Bùng nhùng vụ “đáo hạn” tiền tỷ ở BIDV Bắc Hải Dương
Phó GĐ BIDV Bắc Hải Dương nói, gói vay này ông quá sơ suất, tin tưởng nhân viên Kháng nên không xuống xem xét, tìm hiểu và thẩm định lại gói vay của Tuấn - Tiện, mà đặt bút ký cho vay.
Phóng viên đã tìm hiểu và phát hiện một số sai phạm của ngân hàng này trong công tác quản lý và điều hành, tạo khe hở để khách hàng chiếm đoạt tiền tỷ.
Một tỷ không vay mà có
“Tháng 7/2013, gia đình ông Nguyễn Quốc Tuấn và bà Nguyễn Thị Tiện ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đến hạn phải trả khoản vay một tỷ đồng cho Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương.
Quá hạn mười ngày, khách hàng không có tiền trả vì lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Tôi là nhân viên tín dụng quản lý gói nợ này, dù đã chuyển vị trí sang thu nợ nhưng đứng ra mượn một tỷ để nộp vào tài khoản khách hàng giúp đáo hạn. Chiều ngày 31/7/2013, giao dịch hoàn tất, ông bà Tuấn - Tiện không chịu ký hồ sơ để vay lại để trả tiền cho tôi. Ông Tuấn, bà Tiện còn không thừa nhận tiền đó là của tôi, mà khẳng định tiền đó là của một người khác chuyển trả nợ”, anh Phạm Văn Kháng cho biết.
Anh Kháng nói: “Tôi quá tin tưởng khách hàng đã có lời nhờ giúp, mặt khác Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương Nguyễn Văn Công thúc ép và hứa sẽ cho đáo hạn nên mới đứng ra mượn nóng một tỷ đồng để tất toán cho khoản vay của ông Tuấn. Nếu đáo hạn êm xuôi, tôi sẽ lấy lại được tiền, làm vừa lòng lãnh đạo vì không để nợ xấu. Giao dịch tất toán xong, ông Công không ký hợp đồng cho vay lại, vì khách hàng này có biểu hiện nợ xấu. Ông bà Tuấn - Tiện đến ngân hàng yêu cầu trả lại tài sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất, vì đã trả hết nợ”.
“Nhận ra mình bị lừa số tiền một tỷ vay đáo hạn cho Tuấn - Tiện, tôi nhờ lãnh đạo BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương cho hủy giao dịch. Ngân hàng đã họp và không đồng ý, vì chứng từ thu nợ đúng theo quy định, không có cơ sở chứng minh giao dịch tất toán khoản vay bị nhầm lẫn. Tôi cùng bố và anh trai liên tục gửi ba lá đơn tố cáo khách hàng lừa gạt, yêu cầu ngân hàng tạo điều kiện, giúp nhân viên tạm giữ lại tài sản thế chấp của ông Tuấn là GCN QSD đất, chờ cơ quan chức năng làm rõ vụ việc”, theo đơn thư phản ánh của Phạm Văn Kháng.
Nhận được đơn của anh Phạm Văn Kháng tố cáo vợ chồng Tuấn - Tiện ở huyện Nam Sách (Hải Dương) chiếm đoạt một tỷ đồng, Công an thị xã Chí Linh nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh. Sau hai tháng điều tra, Công an Chí Linh đã ra Thông báo số 361/TB ngày 23/10/2013, đã khẳng định: “Ông Phạm Văn Kháng trả nợ số tiền một tỷ đồng cho khoản vay của ông Nguyễn Văn Tuấn và vợ Nguyễn Thị Tiện. Việc ông Kháng trả nợ ngân hàng cho ông Tuấn và bà Tiện là hành vi dân sự. Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm. Công an thị xã Chí Linh hướng dẫn ông Phạm Văn Kháng nộp đơn đến Tòa án nhân dân thị xã Chí Linh để được giải quyết theo thẩm quyền”.
Ngày 5/11/2013, dưới sự thúc ép của gia đình ông bà Tuấn - Tiện, ngân hàng đã trả lại GCN QSD đất cho khách hàng. Như vậy, từ chỗ chịu nợ BIDV, ông Tuấn, bà Tiện tự nhiên có một tỷ đồng để tất toán, lấy được tài sản cầm cố vốn dĩ sẽ bị phát mại.
Ông nói xuôi, bà bảo ngược
Ông bà Tuấn - Tiện đã lý giải một tỷ đồng mà anh Kháng nộp tất toán cho mình là do con nợ Phạm Thị Hoa trả vào. Bà Hoa là chủ một quán cà phê ở huyện Nam Sách, bà Nguyễn Thị Tiện vừa bán hàng và phụ giúp việc ở đó. Từ mối quan hệ này, bà Tiện đã cho bà Hoa vay một tỷ với niềm tin giao kèo “sau khi bà Hoa kinh doanh có lời sẽ cho Tuấn - Tiện xe con bốn chỗ, trị giá 350 triệu đồng”. Bà Tiện cho biết: “Đến ngày trả nợ, tôi đã đến nhà nói rõ nhưng bà Hoa cứ khất lần này sang lần khác. Hôm đó, bà ấy bảo cứ đến ngân hàng rồi sẽ chuyển tiền xử lý nợ cho. Việc anh Kháng nộp khoản tiền đó là tiền của bà Hoa”.
Bà Hoa lại khẳng định: “Tôi chưa bao giờ chuyển tiền cho Kháng và vẫn chịu khoản nợ của bà Tiện là 700 triệu đồng, chứ không phải là một tỷ đồng như họ đã nói. Nếu tôi có tiền, sao không trực tiếp trả mà phải qua tay ai”.
Trả lời vấn đề anh Kháng tố cáo mình móc ngoặc với khách hàng chiếm đoạt một tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ BIDV Bắc Hải Dương giải thích: “Tôi là Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng nên việc đôn đốc nhân viên thu nợ, không để thành nợ xấu cho ngân hàng là việc đương nhiên, chứ không phải là thúc ép Kháng vay một tỷ đồng đáo hạn cho khách hàng.
Vụ việc xảy ra là do nhân viên Kháng kém về chuyên môn, tin tưởng chuyển tiền cho người khác mà không có giấy biên nhận vay. Tôi có hứa sau khi khách hàng tất toán, ngân hàng sẽ xem xét để cho vay lại nhưng không thể ký để cho vay ngay được. Đồng thời, Kháng cũng đang bị thuyên chuyển sang vị trí mới, vì nhiều lần nhận tiền phần trăm của khách hàng thực hiện giao dịch tại Ngân hàng BIDV”. Ông Công cũng nói, gói vay này tôi quá sơ suất, tin tưởng nhân viên Kháng nên không xuống xem xét, tìm hiểu và thẩm định lại gói vay của Tuấn - Tiện, mà đặt bút ký cho vay.
Ông Công cho biết thêm: “Từ khi được thành lập, BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương chưa để xảy ra một khoản nợ xấu nào. Ngân hàng không làm ngơ, móc ngoặc với khách hàng để nhân viên mất một tỷ đồng. Khi nhà Tuấn - Tiện đến yêu cầu trả tài sản, tôi đã gặp cơ quan Công an thị xã Chí Linh nhờ giúp đỡ, ra văn bản yêu cầu ngân hàng giữ lại GCN QSD đất của gia đình Tuấn - Tiện vì đang có đơn tố cáo ông bà chiếm đoạt tài sản. Ngày hôm sau, Công an Chí Linh liền ra văn bản thì ngân hàng dựa vào lý do đó, không trả tài sản cho khách hàng. Khi Công an Chí Linh ra Thông báo số 361/TB ngày 23/10/2013 có nêu “là án dân sự” thì chúng tôi không có lý gì để giữ tài sản của khách hàng nữa. Trả GCN QSD đất mà Tuấn - Tiện thế chấp ở ngân hàng là đúng quy định”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Công an thị xã Chí Linh khẳng định: “Không có chuyện ông Công đến Công an Chí Linh nhờ giúp đỡ. Việc ra một văn bản, chúng tôi phải xem xét, không vì lời nói hay đề nghị là dễ dàng như vậy được. Đặc biệt, kết quả điều tra mà chúng tôi gửi cho phía Ngân hàng BIDV không phải chứng cứ, không phải cơ sở để đơn vị vin vào, trả tài sản cho gia đình ông Tuấn”.
Làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương, ông Vũ Xuân Nghiêm, Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương cho biết: “Qua kết quả kiểm tra, xác minh theo đơn thư, trong công tác quản lý, điều hành của Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương còn lỏng lẻo, trái với Luật Ngân hàng Nhà nước quy định. Thứ nhất, cho nhân viên tín dụng cầm tài sản thế chấp về nhà để trả cho khách hàng. Thứ hai, cho chính nhân viên của ngân hàng đứng ra nộp tiền cho khách hàng”. Trước những sai phạm dẫn tới kẽ hở để nhân viên bị chiếm đoạt một tỷ đồng, BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương lại làm ngơ trước vụ việc.
Theo PV