Các ngân hàng cần phải cơ cấu lại nợ
Việc cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể và xác định lại khả năng trả nợ của họ.
- Tôi cho rằng ngân hàng không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. Hiện tại ai cũng biết nợ xấu ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Do đó, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm đứng, điểm xuất phát thực tế để tìm ra thuận lợi, khó khăn từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất.
Do vậy, theo tôi, việc cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của họ và xác định lại khả năng trả nợ để cơ cấu lại nợ. Qua đó vừa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình, đồng thời tạo điều kiện để những khách hàng trả được nợ và vay vốn mới, tránh phát sinh nợ xấu.
-Việc lập ra Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng chưa yên tâm lắm, quan điểm của bà thế nào?
- Về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn. Tuy nhiên, hy vọng của các ngân hàng vào các hoạt động của VAMC phải có một cơ chế vượt hẳn so với cơ chế hiện tại. Theo quy định hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp quy áp dụng để xử lý tài sản thế chấp chưa có một khung pháp lý cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại. Có thể nói xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản trong thời gian qua rất khó khăn. Thủ tục hành chính rườm rà, qua nhiều cơ quan thẩm quyền và mất nhiều thời gian mới xử lý, phát mại được tài sản…
Đây là điều các ngân hàng e ngại. Vì khi ngân hàng bán nợ cho VAMC, sau đó quá trình xử lý tài sản thế chấp lại cũng mất thời gian dài như ngân hàng thương mại đã và đang vấp phải thì tiếp tục làm giảm giá trị khoản nợ của họ. Điều này vừa ảnh hưởng tới tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nói chung cũng như VAMC nói riêng. Tôi hy vọng thời gian tới Chính phủ sẽ có giải pháp tích cực hơn đối với cơ chế chính sách giải quyết tài sản đảm bảo khi xử lý nợ.
-Có thông tin về việc VAMC sẽ dùng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu, vậy theo bà có mang lại hiệu quả không?
- Mỗi nước có đặc thù khác nhau nên trong quá trình xử lý nợ xấu cũng không thể giống nhau. Đối với nước ta, nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách hạn chế. Do vậy, thời điểm này việc phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu là phù hợp. Nhưng việc phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng cần cân nhắc, làm sao vừa đủ để đảm bảo xử lý nợ xấu hiệu quả.
-Theo Dự thảo Thông tư về hoạt động của VAMC, một trong những điều kiện để VAMC mua nợ là khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản. Trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản. Quan điểm của bà?
- Khi ngân hàng nhà nước đưa ra chỉ đạo cụ thể trong mua bán nợ tức là họ cũng khảo sát kỹ tình hình các ngân hàng thương mại. Vấn đề ở đây là liệu các ngân hàng thương mại có phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình hay không.
- Xin cám ơn bà!
Theo Tiểu Vũ