MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 sự kiện tài chính ngân hàng nổi bật năm 2013

30-12-2013 - 15:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất thấp nhất kể từ năm 2005, CPI thấp nhất 10 năm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng vọt, VAMC mua nợ, thị trường vàng được bình ổn, khủng hoảng nhân sự ngân hàng…

Nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng năm 2013 vẫn còn nhiều sóng gió. Dẫu vậy, so với năm trước, tình hình hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể với nhiều thành quả đáng ghi nhận. Chúng tôi xin điểm lại 7 sự kiện nổi bật nhất trong ngành ngân hàng 2013.

1. Lãi suất thấp nhất kể từ 2005, CPI thấp nhất 10 năm

Năm 2013, NHNN đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ cuối tháng 6 cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. 

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Đến cuối năm, lãi suất các khoản vay cũ đã về dưới 13%/năm, lãi suất cho vay các khoản mới kỳ hạn ngắn chỉ còn 8 – 9%/năm, có những DN tốt được vay 7%/năm.

Cùng với điều chỉnh nhanh lãi suất, NHNN cũng sử dụng các công cụ cung tiền hợp lý như thị trưởng mở, mua vào ngoại tệ… và tốc độ tăng trưởng tín dụng khớp với mục tiêu đề ra (khoảng 12%) nên đã kiểm soát lạm phát khá thành công ở mức 6,04% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

2. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng vọt

Tỷ giá năm 2013 chỉ điều chỉnh có 1,3%, thấp hơn so với mục tiêu 2 – 3% NHNN đề ra. Bên cạnh đó, mỗi khi thị trường có biến động, NHNN đều kịp thời trấn an dư luận và bán ra ngoại tệ để can thiệp. Cuối năm tỷ giá tại các NHTM niêm yết phổ biến ở mức 21.085 – 21.125 đồng (mua – bán), thấp hơn so với mức 21.100 – 21.246 đồng/USD tại sở GD NHNN.

Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN đã mua vào được lượng lớn ngoại tệ từ phía các NHMT. Dự trữ ngoại hối năm 2013 ước khoảng 30 tỷ USD, tức tăng 50% so với năm 2012 và tăng gấp đôi so với năm 2011.

3. Lần đầu tiên có công ty xử lý nợ xấu quốc gia

Dấu ấn quan trọng của ngành ngân hàng năm qua là sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Sau thời gian dài chuẩn bị, ngày 9/7/2013, VAMC được thành lập, ngày 26/7 NHNN tổ chức ra mắt VAMC và ngày 1/10 VAMC bắt tay vào mua món nợ xấu đầu tiên của Agribank.

VAMC ban đầu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này được TCTD mang lên NHNN vay với lãi suất tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn do NHNN quy định tại từng thời điểm. TCTD được vay tái cấp vốn tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu đặc biệt.

Chỉ sau 3 tháng triển khai, VAMC đã mua được 36.000 tỷ đồng nợ xấu, vượt mục tiêu ban đầu. Ngoài ra, VAMC còn thay đổi tư duy bán nợ của các TCTD, từ việc bắt buộc đối với các TCTD có nợ xấu 3% đến sự tự nguyện bán nợ của các TCTD có nợ xấu dưới 3%.

Bên cạnh sự ra đời của VAMC, các TCTD cũng đẩy mạnh tự giải quyết nợ xấu bằng nguồn dự phòng, tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780, đến nay tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 4,55% trên tổng dư nợ, từ mức 4,73% vào tháng 10. Tốc độ tăng nợ xấu cũng đã chậm lại, chỉ còn 2,2%/tháng, thay vì 3,91%/tháng trong năm 2012. 

4. Bình ổn thị trường vàng

Sau khi bị trì hoãn trong năm 2012, đến 30/6/2013 các TCTD mới hoàn thành tất toán trạng thái vàng. Vốn vàng đã chính thức ra khỏi hệ thống, dư nợ cho vay bằng vàng đến cuối năm chỉ còn khoảng 5 tấn.

Để hỗ trợ các TCTD tất toán trạng thái, năm 2013 NHNN đã tổ chức bán đấu thầu vàng miếng. Tổng cộng có khoảng 69 tấn vàng được bán ra qua 76 phiên đấu thầu. Một nửa trong số này được các TCTD dùng để tất toán, nửa còn lại được đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

Nhờ động thái quyết liệt từ NHNN với việc tất toán trạng thái cũng như nỗ lực bình ổn thông qua đấu thầu và biến động giảm của vàng thế giới, giá vàng trong nước cuối năm chỉ còn 35 triệu đồng/lượng, giảm 11 triệu đồng hay 24% so với cuối năm 2012. 

Dù chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới còn cao, ở mức 4,5 triệu đồng, nhưng hiệu quả rõ ràng của chính sách bình ổn giá vàng từ NHNN là thị trường đã đẩy lùi được vàng hóa, không còn cảnh người dân chen lấn xếp hàng mua vàng như trước đây.

5. M&A ngân hàng sôi động

Năm 2013, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra sôi động.

 WesternBank sáp nhập với PVFC thành PvcomBank; Nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; UOB của Singapore chính thức tìm hiểu GPBank và có thể mua đứt ngân hàng này; HDBank mua công ty tài chính SGVF của Pháp và sáp nhập DaiABank vào HDBank, nhiều ngân hàng đang tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần như Sacombank, HDBank, MB, ABBank, SouthernBank…

Ngoài ra các ngân hàng cũng đang chờ đợi động thái nới room ngoại tại ngân hàng để có chiến lược M&A phù hợp. Hồi cuối tháng 10, trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ cho phép các nhà đầu tư ngoại được nới room lên tới 49% ở ngân hàng nội trong “tương lai gần”.

6. Xét xử các vụ án điểm, bắt tiếp nhiều lãnh đạo ngân hàng

Năm 2013, Viện KSND tối cao đã “điểm danh” 10 đại án tham nhũng, trong đó có 8 đại án liên quan tới lĩnh vực ngân hàng và đang được đưa ra xét xử.

Vụ đại án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank (ALC II) làm thất thoát gần 532 tỷ đồng của Nhà nước được xét xử hồi tháng 11 với 2 án tử hình. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng sẽ đưa ra xét xử từ ngày 6 – 25/1, vụ bầu Kiên cùng 6 đồng phạm gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng cũng sẽ được xét xử ngay trong tháng 1.

Bên cạnh xét xử các đại án, Cơ quan điều tra Bộ công an cũng đã bắt giữ hàng loạt các cán bộ ngân hàng vì chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm… Điển hình như bắt lãnh đạo chi nhánh của các ngân hàng ABBank, VDB, LienVietPostBank, Vietcombank, Sacombank… vì liên quan đến công ty Phương Nam (cựu chủ tịch Phương Nam bỏ trốn sang Mỹ để loại khoản nợ hơn 1.500 tỷ đồng) hay một loạt cán bộ của Agribank vì làm giả hồ sơ, làm chứng từ khống chiếm đoạt tài sản…

7. Khủng hoảng nhân sự ngân hàng

Việc các ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao là bình thường nhưng năm 2013 sự thay đổi này lại diễn ra như một làn sóng ồ ạt.

Điển hình là VIB thay 2 Tổng giám đốc chỉ trong 3 tháng (nếu tính cả Quyền tổng giám đốc thì thay đổi 3 lần); SCB, NamABank cũng thay Tổng giám đốc; Eximbank thay Tổng giám đốc và một loạt nhân sự cấp cao khác sau khi nguyên Tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm UBGSTCQG; TrustBank thay đổi HĐQT; Vietcombank có tổng giám đốc mới sau khi tổng giám đốc cũ lên làm phó Thống đốc; Techcombank thay CEO ngoại bằng một Tổng giám đốc nội…

Ngoài ra, làn sóng cắt giảm nhân sự cấp thấp và cấp trung cũng diễn ra ồ ạt. Trong năm, ACB cắt giảm hơn 1.000 nhân sự, riêng quý 3 là hơn 700 người; Maritimebank tuyên bố giảm hơn 1.400 nhân sự; Eximbank có kế hoạch giảm 1.000 nhân sự; SHB giảm hơn 300 người; Vietcombank giảm gần 200 nhân viên; nhiều ngân hàng thay nhân sự không làm được việc bằng những người mới có trình độ nghiệp vụ tốt…Cùng với giảm nhân sự, năm 2013 nhiều ngân hàng cũng cắt giảm lương của nhân viên từ 10 – 20% để tiết giảm chi phí hoạt động.


CafeF

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên