát hiện một số sai phạm như góp vốn, mua cổ phần vào một doanh nghiệp vượt quá tỷ lệ theo quy định; giải ngân không đúng tiến độ; doanh nghiệp nhận vốn góp sử dụng vốn sai mục đích… Do đó, các ngân hàng đang dần thoái vốn khỏi các lĩnh vực này.

Về kết quả xử lý nợ xấu, tính đến ngày 28/2/2014, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM là 45.848 tỷ đồng. NHNN đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng, các tổ chức tín dụng, kể cả khách hàng của các tổ chức tín dụng xây dựng giải pháp và lộ trình xử lý dứt điểm nợ xấu và không để phát sinh trong tương lai.

Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng được NHNN xử lý trên cơ sở thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng ngân hàng thương mại và toàn hệ thống. Hiện nay, việc sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại đang từng bước được xử lý theo hướng đồng bộ và toàn diện nhưng có tính đến đặc thù của từng ngân hàng.

Làm việc với UBND TP.HCM mới đây về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, thời gian qua thành phố đã phê duyệt dàn trải quá nhiều dự án nhưng không ít trong số đó không triển khai được do nhà đầu tư không có vốn.

Theo ông Giàu, đối với các ngân hàng thương mại, sự can thiệp từ phía nhà nước còn yếu và bất cập khiến dòng vốn được quản lý không chặt chẽ, thiếu kiểm soát dẫn đến ách tắc trong giải ngân các nguồn vốn phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

“Quản lý nguồn vốn, trong đó có hệ thống ngân hàng cần phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái đầu tư công”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Theo Ngôn Dân

thanhhuong

Diễn đàn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên