Ai “nắm” giá vàng?
“Một mình một chợ”, nên NHNN quyết định “neo” giá vàng ở mức cao như thế nào và đến bao giờ, thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng phải chịu.
- 08-07-2013Người vay vàng khốn đốn
- 07-07-2013Vàng trong nước đắt hơn thế giới 22%, USD tự do lên 22.000 đồng
- 06-07-2013Vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước vẫn tăng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang diễn một lúc nhiều “vai” trên thị trường vàng: Vừa quản lý Nhà nước, vừa độc quyền nhập khẩu, vừa là đầu cung lớn duy nhất ra thị trường và vừa có thể là “người mua cuối cùng”. “Một mình một chợ”, nên NHNN quyết định “neo” giá vàng ở mức cao như thế nào và đến bao giờ, thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng phải chịu.
Lơ mơ kỹ thuật định giá tham chiếuTừ ngày 28/3 tới nay, NHNN đã tổ chức 40 phiên đấu thầu với 1.076.900 lượng vàng được bán ra cho các đơn vị là doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Giá tham chiếu để đặt cọc cho các phiên đấu thầu của NHNN đều cao hơn giá vàng thế giới 5 - 6 triệu đồng/lượng và ở một số phiên đấu thầu, giá trúng thầu còn cao hơn cả giá mua vào của các nhà vàng trong nước cùng thời điểm.
Gần đây nhất, tại phiên đấu thầu ngày 5/7, 7 đơn vị đã trúng thầu mua sạch 40.000 lượng vàng NHNN chào bán với giá 37,9 - 38,08 triệu đồng/lượng, cao hơn 400.000 đồng/lượng so với giá mua vào và ngang giá bán ra của các nhà vàng. Kết quả đấu thầu này ngay lập tức tác động đến giá vàng trên thị trường, giá vàng đang từ giảm 100 - 150.000 đồng/lượng đã đảo chiều tăng từ 100 - 350.000 đồng/lượng.
Rõ ràng giá vàng trên thị trường đang được định hướng bởi giá tham chiếu (chào thầu) từ các phiên đấu thầu vàng của NHNN. Theo Thông tư 06, mức giá này do Vụ Quản lý Ngoại hối làm đầu mối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và Sở Giao dịch xây dựng và trình Trưởng ban điều hành dự trữ ngoại hối thông qua để Trình Thống đốc NHNN phê duyệt.
Còn cơ sở nào để xác định giá tham chiếu, thì ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối đã từng cho biết rất chung chung: “Đây là một vấn đề kỹ thuật”. Tiến sỹ kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định việc NHNN chưa kéo ngay giá vàng trong nước sát với giá thế giới là “kỹ thuật và cách chơi”. Còn Tiến sỹ Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thì cho rằng: “NHNN định giá tham chiếu dựa theo giá thị trường, nếu đưa giá cao hơn giá thị trường mà ế hàng thì NHNN sẽ giảm giá để bán được hàng, nhưng nếu đưa giá cao mà vẫn bán được thì đương nhiên NHNN vẫn giữ giá cao để thu về lợi nhuận”.
Người dân chịu thiệt
Dưới sự “cầm trịch, dẫn dắt” của NHNN, thị trường vàng đang xuất hiện những “dấu hiệu lạ” khi nhu cầu mua như “thùng không đáy”, NHNN cung ra bao nhiêu vàng cũng được vét hết sạch dù mức giá rất cao; người dân vẫn đổ xô đi mua vàng vào những thời điểm giá vàng lên, xuống rất thất thường; thị trường vàng đang đi ngược lại quy luật thông thường của một nền kinh tế thị trường khi giá vàng trong nước ngày càng chênh cao với giá vàng thế giới... Ở giai đoạn này, người dân có nhu cầu mua bán vàng chịu thiệt thòi hơn cả.
Theo Tiến sỹ Ngô Trí Long, hiện trên thị trường vàng, NHNN là nguồn cung duy nhất. Các ngân hàng thương mại có nhu cầu mua vàng để dự trữ, để thanh toán... chỉ còn cách tìm đến NHNN, bởi người dân có vàng nhưng chủ yếu chỉ có nhu cầu mua vào chứ không bán ra. Do độc quyền “một mình một chợ”, nên NHNN đưa ra mức giá nào, doanh nghiệp cũng phải theo. “NHNN lấy lý do “sợ giảm giá ngay lập tức thì sẽ tạo cơ hội cho nạn đầu cơ, tích trữ”, nhưng hiện chính NHNN đang “cầm trịch” giữ vàng giá cao để thu về nguồn lợi lớn. (Theo tính toán, chỉ sau hơn 3 tháng đấu thầu vàng, NHNN đã lãi khoảng gần 5.000 tỷ đồng từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới - PV)” - Tiến sỹ Long khẳng định.
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: “Vừa kinh doanh, vừa quản lý Nhà nước, lại vừa độc quyền nhập khẩu vàng thì sẽ chẳng có sự liên thông nào giữa thị trường trong và ngoài nước và sẽ không làm cho thị trường vàng ổn định lâu dài được”.
Theo logic kinh tế thị trường, thị trường vàng sẽ có 3 chủ thể tham gia với những nhiệm vụ, vai trò và quyền lợi riêng; đó là NHNN có vai trò quản lý, thu thuế; doanh nghiệp kinh doanh thu về lợi nhuận sau nộp thuế; người dân có quyền được mua vàng với mức giá phù hợp. Nhưng hiện nay, NNHH “cắt” hết quyền lợi của doanh nghiệp và người dân để tạo ra một quyền lợi mà NHNN gọi là “phục vụ quốc kế dân sinh”, khiến doanh nghiệp lẫn người dân khó mà “tâm phục khẩu phục”. Tiến sỹ Ngô Trí Long |
Theo Quỳnh Anh