MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sẽ chịu thiệt nhất khi sửa đổi Thông tư 36?

08-03-2016 - 16:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là thông tin vĩ mô đáng chú ý nhất trong tháng 2. Theo BVSC, nếu các điều khoản được giữ nguyên như trong dự thảo, dự báo thị trường bất động sản sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất cả về phía cung và phía cầu.

Trong tháng 2, NHNN đã công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 qui định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt  (BVSC) cho rằng cần phải làm rõ khái niệm NHTM Nhà nước là NHTM được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Khái niệm này nhằm phân biệt rạch ròi với các NHTM mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (NHTM cổ phần gốc quốc doanh, các ngân hàng hiện đang niêm yết trên sàn như VCB, CTG, BID hiện được xếp vào nhóm này).

Theo dự thảo sửa đổi, tỷ lệ cấp tín dụng/tổng tiền gửi của nhóm NHTM mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ được nâng từ mức 80% lên mức 90%.

"Về cơ bản, chúng tôi đánh giá các thông tin trên là tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG khi có thêm dư địa để mở rộng tín dụng, cải thiện lợi nhuận. Tuy vậy, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 12/2015, tỷ lệ cấp tín dụng so với tổng vốn huy động của nhóm NHTM Nhà nước (có bao gồm VCB, CTG, BID) đã ở mức 97,22%. Do vậy chúng tôi đánh giá điểm sửa đổi trên gần như chỉ là hợp lý hóa những gì đang diễn ra thực tế, còn tác động giúp các ngân hàng này mở rộng thêm tín dụng trong năm 2016 có thể sẽ không nhiều", BVSC nhận định.

Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo lần này là giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống 40%.

Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống cuối tháng 12/2015 chỉ ở mức 31%. Do vậy tác động trên diện rộng của quy định trên có thể sẽ không ở mức quá tiêu cực. Tuy nhiên, theo BVSC, có không ít các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ hiện đang có tỷ lệ này ở mức khá cao (xấp xỉ 60%). Do vậy, nếu điểm sửa đổi này được thông qua sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm ngân hàng này.

"Riêng điều khoản này được NHNN lùi thời điểm dự kiến áp dụng sang 1/1/2017 thay vì áp dụng ngay (nếu được thông qua) như các điều khoản khác. Điều này cũng phản ánh những khó khăn của nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, đồng thời tạo độ trễ cho nhóm ngân hàng này có thể tự cân đối để đáp ứng yêu cầu của Thông tư", BVSC lưu ý.

Một hệ quả là lãi suất cho vay trung và dài hạn nhiều khả năng cũng sẽ được điều chỉnh tăng khi các ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng nhằm tăng cơ cấu vốn dài hạn.

Đứng ở góc độ thị trường bất động sản, điều khoản này sẽ tác động nhiều hơn đến phía cầu khi đa số các khoản vay mua nhà đều là các khoản vay dài hạn. Những tác động về phía cung (cho vay chủ đầu tư) sẽ ở mức thấp hơn do vòng đời của các dự án bất động sản thường kéo dài 3-4 năm và trong thời gian đó, chủ đầu tư sẽ bán hàng theo tiến độ nên dòng vốn sẽ được quay vòng sớm hơn.

Phía ngân hàng khi giải ngân tại một số thời điểm cũng có thể tạo sự linh hoạt bằng cách cho vay theo dòng vốn lưu động với thời hạn dưới 1 năm, sau đó gia hạn để tránh bị ảnh hưởng bởi điều khoản này.

Ngoài ra, một thay đổi trong Dự thảo lần này sẽ áp hệ số rủi ro cao hơn đối với khoản cho vay kinh doanh bất động sản. Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản được xếp vào nhóm có hệ số rủi ro cao nhất, 250%, thay vì 150% như trước đây.

Theo BVSC, việc áp hệ số rủi ro cao sẽ có tác động nhiều hơn đến phía cung trên thị trường bất động sản do các nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản sẽ chịu sự sàng lọc cao hơn trên thị trường khi các tổ chức tín dụng sẽ buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các khoản vay trong ngành kinh doanh này. Các nhà đầu tư nhỏ, không có thương hiệu sẽ rất khó có thể tiếp cận các khoản vay, và có thể bị buộc phải rút lui khỏi thị trường. Riêng phần cho vay mua nhà trả góp nhỏ lẻ sẽ không bị ảnh hưởng bởi điểm sửa đổi này do hiện được các ngân hàng xếp vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Đồng thời, Dự thảo đề cập nâng hạn mức sử dụng vốn ngắn hạn để mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được điểu chỉnh tăng hạn mức sử dụng vốn ngắn hạn để mua, đầu tư trái phiếu chính phủ từ 15% lên 35%.

BVSC cho rằng quy định này sẽ góp phần tạo nên nguồn cầu mới bổ sung trên thị trường trái phiếu chính phủ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu trong tương lai. Nguồn cầu này là tiềm năng do hiện hành một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có qui mô đầu tư trái phiếu chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên