Ách tắc xử lý tài sản bảo đảm gây khó cho nợ xấu
Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa TCTD với cơ quan quản lý trên địa bàn, nhất là với các bộ ngành liên quan, những khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý, thu hồi tài sản bảo đảm sẽ được giải quyết tích cực và hiệu quả hơn.
Nhiều điểm sáng trong bức tranh ngành Ngân hàng Hà Nội
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, chịu sức ép không nhỏ từ những khó khăn của nền kinh tế trong mấy năm qua, song, vượt lên thách thức bằng nhiều giải pháp, tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm của TP. Hà Nội đạt mức cao nhất 7,8% kể từ năm 2012. Để đạt được kết quả nổi bật trên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và công tác xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) do NHNN chi nhánh Hà Nội vừa tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những đóng góp của ngành NH Hà Nội trong thời gian qua. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động NH trên địa bàn, ngay từ đầu năm, lãnh đạo NHNN đã quán triệt, yêu cầu các TCTD triển khai các giải pháp tiền tệ theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn, nhờ đó nguồn vốn huy động đã có sự tăng trưởng tốt. Đến 30/6/2015, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 1.293.110 tỷ đồng, tăng 8,59% so với 31/12/2014.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định tạo gối đệm thanh khoản an toàn cho các NH triển khai các chương trình tín dụng. Các TCTD đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi... Nhờ các giải pháp tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có mức tăng tốt ngay từ những tháng đầu năm.
Đến 30/6/2015, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 1.130.162 tỷ đồng, tăng 11,82% so với 31/12/2014 cao hơn so với tín dụng toàn Ngành. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua của ngành NH Hà Nội.
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động của ngành NH Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đó là công tác xử lý nợ xấu. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, NHNN thường xuyên giám sát hoạt động của các TCTD, đồng thời có các văn bản khuyến cáo, cảnh báo các TCTD có tỷ lệ nợ quá hạn lớn, tỷ lệ nợ xấu cao, thu nhập nhỏ hơn chi phí và yêu cầu xây dựng biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Đặc biệt, trong năm 2015 với nhiệm vụ Đảng, Quốc hội giao cho toàn Ngành đưa nợ xấu về dưới mức 3%, ngay từ đầu năm, ngành NH Hà Nội đã rốt ráo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục rà soát, thực hiện tổ chức, sắp xếp lại bộ phận xử lý nợ chuyên trách theo đặc điểm khách hàng, khả năng tái cấu trúc khoản vay hoặc tiến hành khởi kiện, xử lý TSBĐ...
Tổng nợ xấu mà 13 NHTMCP có trụ sở chính tại Hà Nội được NHNN giao xử lý hoàn thành trước 30/9/2015 (trừ GPBank) là: 30.778 tỷ đồng. Song, theo tiết lộ của lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội, tính đến 30/6/2015, tổng số nợ xấu đã xử lý là 24.705 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch được giao.
Muôn nẻo ách tắc xử lý tài sản bảo đảm
Mặc dù, tỷ lệ nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn đã giảm nhưng theo đánh giá của lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội thì con số này vẫn ở mức cao, tính đến 30/6/2015 chiếm 5,06% trong tổng dư nợ. Và một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với các NH trong quá trình xử lý nợ xấu đó là xử lý, thu hồi TSBĐ. NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, năm 2014 tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản chiếm tỷ lệ khá cao tới 91% trên tổng nợ xấu. Vì lẽ đó, nếu khâu xử lý TSBĐ bị vướng mắc chắc chắn tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu của các NH.
Không phủ nhận, thời gian qua, đã có một số văn bản pháp luật quy định hỗ trợ NH giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhưng theo phản ánh của nhiều NH thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội Phạm Thị Hằng chia sẻ, chi nhánh có 70% khoản vay thế chấp bằng BĐS, nhưng xử lý rất khó khăn. Dù trong hợp đồng giữa NH với khách hàng đã được công chứng có điều kiện rõ ràng, NH toàn quyền xử lý tài sản khi khách hàng không trả được nợ. Nhưng thực tế, NH không thể thực hiện thu giữ TSBĐ nếu họ bỏ trốn hoặc không có mặt tại địa điểm có TSBĐ, do vẫn còn tồn tại các tài sản khác của khách hàng tại TSBĐ. Việc giải quyết các tài sản khác đang tồn tại cùng tài sản đó có thể gây ra tranh chấp khi chủ tài sản kêu thất thoát tài sản.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật cũng chưa có các quy định cụ thể về việc Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an thực thi chức năng liên quan hỗ trợ công tác xử lý TSBĐ nên các NH rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản. Vì thực tế, bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách chây ì, trì hoãn không chuyển giao TSBĐ.
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho rằng, nếu không có sự vào cuộc tích cực phối hợp với NH của các cấp các ngành trên địa bàn thì sẽ rất khó khăn cho các NH trong thu hồi TSBĐ. Lấy một ví dụ điển hình, nhờ sự can thiệp của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Vietcombank Hà Nội mới thu được một khoản nợ xấu 29 năm có giá trị hơn 11 tỷ đồng từ khách hàng.
Làm rõ thêm khó khăn trên, một đại diện NH viện dẫn, theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự thì Cơ quan thi hành án dân sự phải có kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương và Công an không phối hợp thì việc cưỡng chế cũng không thực hiện được. Nhất là bên bảo đảm là đối tượng chính sách thì việc cưỡng chế gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp yêu cầu thi hành án nhiều năm, nhưng Cơ quan Thi hành án dân sự chưa thể tổ chức cưỡng chế thu hồi được tài sản bán đấu giá cho NH.
“Bắt buộc 1 người ra khỏi nơi ở là điều không mong muốn của NH. Nhưng vấn đề, tài sản đó không phải là của NH mà NH được người dân tín nhiệm gửi tiền để sử dụng hiệu quả nguồn tiền đó, bảo đảm an toàn vốn. Nếu NH không làm được thì mất niềm tin của người dân. Nên điều này cũng là cực chẳng đã đối với NH”, một lãnh đạo NH bày tỏ.
Khi không còn cách nào khác, NH đành phải khởi kiện ra tòa và “trăm sự nhờ tòa”. Nhưng thực tế Luật pháp vẫn đang nghiêng về phía những con nợ chây ì.
Theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, chỉ trong trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì tòa án mới thụ lý để giải quyết. Đối với các trường hợp còn lại thì người khởi kiện là TCTD phải thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Với quy định pháp luật hiện hành, khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú và TCTD không biết khách hàng ở đâu thì không thể khởi kiện ra tòa.
“Nhiều trường hợp tòa trả lại đơn và “an ủi” cán bộ NH bằng cách “tư vấn” gửi đơn ra cơ quan công an, nhưng thực tế vi phạm của khách hàng chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự. Trong trường hợp này NH không thể khởi kiện khách hàng dù đây là quyền lợi chính đáng đã được pháp luật ghi nhận”, lãnh đạo một NH bày tỏ.
Để giải quyết ách tắc trong công tác xử lý TSBĐ, lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội kiến nghị, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở ngành liên quan, cơ quan chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thu giữ, xử lý TSBĐ để thu nợ. Các cơ quan cần chỉ đạo thực hiện sớm các đề nghị của TCTD, tích cực tạo điều kiện cho TCTD và bên mua tài sản về việc hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
Giám đốc Nguyễn Thị Mai Sương cũng đề xuất Chính phủ, sớm chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Công an, UBND nơi tiến hành thu giữ TSBĐ trong việc phối hợp với các TCTD và VAMC thu giữ TSBĐ để giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý TSBĐ.
Về phía Tòa án Nhân dân tối cao, lãnh đạo NH kiến nghị, nghiên cứu xem xét, chỉnh sửa, ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt đối với trường hợp khách hàng vay vốn/ mất tích, bỏ trốn và TCTD xuất trình đầy đủ thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Nhất là có quy định hướng dẫn thống nhất các Toà án nhân dân cấp địa phương nội dung của nghị định 34/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung công nhận quyền của VAMC tại điểm m, khoản 4 của Nghị định 34.
Theo đó, việc xác định tư cách đương sự của VAMC là nguyên đơn trong các vụ kiện TCTD đã khởi kiện khách hàng vay trước khi bán khoản nợ sang VAMC.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, mặc dù, ngành NH Hà Nội đảm bảo tốc độ tăng trưởng huy động, tín dụng, đóng góp tăng trưởng kinh tế, đề án tái cơ cấu... nhưng không nên chủ quan vấn đề này.
Phó Thống đốc đề nghị NHNN chi nhánh Hà Nội bám sát sự chỉ đạo của NHNN, đặc biệt là chỉ đạo của Thống đốc sau Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ngành, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay của các TCTD, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, ngành NH Hà Nội cũng cần bám sát chỉ đạo định hướng của Thành uỷ, UBND thành phố cũng như các cơ quan ban ngành liên quan. Các TCTD cần tăng cường trách nhiệm hơn trong xem xét thẩm định cho vay, hạn chế việc phải xử lý TSBĐ.
Phó Thống đốc cũng tin rằng, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa TCTD với cơ quan quản lý trên địa bàn, nhất là với các bộ ngành liên quan, những khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý, thu hồi TSBĐ sẽ được giải quyết tích cực và hiệu quả hơn.
Thời báo ngân hàng