Bán dự trữ ngoại tệ: Cẩn trọng tác động trái chiều!
Bán ngoại tệ can thiệp giữ vững sự ổn định tỷ giá là giải pháp bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhưng luôn có tác động 2 mặt tới động thái tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
- 22-05-2015HSBC: Không nên dùng dự trữ ngoại hối để cho vay
- 15-05-2015Cơ cấu nợ công: Ngoại tệ chiếm 46%
- 10-05-2015Chính phủ vay dự trữ ngoại hối: Cảnh báo nguy cơ
- 06-05-2015Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá ngoại tệ tăng là do yếu tố tâm lý
- 01-05-2015Chính phủ yêu cầu đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước
-
Nợ xấu đang gia tăng liên tục, tạo tổng thể một khoản nợ xấu khá lớn
-
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Biến động tỷ giá luôn tác động đến nền kinh tế, nhất là khả năng cạnh tranh của xuất khẩu, cán cân thương mại và thanh toán, nợ công, cơ cấu sản xuất, niềm tin vào bản tệ và vào chính phủ... với mức ảnh hưởng tùy theo mức độ hòa nhập của quốc gia với kinh tế thế giới, mối tương quan giữa tiền tệ trong nước với tiền tệ nước ngoài. Tỷ giá bị chi phối mạnh bởi chính sách ngoại hối, bởi cung - cầu ngoại hối trên thị trường và bởi quyết định bán ngoại tệ can thiệp vào tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Bán ngoại tệ can thiệp giữ vững sự ổn định tỷ giá là giải pháp bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhưng luôn có tác động 2 mặt tới động thái tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
Tuyên bố sẵn sàng sử dụng khả năng bán ngoại tệ can thiệp thị trường, giữ vững tỷ giá là một giải pháp cơ bản, truyền thống, mạnh cả về lời nói và thực tiễn trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Một lời hứa chắc nịch như vậy của lãnh đạo ngành luôn có tác động tâm lý tích cực, cảnh báo những hoạt động đầu cơ, trấn an dư luận và giữ vững tinh thần những người “yếu bóng vía”, dễ hốt hoảng, tự phát hành động, khiến gia tăng tâm lý bầy đàn trước cuộc chiến tin đồn trong kinh tế thị trường. Tỷ giá thực tế có thể cải thiện rất nhanh sau khi tuyên bố được đưa ra và được bảo đảm bằng lượng ngoại tệ bán nếu cần, dù rất ít...
Tuy nhiên, việc bán ngoại tệ như vậy cũng có tác động mặt trái và luôn cần có điều kiện, đồng thời dễ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, dù quốc gia có lực lượng dự trữ tài chính mạnh đến đâu và cơ chế điều tiết thị trường hoàn thiện nhường nào.
Khi bán ngoại tệ nhằm giữ ổn định tỷ giá của đồng bản tệ đang được định giá cao hơn thực tế, NHNN thường kỳ vọng vào cái lợi sẽ thu được nhờ làm giảm giá hàng nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất, giảm sức ép lạm phát và giảm được chi phí dịch vụ nợ nước ngoài...
Tuy nhiên, việc đồng bản tệ được định giá quá cao và kéo dài sẽ trở thành nguyên nhân quan trọng làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của nước đó, do làm tăng giá thành hàng xuất, và giảm giá hàng nhập tính bằng ngoại tệ; dẫn đến hạn chế xuất khẩu, kích thích nhập khẩu, làm tăng nhập siêu.
Hơn nữa, khi định giá bản tệ cao, thường kéo theo sự gia tăng lãi suất tín dụng trong nước, cũng như khoảng cách chênh lệch lớn giữa lãi suất trong nước với lãi suất ngoài nước, kích thích vay nợ nước ngoài dễ dãi, nhất là các khoản vay thương mại ngắn hạn theo lãi suất cao, từ đó nảy sinh những rủi ro tiềm tàng gắn liền với việc đáo hạn các khoản cho vay lại dễ dãi bằng bản tệ, kể cả cho vay kinh doanh có tính đầu cơ bất động sản và những rủi ro gắn với biến động về tỷ giá bản tệ trong tương lai (chi phí dịch vụ nợ sẽ tăng vọt do tỷ giá bản tệ tăng lên đe dọa làm mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của các con nợ).
Hậu quả sâu nặng và lâu dài hơn cả chính là ở chỗ, việc định giá quá cao và kéo dài đồng bản tệ sẽ làm triệt tiêu các động lực phát triển sản xuất trong nước, trước hết là sản xuất và kinh doanh xuất khẩu, làm tăng buôn lậu và tham nhũng, kích thích sử dụng lãng phí ngoại tệ, không coi trọng các nguồn lực trong nước, kích thích nền kinh tế “bong bóng” phát triển trong tình trạng quá nóng và gia tăng liên tục sự thâm hụt cán cân thương mại, cán cân thanh toán tài khoản vãng lai của nền kinh tế và hao hụt nhanh chóng dự trữ quốc gia để giữ giá bản tệ. Rút cuộc, nền kinh tế trở nên nghèo nàn và trống rỗng, những cơ sở kinh tế bảo đảm cho giá trị cao và ổn định của đồng bản tệ bị suy kiệt.
Nền kinh tế kém sức cạnh tranh, nguồn thu ngoại tệ bị cạn kiệt trong khi nợ nước ngoài không ngừng tăng lên, sức ép đáo hạn nợ gia tăng, nhu cầu mua vét ngoại tệ để trả nợ tăng vọt, đẩy giá ngoại tệ lên, đồng thời khởi đầu cho sự giảm giá đồng bản tệ không thể kìm giữ kéo theo một loạt hệ quả tiêu cực khác. Khủng hoảng tài chính - tiền tệ có thể nổ ra một khi Chính phủ không đủ dự trữ ngoại tệ để can thiệp và thiếu những thiết chế thị trường tự động điều tiết có hiệu quả nhằm “tháo những ngòi nổ nhạy cảm” đe dọa tạo ra cơn bùng phát hoảng loạn và sự đổ vỡ dây chuyền trong toàn bộ nền kinh tế, mà trước hết ở khu vực tài chính ngân hàng.
Hơn nữa, việc bán ngoại tệ kéo dài để giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh có tồn tại mức chênh lệch cao giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường “chợ đen” sẽ dễ đồng nghĩa với việc khuyến khích các hoạt động đầu cơ ngoại tệ và làm giàu ngay trên lưng quỹ dự trữ quốc gia. Bởi khi đó, những người “nhanh nhạy” và có “quan hệ ảnh hưởng” sẽ tìm mọi cách mua lượng lớn ngoại tệ giá rẻ qua kênh Ngân hàng Nhà nước để bán ra thị trường chợ đen kiếm lời chênh lệch tỷ giá đó. Hệ lụy sẽ nặng nề hơn và khó suy đoán hơn, nếu có sự tiếp tay và cộng hưởng bởi nạn đầu cơ quốc tế, hoặc tranh thủ “đục nước béo cò”, kích động chiến tranh tâm lý vì lợi ích nhóm hoặc phá hoại an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia.
Tóm lại, bán ngoại tệ can thiệp giữ ổn định tỷ giá là cần thiết, nhưng cần thận trọng, có điều kiện, linh hoạt trên cơ sở bám sát thực tiễn cụ thể, cân nhắc khách quan tính hai mặt và chủ động các kịch bản phòng tránh những tác động mặt trái không mong muốn, bảo đảm tính linh hoạt và hài hòa lợi ích trong điều hành chính sách tỷ giá.
Việc nhấn mạnh một chiều các lợi ích từ bán ngoại tệ can thiệp giữ ổn định giá trị đồng bản tệ quá cao chứa đựng trong đó tất cả những hiểm họa mà sớm hay muộn sẽ bùng nổ trong tương lai, khiến toàn bộ nền kinh tế phải trả giá đắt hơn so với những lợi ích cục bộ thu được. Cái giá phải trả càng cao nếu mức độ chênh lệch giữa giá trị thực tế và giá trị “ảo” của đồng bản tệ càng lớn và được duy trì càng lâu. Sự đầu cơ quốc tế sẽ làm cho cái giá phải trả này càng trở nên khổng lồ và khó lường trước được, như thực tế Thái Lan những năm 1997-1998 cho thấy.
Thực tế cũng cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, và ổn định tỷ giá là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế trong từng thời kỳ nhất định. Ổn định tỷ giá không có nghĩa là duy trì tỷ giá bất biến mà vận động “có lên - có xuống”, bảo đảm quan hệ cung - cầu lành mạnh thị trường có sự điều tiết tích cực của nhà nước và kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác.