MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng ngoại có đang “chèn lấn” ngân hàng nội?

28-11-2013 - 14:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Xu hướng hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng chỉ đúng với khối NHTMCP trong nước. Các NH ngoại không mấy mặn mà.

Báo cáo đánh giá mới nhất của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, sự hiện diện của các NHTM cổ phần, NHTM liên doanh, NHTM 100% vốn nước ngoài cũng như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không chỉ làm tăng cạnh tranh và năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng, mà còn giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, qua đó củng cố độ sâu của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của khu vực NHTM nước ngoài chưa thực sự chèn lấn hoạt động huy động và cho vay của khu vực NHTM trong nước.

NH ngoại “kém mặn mà” với lợi nhuận từ tín dụng trong nước

Trái với quan ngại trước khi mở cửa thị trường ngân hàng, thị phần hoạt động của khối NHTM nước ngoài hầu như không tăng mạnh, xét cả về huy động và cho vay.

Tỷ lệ của NHTM nước ngoài trong tổng huy động chỉ tăng nhẹ từ 8,1% lên gần 8,8% trong giai đoan 2006-2007, sau đó giảm liên tục xuống còn 5,6% vào năm 2010. Đến cuối tháng 10/2011, thị phần huy động của NHTM nước ngoài được phục hồi mạnh, tăng lên 11,0%.

 Ngược lại, thị phần tín dụng của khối này có xu hướng tăng từ 9,01% năm 2007 lên hơn 10,5% vào năm 2008 và xấp xỉ 13,4% vào tháng 10/2011.

Kết quả này có lẽ là do các NHTM nước ngoài tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp có vốn FDI trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn kể từ năm 2010.

Thị phần tín dụng của ngân hàng nước ngoài nhìn chung chưa lớn, song tỷ lệ nợ xấu của khu vực này lại thấp hơn nhiều so với của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Điều này cho thấy năng lực quản trị rủi ro, cũng như khả năng lựa chọn các dự án hiệu quả để tài trợ tín dụng của khu vực ngân hàng nước ngoài.

Hơn nữa, hoạt động của khu vực ngân hàng nước ngoài gắn rất nhiều với hoạt động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - khu vực phát triển năng động hàng đầu và là động lực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Sâu xa hơn, thị phần tín dụng khá ổn định của khối ngân hàng nước ngoài một phần còn do sự kém mặn mà của khối này đối với lợi nhuận từ tín dụng trong nước.

Dịch vụ ngoại hối và phí mới là nguồn thu chính

Theo khảo sát, xu hướng hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng chỉ đúng với khối NHTM cổ phần trong nước.

Trong khi đó, một số ngân hàng nước ngoài lại chú trọng khai thác lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí. Trong một thời gian dài từ 2011 trở về trước, các ngân hàng nước ngoài khá linh hoạt trong kinh doanh ngoại hối.

Ngay cả khi NHNN siết chặt hoạt động kinh doanh ngoại hối theo tỷ giá quy định chính thức, các ngân hàng nước ngoài nhanh chóng chuyển sang giao dịch ngoại hối qua một đồng tiền thứ ba và sau đó là giao dịch ngoại hối qua một đồng tiền thứ ba qua một ngân hàng thứ ba.

Mức phí chuyển tiền của các ngân hàng này cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng linh hoạt hơn - điều khó thực hiện đối với các ngân hàng trong nước do lo ngại bị thanh, kiểm tra thường xuyên.

Chính điều này một lần nữa giúp giải thích tại sao thị phần tín dụng của các ngân hàng nước ngoài chưa tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.

Thị phần ngân hàng ngoại đang lớn dần

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thị phần của NHTM nhà nước trong huy động tiền gửi đã giảm từ 73,9% vào năm 2005 xuống còn xấp xỉ 56,1% vào năm 2008 và 43,8% vào năm 2011.


Trong khi đó, thị phần của khối này trong tín dụng giảm chậm hơn, từ gần 70,0% vào năm 2005 xuống còn 55,7% vào năm 2008 và 51,3% vào năm 2011.

Theo đó, chênh lệch thị phần của khối NHTM nhà nước với khối NHTM cổ phần đã giảm dần, trên cả khía cạnh tín dụng và huy động tiền gửi.

Điều đáng nói là cùng với sự lớn mạnh của khu vực NHTM cổ phần và sự hiện diện ngày càng tăng của khối NHTM nước ngoài, cạnh tranh trên hệ thống NHTM nhìn chung đã được cải thiện đáng kể.

Điều này có thể được thể hiện qua tổng các bình phương của thị phần các khối NHTM trên thị trường.

Đối với hoạt động tín dụng, chỉ số này đã giảm liên tục từ 0,5194 vào năm 2005 xuống còn 0,4352 vào năm 2008 và 0,4057 vào năm 2011.

Trong khi đó, đối với hoạt động huy động tiền gửi, chỉ số này cũng giảm liên tục từ 0,58 xuống còn 0,4082 trong suốt giai đoạn 2005-2011.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, điều này đã giúp thị trường tiền gửi và thị trường tín dụng nhìn chung đều trở nên hài hòa hơn, ít bị tập trung vào khối NHTM nhà nước. Đây chính là cơ sở thuận lợi hơn cho CSTT và việc ban hành/thực hiện các quy định tài chính nhằm điều tiết một hệ thống ngân hàng cạnh tranh lành mạnh.

Khánh Linh 

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên