MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cần xem xét lại thời hạn giải ngân, lãi suất"

21-03-2016 - 07:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Ngọc Thành , Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam trả lời phỏng vấn về vấn đề kết thúc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc giải ngân vào ngày 1-6-2016 và sau thời điểm này, lãi suất khoản vay chưa giải ngân sẽ áp dụng theo lãi suất thương mại theo thỏa thuận hiện đang được dư luận hết sức quan tâm. Xin cho biết nhận định về vấn đề này?

Đối tượng gặp vướng mắc liên quan đến việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu là người tiêu dùng. Hầu hết họ đều lo lắng và có nhiều thắc mắc rằng NHNN đưa ra gói 30.000 tỷ đồng, nếu xác định đó là gói tín dụng ưu đãi thì tại sao không thực hiện trọn vẹn mà lại có sự giới hạn (như giới hạn về thời gian, lãi suất ưu đãi), điều này không phản ánh được thực tế sự chuyển động của dòng chảy nhà ở xã hội.

Thứ hai, chính sách này thiếu tính nhất quán, điều này tác động đến tâm lý tiêu dùng. Không chỉ tạo cho người dân tâm lý mình bị thiệt thòi mà nó còn làm cho họ thấy thiếu tin tưởng vào chính sách có tính đặc thù của Nhà nước đối với các đối tượng trong xã hội.

Có lẽ, NHNN nên xem xét lại về việc áp dụng thời hạn và lãi suất của gói tín dụng này. Bên cạnh đó, trong một phát biểu trước đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho biết, nếu hết nguồn gói 30.000 tỷ đồng thì Nhà nước sẽ có những gói tín dụng hỗ trợ nhà ở khác, đấy là mục tiêu của việc thực hiện hiện chính sách nhà ở xã hội. Mục tiêu là không chỉ dừng lại ở gói 30.000 tỷ này. Chúng tôi cho rằng đó là hướng đi đúng, tạo ra niềm tin lớn cho xã hội.

Ngoài ra, trong quan hệ tín dụng thông thường, nếu lỗi thuộc về người tiêu dùng (ví dụ người tiêu dùng có vi phạm trong quá trình thực hiện gói tín dụng) thì họ phải gánh chịu hậu quả của nó, nhưng ở đây người tiêu dùng không có lỗi nào cả. Vì vậy, họ cần những người làm chính sách, những người quản lý nhìn vào thực tế xã hội để đưa ra những chính sách phù hợp hơn.

Nhiều ngân hàng không quy định rõ mức lãi suất áp dụng sau ngày 1-6 -2016 trong các hợp đồng tín dụng theo như yêu cầu của NHNN. Vậy trách nhiệm của các ngân hàng trong việc này như thế nào?

Ở đây chúng ta phải tách ra các vấn đề. Một là quy định về chính sách, hai là quy định của hợp đồng tín dụng. Nếu nói quy định của hợp đồng tín dụng về thời hạn và mức lãi suất áp dụng không rõ ràng là có phần đúng, vì ngân hàng đã không cảnh báo, nhắc nhở giúp người vay có sự lựa chọn, từ đó có thể thu xếp khoản trả để đảm bảo quy định chung. Tôi cho rằng đây là lỗi kỹ thuật của ngân hàng. Về phía người dân, nhiều người không nghĩ sẽ có sự thay đổi để có sự lưu ý về thời hạn của lãi suất. Theo tôi, Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách tín dụng với các đối tượng đặc thù như người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.

Đã có nhiều cách lách luật để hưởng ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng. Đối với đối tượng là DN, ông có nghĩ đến việc họ cũng tìm cách “lách luật” để “né” lãi suất cao sau 1-6 không, thưa ông?

Tôi cho rằng chúng ta không nên nhìn dưới góc độ là ai lách, mà cần quan tâm vì sao chúng ta không quản lý được. Thực tế do chúng ta đưa ra những quy định không chặt chẽ, bất hợp lý thì người ta sẽ lách, sẽ đối phó. Cá nhân tôi cho rằng, nếu đánh giá một cách khách quan thì người dân có thể lách luật để hưởng ưu đãi, nhưng các nhà đầu tư khó có thể lách được. Các nhà đầu tư tạo điều kiện để người dân “lách” được một mặt là hỗ trợ người vay, mặt khác cũng có lợi cho chính mình và quan trọng hơn mục đích cuối cùng là sử dụng đúng mục đích đưa ra của gói tính dụng này. Song như vậy sẽ thiếu an toàn cho người dân. Chính sách hiện đang bộc lộ những khiếm khuyết và cần có những điều chỉnh để hợp lý và chặt chẽ hơn.

Từ những hạn chế của gói 30.000 tỷ đồng trong suốt quá trình thực hiện, ông có kiến nghị gì để rút kinh nghiệm cho việc ban hành, triển khai những gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội trong thời gian tới?

Trước hết, tôi cho rằng chính sách nhà ở xã hội không nên là chính sách có tính thời vụ mà cần xây dựng chính sách này có tính chiến lược, lâu dài, có mục tiêu lớn. Gói chính sách 30.000 tỷ đồng chỉ là khởi điểm cho việc thực hiện chính sách tín dụng đối với đối tượng sử dụng nhà ở xã hội, không phải là chính sách duy nhất. Đề nghị Nhà nước bổ sung gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo, các chính sách phải có tính liên tục và nhất quán.

Hai là, rút kinh nghiệm của gói 30.000 tỷ đồng khi gói này vận hành có quá nhiều bất cập. Chúng ta đã khắc phục dần, hiện giờ đã tạo ra dòng chảy, tuy nhiên tốc độ của nó là không cao. Vì thế đề nghị tiếp tục có những quy định dễ dàng, thông thoáng hơn nữa cho người vay, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

“Trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì NHNN cần hướng dẫn giải quyết theo hướng sau thời hạn 1-6-2016, các khách hàng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đã được cam kết cho vay vốn ưu đãi mà chưa giải ngân hết được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan sớm triển khai khoản tín dụng ưu đãi thường xuyên để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế:

“Để tránh những vướng mắc như gói 30.000 tỷ đồng, khi ban hành chính sách, các bên cần ngồi lại để thống nhất với nhau các quy định liên quan, đừng để khi đưa ra rồi “ông đi đằng ông tôi đi đằng tôi”, bởi ngay cả các ngân hàng cũng có quy định ngược chiều nhau. Nên lấy ý kiến của các bên liên quan, để khi áp dụng chúng ta đã có bộ cẩm nang tín dụng sẵn sàng, không phải đến khi thực hiện mới vỡ lẽ.

Bên cạnh đó, vào giai đoạn sau gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới được tiến hành nhanh, những năm đầu rất lình xình. Thủ tục, điều kiện không hoàn hảo đã làm chậm tiến độ thực hiện. Vì vậy, rút kinh nghiệm, ngay từ đầu mọi thứ phải được thống nhất và đảm bảo sẽ được tiến hành thuận lợi nhất”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM:

“Trong giai đoạn thị trường BĐS đã phục hồi và tăng trưởng như hiện nay, mặc dù không cần thiết tiếp tục chính sách ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư và tổ chức tín dụng trong việc giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu.

Nhưng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp ở đô thị luôn luôn là đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận nhà ở. Từ ngày 1-6-2016 trở đi, tuy đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được thực hiện các chính sách theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 25/2015/TT-NHNN của NHNN, tuy nhiên do nguồn nhà ở xã hội không nhiều, nguồn cung quá thấp nên nhiều đối tượng người thu nhập thấp ở đô thị sẽ khó tiếp cận.

Như vậy, rất nhiều người thu nhập thấp ở đô thị rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và trước mắt, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là cứu cánh hiện nay để tạo lập nhà ở. Do vậy, Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị NHNN cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (không ấn định thời hạn) để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp ở đô thị tạo lập nhà ở”.

Theo T.H (ghi)

Theo Thu Hiền

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên