MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACB đã mua hơn 8 tấn vàng trong tháng 4?

08-05-2013 - 08:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong quý 1, ACB đã giảm nợ vàng được khoảng 4,7 tấn và tổng cộng hơn 40 tấn trong vòng 1 năm tính tới 31/3.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2013 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đến 31/3/2013, ngân hàng vẫn còn khoản nợ phải trả dưới dạng chứng chỉ tiền gửi bằng vàng là 9.355 tỷ đồng, tương đương 213.000 lượng, tức khoảng 8,2 tấn (giá vàng tại thời điểm cuối tháng 3 là 43,7 triệu đồng/lượng).

So với cuối năm 2012, khoản nợ phải trả bằng vàng của ACB đã giảm gần 6.200 tỷ đồng, tương đương hơn 120.000 lượng hay 4,7 tấn, còn so với cùng kỳ năm ngoái, con số giảm 50.000 tỷ, tương đương 1,1 triệu lượng tức 40 tấn vàng.

Tổng nợ phải trả bằng vàng của ACB đã giảm 40 tấn trong vòng 1 năm qua, một phần có thể do ngân hàng được trả nợ bằng vàng, nhưng chủ yếu là do mua từ thị trường và các TCTD khác. Việc gom vàng với lượng lớn của ngân hàng này đã góp phần đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn nhiều so với thế giới thời gian qua.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng 26/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình tất toán vàng, ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc, cho biết ACB đã tất toán xong trạng thái vàng và dư nợ tại thời điểm đó bằng 0. Điều này có nghĩa, chỉ trong vòng hơn 3 tuần đầu tháng 4, ACB đã mua hơn 8 tấn vàng để cân bằng trạng thái?!

Nếu đúng như vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là ACB đã “kiếm” 8 tấn vàng từ đâu? Từ Ngân hàng Nhà nước, từ thị trường hay từ các TCTD khác? Đáp án có thể là cả 3 phương án, cộng với việc ACB tiếp tục được trả nợ một phần. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả và chắc chắn rằng ngân hàng đã mua được lượng vàng không nhỏ từ NHNN.

Nhìn lại hoạt động bán đấu thầu của NHNN cho thấy, kể từ ngày 28/3 cho đến trước thời điểm 26/4, cơ quan này đã tổ chức 11 phiên đấu thầu bán vàng. Tổng lượng bán được là 315.000 lượng, tương đương 12,1 tấn. Hầu hết các đơn vị trúng thầu là NHTM và ACB là một trong những đơn vị đã tích cực tham gia ngay từ phiên đấu thầu đầu tiên.

Cùng với ACB, ngân hàng Đông Á cuối tháng 4 cũng cho biết đã tất toán xong trạng thái vàng và Eximbank còn âm khoảng 1 tấn. Sacombank, Techcombank và các ngân hàng khác trong khi đó chưa công bố về trạng thái vàng, song theo đại diện NHNN chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, tình hình hiện nay cho thấy các ngân hàng sẽ tất toán đúng hạn. Phía NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục bán đấu thầu vàng ra thị trường trong thời gian tới và bán cho đến khi cung gặp cầu.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng cho tất toán trạng thái là nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước lên cao và vênh với vàng thế giới từ 3 – 7 triệu đồng/lượng trong vòng gần 1 năm trở lại đây. Những người chịu thiệt hại đầu tiên từ sự chênh lệch này là các ngân hàng phải mua vàng tất toán trạng thái, điển hình như ACB bị thua lỗ 1.800 tỷ đồng trong năm ngoái và 84 tỷ đồng ở quý 1 năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải gánh chịu thiệt hại hiện nay cũng là do họ tự chuốc lấy và đó là sự trả giá cho việc dám “đùa với vàng”. “Các ngân hàng đã bán vàng khi giá 41, 42 triệu đồng/lượng để chuyển sang tiền đồng hưởng lãi suất cao. Giờ đây họ phải trả lại vàng cho dân và phải mua lại bằng mọi giá. Dù khoảng cách có chênh lệch, giá vàng có lên cao, thì suy cho cùng chưa chắc họ đã lỗ, vì phần chênh đó có thể còn thấp hơn cả lãi suất mà các nhà băng đã hưởng những năm trước”, giám đốc của một công ty kinh doanh vàng nhận định.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên