Áp lực phía trước
Trong điều kiện thâm hụt ngân sách được mở rộng lên 5,3% GDP và khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng lên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực
Trong thông báo mới nhất về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành đồng bộ và linh hoạt. Mặc dù đưa một lượng lớn tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng NHNN đã kịp thời rút bớt tiền về, bảo đảm kiểm soát tiền tệ phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cũng theo thông tin từ NHNN, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm so với cuối năm 2013. Thanh khoản VNĐ của toàn hệ thống tiếp tục được bảo đảm, có dư thừa. Không chỉ bảo đảm dự trữ bắt buộc, các tổ chức tín dụng còn dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân. Tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VNĐ tiếp tục giảm từ mức 92,5% cuối 2013 xuống 87,4%.
Sau điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới nhưng mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mức trần quy định, thanh khoản thị trường vẫn được duy trì như trong những tháng đầu năm. Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục, khoảng 35 tỷ USD.
Tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm, thể hiện ở tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012 - 2013. Trước diễn biến tương đối ổn định của thị trường vàng, NHNN cũng không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng.
Số liệu của NHNN cho biết, đến cuối tháng 6, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao. Tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VNĐ tăng 2,17%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Ước đến cuối tháng 6, tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 5, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng khoảng 2,56% so với cuối năm 2013.
Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong những tháng cuối năm. Đầu tiên, phải kể tới tín dụng cho nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái và thấp so với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014.
Tiếp đó, trong điều kiện thâm hụt ngân sách được mở rộng lên 5,3% GDP và khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng lên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, bởi vậy không thể chủ quan với những diễn biến của lạm phát.
Việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các tổ chức tín dụng tăng dự trữ thanh khoản nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn nếu các tổ chức tín dụng không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.
Cuối cùng, đối với các chương trình, chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể, chỉ ngành ngân hàng triển khai quyết liệt là chưa đủ mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
>>> NHNN nới room tín dụng cho một số ngân hàng
Theo Bình Sơn