MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV lý giải nguyên nhân lên sàn trước Tết Nguyên đán 2014

20-01-2014 - 12:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc lên sàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho BIDV tìm đối tác chiến lược. Dù tỷ lệ cổ phiếu ngoài Nhà nước chưa đến 5% nhưng có cơ sở để tin các công ty quản lý quỹ sẽ đầu tư vào ngân hàng.

Sáng nay 20/1/2014, tại trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, theo kế hoạch đã được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận, ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu BID là ngày 24/1/2014 với giá chào sàn là 18.700 đồng/cổ phiếu.

Vì sao chọn niêm yết thời điểm này?

Theo kế hoạch thì cổ phiếu BID sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán 3 phiên trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Trước câu hỏi của báo giới về việc tại sao BIDV lại chọn thời điểm này để niêm yết cổ phiếu, ông Trần Phương cho biết, ngân hàng lựa chọn thời điểm đầu năm 2014 lên sàn bởi lúc này thị trường chứng khoán đang hồi phục rất tích cực. Từ đầu năm tới nay, chỉ số Vn-Index đã tăng hơn 8% và đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của BIDV năm 2013 cũng lạc quan. Lợi nhuận hợp nhất đạt 5.233 tỷ đồng với riêng ngân hàng mẹ BIDV đạt 5.066 tỷ đồng, vượt 10,8% so với kế hoạch do ĐHCĐ đề ra và tăng 21% so với năm 2012. Huy động vốn tăng trưởng 16%, dư nợ tín dụng tăng 16,7% và nợ xấu kiểm soát ở mức 2,3% trên tổng dư nợ.

Nền kinh tế 2013 cũng tăng trưởng tích cực, khẳng định sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ và nỗ lực của cả nước. Năm 2014, BIDV kỳ vọng GDP tăng 5,8%, FDI cũng như ngoại hối sẽ tiến triển tốt hơn, đặc biệt là FDI khi mà các tập đoàn tài chính, các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam.

Ngoài ra, việc niêm yết ở thời điểm này sẽ tạo điều kiện cho BIDV thực hiện tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2014 một cách hiệu quả. Quy định mới về sở hữu của vốn ngoại tại ngân hàng vừa được Thủ tướng phê duyệt, với việc một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu 20% vốn ở ngân hàng Việt, sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn với thị trường tài chính Việt Nam.

Trên cơ sở đó, BIDV tin tưởng, với kế hoạch niêm yết thì trách nhiệm với cổ đông và thị trường sẽ được triển khai và đảm bảo có hiệu quả.

Kỳ vọng cổ phiếu BID sẽ hút được các quỹ đầu tư quan tâm

Trước câu hỏi việc niêm yết 2,8 tỷ cổ phiếu liền một lúc sẽ tác động đến thị trường chứng khoán ra sao, trong khi các ngân hàng trước đây thường chia nhỏ tỷ lệ lên sàn lần đầu?

Ông Trần Phương cho biết, trước kia Vietcombank chỉ niêm yết phần phát hành niêm yết bên ngoài nhà nước, nhưng sau 2 năm họ cũng niêm yết đầy đủ. Việc niêm yết toàn bộ 2,8 tỷ cổ phiếu BID thể hiện đúng số vốn điều lệ tại thời điểm niêm yết của một NHTMCP đại chúng là bao nhiêu. Ở BIDV, ngân hàng coi cổ đông nhà nước và cổ đông ngoài là bình đẳng.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới đây, việc niêm yết của các TCTD nói chung và các NHTM do Nhà nước chi phối sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho nhà nước thoái vốn, cung cấp cái nhìn toàn diện hơn so với thị trường.

BIDV cũng kỳ vọng dù chỉ 4,24% cổ phiếu ngoài nhà nước nhưng BID cũng sẽ hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn. “Chúng tôi tin rằng dù tỷ lệ chưa đến 5% nhưng vì là doanh nghiệp lớn, kinh doanh có hiệu quả nên nhà đầu tư, các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp trong và ngoài nước sẽ đầu tư vào chúng tôi”, ông Phương nói.

Sẽ trình lên Thủ tướng nếu có nhà đầu tư muốn mua hơn 20% cổ phần BIDV

Về kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Phương cho biết, lãnh đạo BIDV vẫn đang tìm kiếm đối tác, sẽ báo cáo NHNN và chính phủ trong thời gian tới.

“Chúng tôi cố gắng xác định rõ đối tác đàm phán, đẩy nhanh quá trình đàm phán nhanh nhất có thể”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, khi doanh nghiệp thực hiện tiếp xúc, bắt đầu đàm phán thì phải đến 9 – 12 tháng mới hoàn thành. Quá trình tìm kiếm đối tác sẽ được triển khai nhanh, phù hợp, sẽ hỗ trợ cho BIDV cả về kỹ thuật lẫn góp vốn. Khi có nhà đầu tư chiến lược, quản trị doanh nghiệp sẽ được đổi mới và tiến bộ thêm một bước. Nhà đầu tư chiến lược sẽ có 1 thành viên trong HĐQT ở BIDV và như thế sẽ có sự tư vấn hiệu quả, góp phần đổi mới phong cách kinh doanh, quản trị của ngân hàng.


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên