Bất ngờ nợ xấu ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tính đến 31/12/2014. Con số công bố này là dữ liệu được chốt lại cuối cùng.
- 19-03-2015Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tư pháp đẩy nhanh xử lý nợ xấu
- 17-03-2015VAMC và khúc mắc về cơ chế mua bán, xử lý nợ xấu
- 16-03-2015Nợ xấu: Dễ mua, khó bán lại
Bất ngờ đầu tiên, trái ngược với một số dự báo có thể ở mức cao do các tổ chức tín dụng phải hạch toán một cách đầy đủ hơn vào tháng cuối năm, tỷ lệ nợ xấu đã giảm khá mạnh trong tháng 12/2014, từ 3,88% của tháng liền trước xuống còn 3,25% - mức thấp nhất năm qua.
Đây là tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước tập hợp qua báo cáo của các tổ chức tín dụng. Nó có chênh lệch đáng kể so với số liệu cơ quan này đánh giá, hay được gọi là qua giám sát từ xa.
Bất ngờ nữa là, tỷ lệ 3,25% cũng có “sai số” khá lớn so với con số dự tính đưa ra đầu năm 2015.
Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, theo tài liệu công bố trung tuần tháng 2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%), ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%”.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cũng từ thông tin trả lời chất vấn nói trên, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9 năm 2012.
Tại thời điểm có thông tin trên, tỷ lệ 17% cũng có thể gây bất ngờ. Bởi từ thời điểm tháng 10/2011, khi lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố quy mô nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam cỡ khoảng 10%. Với 17% trong gần một năm sau đó, nợ xấu đã tăng tốc rất mạnh, nhưng phải đến đầu 2015 mức độ này mới được công bố rộng rãi.
Như nhiều lần Ngân hàng Nhà nước giải thích, tùy theo kênh tập hợp dữ liệu báo cáo hoặc qua kênh giám sát từ xa mà có những con số nợ xấu khác nhau. Mức độ thay đổi của nó cũng khá lớn, có thể biến động từng ngày theo một số khoản nợ lớn thu hồi được hoặc bị chuyển thành nợ xấu.
Mặt khác, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng cũng tương đối, vì còn chịu ảnh hưởng ở một số chính sách như cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, hoặc mức độ thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 09…
Dù vậy, việc có những bất ngờ, có mức độ sai số khá lớn so với dự tính hoặc mức độ công bố trước so với sau, bức tranh nợ xấu có thể bị nhận diện thiếu đầy đủ mà dẫn đến sự lạc quan hoặc bi quan không đúng mực trong ứng xử với nó.
Theo Minh Đức