MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học “cảnh tỉnh” và “cần thuộc lòng” đối với người đang quản lý tại NHTMCP

30-12-2014 - 07:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS Bùi Quang Tín thì khái niệm “Người có chức vụ” và “Người làm việc công vụ” là bài học “cảnh tỉnh” và “cần thuộc lòng” đối với người đang quản lý tại các Ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay.

Trong Bộ luật hình sự, các tội phạm do người có chức vụ quyền hạn thực hiện không chỉ bao gồm các tội phạm về chức vụ (được quy định tại Chương XXI trong Bộ luật hình sự 1999 đang có hiệu lực: “Các tội phạm về chức vụ”) mà còn bao gồm các tội phạm được quy định ở các chương khác.

Mặt khác, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm do người có chức vụ quyền hạn thực hiện cho thấy còn gặp những khó khăn vướng mắc nhất định, một số quy định của pháp luật về vấn đề này còn trừu tượng, chung chung, khó giải thích, khó áp dụng nhất là trong tình hình xã hội hiện nay đã có nhiều sự chuyển biến, thay đổi trên các phương diện khác nhau, nhiều lĩnh vực đã được xã hội hóa (những công việc trước đây chỉ có nhà nước đảm trách giờ đã được giao cho nhân dân cùng làm). Vì vậy, về mặt nhận thức cần có sự thống nhất trong việc xác định như thế nào là người có chức vụ, và thế nào là lợi dụng chức vụ để phạm tội, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện này?

Trước hết, khái niệm người có chức vụ được quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự 1999 như sau: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.

Theo khái niệm này, có rất nhiều căn cứ khác nhau để xác định một người có chức vụ như do được bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác. Hình thức khác ở đây có thể hiểu là bất cứ hình thức nào mà gắn những quyền năng nhất định của chủ thể với chức vụ mà họ có. Ví dụ: nhân viên cơ quan thuế được giao nhiệm vụ đi thu thuế có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp thuế; thủ kho được giao nhiệm vụ quản lý kho hàng của công ty không cho phép xuất, nhập hàng khi không có lệnh của Giám đốc công ty hoặc người được uỷ quyền hợp pháp; v.v…Tất cả những người này đều được coi là người có chức vụ bởi vì họ được giao thực hiện công vụ và có những quyền năng nhất định trong khi thi hành công vụ.

Như vậy, trong khái niệm này theo tác giả, người có chức vụ có thể được hiểu một cách ngắn gọn là “người được giao thực hiện công vụ (mang tính chất hợp pháp) và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó”. Một ví dụ khác như bác sĩ được giao nhiệm vụ khám sức khoẻ để tuyển dụng cán bộ, viên chức; dân phòng đang đuổi bắt tội phạm, v.v…

Tuy nhiên, trong khái niệm này vẫn còn một vấn đề cần phải làm sáng tỏ thêm thế nào là “công vụ”. “Công vụ” từ trước tới nay đều hiểu theo nghĩa đó là những công việc xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội chứ không xuất phát từ lợi ích của riêng cá nhân nào. Nhưng cùng với xu thế phát triển của xã hội mà đã có rất nhiều lĩnh vực đã được tư nhân hóa, cổ phần hóa, xã hội hóa như hoạt động công chứng tư, bệnh viện tư, trường học tư, v.v…

Vậy những người được giao những nhiệm vụ như quản lý bệnh viện tư, hiệu trưởng trường học tư, công chứng viên của các phòng công chứng tư nhân có được xem là người có chức vụ hay không, họ có được coi là người thực hiện công vụ hay không? Hay trường hợp cầu thủ bóng đá của đội tuyển quốc gia nhận tiền để cố tình đá thắng hoặc thua đội bạn thì phạm tội nhận hối lộ hay là tội đánh bạc?

Từ đó có thể thấy rằng nhiều lĩnh vực của xã hội mà trong đó hành vi xử sự của cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân họ mà đã ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, cho nên cách hiểu về công vụ không thể bó hẹp trong phạm vi những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động công quyền mà nên hiểu ở phạm vi rộng hơn, đó là tất cả những hoạt động có liên quan đến lợi ích của cộng đồng (cả tư quyền và công quyền).

Ngoài khái niệm người có chức vụ, một vấn đề khác cũng cần thiết phải xác định cụ thể thế nào là lợi dụng chức vụ để phạm tội. Người có chức vụ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm khi họ đã lợi dụng chức vụ được giao để phạm tội. Chức vụ luôn gắng với những quyền năng nhất định, người có chức vụ có quyền được quyết định những công việc có liên quan đến lợi ích chung của xã hội.

Chính vì vậy, chỉ có thể coi một người lợi dụng chức vụ để phạm tội khi họ cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu người đó không gây thiệt hại đến lợi ích chung của cộng đồng mà lại gây thiệt hại đến lợi ích của mình thì có được coi là lợi dụng chức vụ để phạm tội không?. Ví dụ như thủ quỹ và kế toán của công ty cấu kết với nhau dùng công quỹ để mua hàng hóa nhằm bán kiếm lời nhưng bị lỗ và thâm hụt quỹ của công ty thì trường hợp này họ bị coi là đã lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nhưng nếu thủ quỹ và kế toán cùng nhau hùn vốn mua hàng hóa bán kiếm lời nhưng bị lỗ cho cá nhân của họ thì những thiệt hại xảy ra cho cá nhân họ thì họ phải gánh chịu và hành vi của họ không bị coi là tội phạm.

Xác định thế nào là người có chức vụ và việc lợi dụng chức vụ để phạm tội của người phạm tội là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể nói, việc lợi dụng chức vụ để phạm tội là một tình tiết định khung tăng nặng đồng thời còn được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vì nó đã làm tăng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội. Đây là loại tội phạm dễ dàng gây hậu quả thiệt hại cho xã hội do những người có chức vụ thực hiện nên có điều kiện để thực hiện tội phạm mà những người khác không thể thực hiện được.

Mặt khác, việc thực hiện tội phạm của những người có chức vụ có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm uy tín của nhà nước, của tổ chức đối với các tầng lớp nhân dân, loại tội phạm này thông thường khó phát hiện, xử lý, tỷ lệ tội phạm ẩn là khá cao.

Với vai trò là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ luật Hình sự đã xây dựng được những quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc xác định tội phạm do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Trong số hơn 30 tội danh có yếu tố lợi dụng chức vụ để phạm tội, có những tội phạm mà trong cấu thành tội phạm của nó đã chỉ rõ ở mặt khách quan của tội phạm về chức vụ như tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác, hay các tội phạm khác như tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, ra bản án trái pháp luật, ra quyết định trái pháp luật.

Còn các tội phạm khác tuy không chỉ rõ hành vi phạm tội do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản nhưng khi phân tích bản chất của hành vi phạm tội qua các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể thì dấu hiệu này được xác định trong yếu tố chủ thể của tội phạm như hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật, làm sai lệch kết quả bầu cử, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, … Mặt khác, trong cấu thành tăng nặng của tội phạm của một số tội danh cũng quy định tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” được coi là tình tiết định khung tăng nặng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội vu khống, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội xâm phạm chỗ ở của công dân, tội sản xuất, mua bán hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội đầu cơ, …

Về hình phạt, chúng ta cần lưu ý đối với 2 tội, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999 và tội tham ô tài sản được quy định tại điều 278 Bộ luật hình sự 1999, tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm d khoản 2 điều 139 chỉ là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội quy định tại điều 139 mà không nằm trong cấu thành cơ bản của tội này, trong khi đó tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là tình tiết được quy định trong cấu thành cơ bản của tội được quy định tại điều 278 BLHS 1999; do đó, tính nguy hiểm của 2 hành vi này tại 2 điều luật là khác nhau và hình phạt tương ứng cũng sẽ khác nhau. Hình phạt quy định tại điều 278 nặng hơn so với hình phạt được quy định tại điều 139 tại các khoản tương ứng của 2 điều luật.

Tuy cả 2 điều 139 và 278 trong BLHS đều có mức hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4 là tử hình, như phân tích ở trên, nếu hành vi của tội phạm có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” không nằm trong cấu thành cơ bản của tội thuộc điều 278 mà chỉ là tình tiết tăng nặng của tội thuộc điều 139 thì có khả năng bị cáo sẽ được xử dưới mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 4 điều này.

Từ các khái niệm và phân tích trên, chúng ta có thể thấy 1 điều rằng, những người có chức vụ trong 1 NHTMCP là những ai; họ chắc chắn là: những người trong Ban điều hành, giám đốc các chi nhánh, trưởng phó các phòng giao dịch, …..khi họ thực hiện công vụ theo đúng khái niệm nêu trên ở điều 277 BLHS 1999. Trong “siêu” vụ án Huyền Như cũng vậy, chúng ta không khó để xác định các vấn đề này. Xin người đọc lưu ý, tác giả chỉ bàn ở góc độ pháp lý của chủ đề này, mà không hề bàn đến các diễn biến cũng như bình luận về vụ án Huyền Như đang diễn ra tại phiên toà phúc thẩm.

Tại sao các khái niệm này cần phải thuộc lòng đối với người quản lý tại các NHTMCP?

- Hiểu biết pháp luật để trong quá trình quản lý chúng ta không vi phạm pháp luật;

- Một khi hành vi của chúng ta có dấu hiệu tội phạm, thì chúng ta biết mình sẽ có các trách nhiệm hình sự ra sao đối với Nhà nước và trách nhiệm dân sự ra sao đối với những người bị hại cũng như người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

- Chúng ta hiểu biết về các quy định của pháp luật, đặc biệt là về pháp luật hình sự để từ đó cùng phổ biến, giáo dục những người khác cùng sống và làm việc theo pháp luật, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Tóm lại, nghiên cứu và làm sáng tỏ những quy định của pháp luật hình sự có liên quan đến “người có chức vụ” và “lợi dụng chức vụ để phạm tội” có một ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt nhận thức mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý để phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi phạm tội do người có chức vụ thực hiện. Trong khoa học Luật hình sự, việc thống kê các nhóm tội phạm, các loại tội phạm cụ thể có yếu tố lợi dụng chức vụ để phạm tội trong Bộ luật Hình sự là rất cần thiết cả về mặt lập pháp cũng như áp dụng pháp luật, tránh được những sai lầm trong việc xác định tội danh và quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

TS Bùi Quang Tín

Giảng viên trường ĐH Ngân hàng TPHCM

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên