Cẩn trọng nới "room" ngân hàng!
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã:CTG) đang rục rịch xin nới "room" sở hữu của khối ngoại lên 40% vốn. Nếu được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, đây sẽ là ngân hàng đầu tiên mở rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực rất nhạy cảm.
- 28-08-2015Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa sau tin nới room của SSI
- 27-08-2015Toàn bộ các ngành sẽ không cần phải tổ chức ĐHCĐBT khi nới room?
- 20-08-2015Những điểm đáng chú ý về thông tin nới room mới
- 09-08-2015Nới room cho khối ngoại – cái “mẹo” của nhà quản lý
Chính phủ đã chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại tại công ty niêm yết lên tối đa 100% vốn điều lệ. Nhưng việc sở hữu của nước ngoài tại các ngân hàng được đặt ra dè dặt hơn vì nhiều lo ngại liên quan tới an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Thí điểm nới room ngân hàng
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã tiết lộ, Ngân hàng Vietinbank đang muốn xin Thủ tướng Chính phủ và NHNN xem xét nới "room" ngoại cho nhà đầu tư. Nhà băng này cũng mong muốn được là ngân hàng thí điểm đầu tiên thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần vốn ngoại.
Do ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, trọng yếu của nền kinh tế nên Chứng khoán Bảo Việt cũng đánh giá việc nới "room" ngoại sẽ "khó có thể được thực hiện trong vòng 1-2 năm tới".
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, vừa xác nhận với báo chí về đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét nới "room" ngoại. Việc nới "room" ngoại sẽ thực hiện theo lộ trình cụ thể với các mức khác nhau, có thể là tăng tỷ lệ sở hữu lên 30%, sau đó lên 35% và 40%.
Đề xuất này của Vietinbank được đặt ra trong bối cảnh Chính phủ đã đồng ý cho nới "room" ngoại đối với một số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Lĩnh vực được nới sở hữu, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại cũng được mở rộng với mức tối đa 100%. Tuy nhiên, theo ông Thọ, đây mới chỉ là đề xuất và quyết định phương án nới room cuối cùng do Chính phủ và NHNN quyết định, làm sao đảm bảo Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối trên 51% vốn.
Sau sáp nhập PGBank, hiện Vietinbank có vốn điều lệ hơn 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu của Vietinbank hiện khá "cô đặc", cụ thể: Nhà nước là cổ đông lớn nhất - sở hữu 64,46% vốn điều lệ, tương ứng 2.400 triệu cổ phần. Tiếp đó, 3 cổ đông ngoại là Bank of Tokyo-Mitsubishi (BTMU) nắm 19,73%, IFC Capitalization nắm 5,39%, International Finance Corporation nắm 2,63%. Tổng sở hữu của khối ngoại hiện là 27,75%. Còn lại, 1,15% cổ phần thuộc sở hữu của công đoàn ngân hàng Vietinbank và 6,64% của các cổ đông khác.
Với cơ cấu cổ đông này, có thể thấy, đề xuất nới room theo lộ trình của Vietinbank lên 30% hay tối đa tới 40% cũng không phải khoảng cách quá xa. Tức, mức độ mở room cao nhất là thêm khoảng 12,25%, tương ứng 455,64 triệu cổ phần, giá trị mệnh giá xấp xỉ 4.556 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông tháng 4/2015 vừa qua, Vietinbank đã chốt kế hoạch tăng vốn lên 49.000 tỷ đồng, song ngoài phương án tăng vốn nhờ sáp nhập, hiện chưa rõ ngân hàng sẽ tăng vốn bằng cách nào, trong khi chỉ còn 4 tháng nữa để tăng vốn thêm gần 9.000 tỷ đồng.
Kiểm soát sở hữu
Nếu ngân hàng muốn tăng vốn nhờ phát hành cổ phiếu cho nước ngoài, tối đa được 12,25% (nếu nới room lên 40%) thì cần Đại hội cổ đông bất thường gần nhất thông qua sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù chưa có thông tin gì rõ ràng về kế hoạch nới room ngoại, hay chủ trương tăng sở hữu ở lĩnh vực ngân hàng, nhưng lãnh đạo Vietinbank vẫn bày tỏ mong muốn sẽ có điều kiện thu hút thêm nhà đầu tư mới, nguồn vốn, hỗ trợ lâu dài của đối tác.
Trước đó, năm 2012, Vietinbank đã có bước đi bất ngờ khi bán gần 20% cổ phần cho đối tác ngoại BTMU, thu về khoảng 743 triệu USD (tương đương 15.500 tỷ đồng). Khi ấy, Vietinbank đã phát hành cổ phiếu mới để bán cho BTMU, giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ lên 32.661 tỷ đồng và vốn tự có tăng lên khoảng 45.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, Vietinbank vươn lên trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất và sở hữu khối ngoại lớn nhất.
Thực tế, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, rất ít ngân hàng có thể phát hành cổ phần thành công với số lượng lớn cho cổ đông ngoại. Lo ngại mở room quá nhanh, quá lớn sẽ ảnh hưởng tới an ninh ngân hàng, cả hệ thống nên Chính phủ, NHNN đều rất thận trọng, cân nhắc thời điểm phù hợp. Điều này được thể hiện trong việc xem xét, phê duyệt và gạt bỏ các đề xuất nới room khối ngoại ở một số nhà băng, nhất là nhóm yếu kém, đang cần tái cơ cấu…
Đơn cử, lãnh đạo Ngân hàng DongABank vừa bày tỏ mong muốn xin tăng sở hữu nước ngoài lên 49% vốn điều lệ, nhằm có nguồn lực để tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, DongABank đã bị đặt vào diện "kiểm soát đặc biệt" sau khi có kết quả thanh tra các sai phạm của giai đoạn từ năm 2012 trở về trước. Kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 6.000 tỷ đồng đã hai lần bị lỡ hẹn. Song, việc tăng sở hữu khối ngoại tới 49% là điều chưa có tiền lệ ở ngân hàng.
Tại Đại hội cổ đông bất thường vừa qua, ông Đoàn Văn An, nguyên Tổng giám đốc GPBank, cũng cho biết, đã xúc tiến tìm việc và thương thảo để bán hết 100% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc bán cho nước ngoài sẽ giúp GPbank có tiền để giải quyết các khó khăn, xử lý nợ xấu, cấu trúc lại… Đặc biệt, sẽ giúp cổ đông "có chút gì đó" thay vì trắng tay như cổ đông Oceanbank, VNCB.
Song, khi GPBank bị "quốc hữu hóa" thì ý định mở cửa cho nước ngoài của các chủ ngân hàng này cũng đành bỏ dở.
Hai câu chuyện này cho thấy, dù ngân hàng yếu hay khỏe thì vẫn có nhà đầu tư nước ngoài mong muốn, thiết tha sở hữu cổ phần với tỷ lệ tối đa. Còn với riêng Vietinbank – ngân hàng niêm yết và hoạt động hiệu quả, thì việc sở hữu cổ phần không chỉ là ở giá trị cổ phiếu, mà còn là những lợi thế, lợi ích khi thâm nhập vào thị trường tài chính Việt Nam.
Thời báo kinh doanh