MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính có thể vay 30.000 tỷ từ NHNN với lãi suất bằng 0?

04-08-2015 - 11:11 AM | Tài chính - ngân hàng

HSC cho biết, theo luật về ngân sách nhà nước, NHNN có thể chi tạm ứng cho ngân sách nhà nước (với lãi suất bằng 0) và khoản tạm ứng này sau đó sẽ được hoàn trả trong cùng năm ngân sách.

Theo bản báo cáo nhận định ngày mới đây của Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC), việc Bộ Tài chính đã đề xuất lên NHNN phê duyệt một khoản chi tạm ứng hay một khoản vay 30.000 tỷ đồng để cân bằng ngân sách nhà nước năm 2015 được đánh giá là con số đáng cân nhắc.

Cụ thể, HSC cho biết theo luật về ngân sách nhà nước, NHNN có thể chi tạm ứng cho ngân sách nhà nước (với lãi suất bằng 0) và khoản tạm ứng này sau đó sẽ được hoàn trả trong cùng năm ngân sách. Vấn đề đặt ra là quy mô đề xuất hay số tiền xin tạm ứng. Chẳng hạn, mức chi tạm ứng khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng sẽ không quá lo ngại, tuy nhiên mức đề xuất 30.000 tỷ đồng là con số đáng kể xét về mặt tiền tệ.

Trước yêu cầu của Bộ Tài chính, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ cân nhắc yêu cầu này để đảm bảo nguồn cung tiền "hợp lý" để hỗ trợ đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Có khả năng NHNN sẽ có câu trả lời chính về vấn đề này trong những tuần tới.

Theo HSC ước tính, tổng cung tiền hiện tại khoảng 5.500.000 tỷ đồng và con số 30.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đề xuất vay NHNN tương đương 0,54% tổng cung tiền hiện tại.

Báo cáo phân tích rằng nếu không tính đến lo ngại về lạm phát (đang ở mức thấp), sự phản đối chính có thể là tổng cung tiền tăng lên (theo mức đề xuất) có thể ảnh hưởng như thế nào đến tiền tệ.

"Dĩ nhiên, quan điểm đối lập cho rằng số tiền chi tạm ứng sẽ được hoàn trả trước cuối năm. Điều kiện thực tế là khác với thường lệ với ít lựa chọn hơn. Nếu thị trường trái phiếu đang hoạt động thông thường, có khả năng NHNN sẽ tạo nguồn thanh khoản này dưới hình thức các khoản vay tái cấp vốn cho các ngân hàng, là giải pháp cho phép các ngân hàng mua trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn", HSC nhận định.

Thâm hụt ngân sách thực tế có thể cao hơn 5%

HSC cũng dự báo rằng thâm hụt ngân sách thực tế có thể cao hơn mục tiêu 5% nếu tình hình không được cải thiện.

"Nếu tình hình vẫn diễn biến như hiện nay cho đến cuối năm thì ước tính thâm hụt có thể dễ dàng vượt mức 212.400 tỷ đồng, tương đương 4,7% GDP. Tuy nhiên thâm hụt thường cao hơn vào 6 tháng cuối năm vì tính mùa vụ", báo cáo nhận định.

HSC cho rằng ở đây có 2 vấn đề cần xem xét, một là thâm hụt ở mức khá cao và khiến nhiều người lo ngại về vấn đề nợ công cao. Hai là trong lần này, một vấn đề là ngân sách sẽ phải làm thế nào để bù vào phần thâm hụt.

Ngân sách có thể bị thâm hụt cao hơn 5% vì việc phát hành trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch do nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn dài.

Thông thường Bộ Tài chính có thể tăng phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên từ đầu năm phát hành trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch (kế hoạch là 250.000 tỷ đồng) với giá trị phát hành chỉ đạt 93.000 tỷ đồng cho đến nay.

Ở đây có 2 lý do. Thứ nhất, năm ngoái Quốc hội lo ngại về tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn ngắn ở mức cao và đã không cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm. Thứ hai, Thông tư 36 do NHNN ban hành vào tháng 2 đã giảm giới hạn nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (đây là nguồn mua trái phiếu chính phủ ổn định trước đây).

Còn có thể xét đến lý do thứ 3 đó là tăng trưởng cung tiền M2 từ đầu năm giảm tốc (làm giảm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vốn là đối tượng mua chính đối với trái phiếu chính phủ).

"Dù sao thì chỉ có các ngân hàng mới muốn đầu tư vào trái phiếu dài hạn, tuy nhiên hiện tại có vẻ nhu cầu này cũng không còn nhiều", báo cáo phân tích.

Mai Ngọc

HSC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên