Cấp phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối: Chặn rủi ro từ gốc
Các TCTD chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép. Đây là thông điệp đồng thời là quan điểm xuyên suốt trong các dự thảo thông tư NHNN soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến.
Không có cơ hội “tiền trảm hậu tấu”
Chủ trương này nhằm đồng bộ hóa với việc tái cấu trúc mô hình hoạt động của TCTD được điều chỉnh ngay từ việc tái cấu trúc các loại cấp phép của NHNN để chính sách và thực tiễn không bị lệch pha.
Một trong những văn bản thu hút sự chú ý của dư luận vừa qua là việc NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2011/TT - NHNN (Thông tư 40) quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của các TCTD. Như nhiều ý kiến nhận định là NHNN sẽ xốc lại hoạt động cấp phép theo hướng cơ quan quản lý cho phép mới được làm, không tạo cơ hội cho các TCTD kinh doanh theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.
Một chuyên gia NH cho biết, giấy phép hoạt động hiện hành của NH không ghi chi tiết nên các NH cho rằng được kinh doanh những gì pháp luật không cấm và đã không xin giấy phép cho từng loại hình nghiệp vụ. Nhưng sau một vài vụ việc bộc lộ kẽ hở chính sách, quan điểm rõ ràng của NHNN qua Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 40 lần này là: do tính chất đặc thù trong hoạt động của mình, các TCTD không được tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được NHNN cấp.
Nằm trong tổng thể mục tiêu đổi mới hoạt động cấp phép được quy định tại Thông tư 40, đồng thời hạn chế rủi ro trong các hoạt động ngoại hối và phái sinh, mới đây Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đã soạn thảo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Hiện nay, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của TCTD cho khách hàng đang thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2008/TT-NHNN (Thông tư 03). Với sự vận động của thị trường và do Thông tư 03 ban hành đã lâu nên có nhiều điểm không còn phù hợp. Nhưng ngoại hối – một mảng kinh doanh quan trọng của các TCTD, vốn là vấn đề chưa khi nào nguội, ngay cả khi tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài vừa qua. Chính vì vậy, việc sửa đổi Thông tư này không hề đơn giản.
Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN cho biết, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 03 có những thay đổi căn bản: Thay vì phân loại cấp phép trong nước và quốc tế, tại Dự thảo Thông tư này, NHNN không phân biệt yếu tố nội, ngoại mà phân theo các nghiệp vụ cơ bản và nghiệp vụ phức tạp. Và bởi, các nghiệp vụ ngoại hối rất phức tạp trên cả thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế, chứa đựng rủi ro cao, nên cơ quan quản lý đưa ra những yêu cầu khá chặt chẽ.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định tới 3 “nấc” điều kiện: ở nấc thứ nhất, NHNN sẽ xem xét, cho phép thực hiện có thời hạn đối với từng trường hợp cụ thể hoặc theo từng sản phẩm cụ thể trên cơ sở các NHTM đáp ứng đủ điều kiện và hồ sơ. Nấc thứ hai, nếu hết thời hạn theo quy định, NHNN có thể tiếp tục xem xét gia hạn theo đề nghị của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài (NHNNg) đã được cấp phép nhưng trên cơ sở đáp ứng điều kiện cần thiết theo quy định để tiếp tục thực hiện các hoạt động này. Nấc thứ ba, NHNN xem xét đánh giá lại thị trường và ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc kinh doanh các sản phẩm phái sinh để các TCTD thực hiện khi đáp ứng đủ điều kiện.
Nói cách khác, việc cấp phép là theo từng nấc thang. Sau mỗi nấc thang đó, NHNN sẽ xem xét cấp phép cho hoạt động này ở một nấc cao hơn.
Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Dự thảo Thông tư trên cũng bổ sung, nâng cao một số điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, đồng thời bổ sung một số điều kiện nhằm tăng cường khả năng quản lý rủi ro cho các TCTD như: TCTD phải có quy định nội bộ về quy trình thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối; có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành quản lý rủi ro đối với từng nghiệp vụ ngoại hối.
Ngoài ra, Dự thảo quy định các TCTD, chi nhánh NHNNg chịu trách nhiệm thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá về các đối tác nước ngoài để có điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của TCTD. Quy định này nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TCTD, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho bản thân các TCTD khi kinh doanh các hoạt động rủi ro nhưng vẫn có thể kiểm soát, quản lý được.
Đối với các nghiệp vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế có liên quan đến đối tác nước ngoài, để đảm bảo an toàn và chủ động linh hoạt cho TCTD, Dự thảo Thông tư bổ sung điều kiện về đối tác nước ngoài, nơi TCTD mở tài khoản tiền gửi phải là đối tác được đánh giá xếp hạng ở “Mức đầu tư” (Investment Grade) trở lên theo các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn và uy tín trên thế giới như Standard and Poor’s, Moody’s hay Fitch Ratings. Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo là kể cả NH Hợp tác xã và NH chính sách cũng chịu sự điều chỉnh của Thông tư mới.
Vậy, khi Thông tư mới được ban hành các TCTD đã được cấp phép cung ứng dịch vụ ngoại hối theo Thông tư 03 phải làm gì để tiếp tục được cung ứng dịch vụ này? Các nghiệp vụ ngoại hối cơ bản mà TCTD đã được phép thực hiện đương nhiên được chuyển đổi sang Giấy phép cấp đổi, bao gồm: các nghiệp vụ ngoại hối trên thị trường trong nước đã được liệt kê tại Thông tư 03 và một số nghiệp vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế như thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ giao ngay… Ngoài các nghiệp vụ nêu trên, đối với các nghiệp vụ ngoại hối khác, kể cả các nghiệp vụ đã được NHNN cho phép thực hiện, TCTD, chi nhánh NHNNg phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Dự thảo Thông tư và nộp hồ sơ để được NHNN xem xét, cho phép thực hiện có thời hạn.
Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN cho rằng, vì các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối khá phức tạp nên thời gian chuyển đổi giấy phép đối với các TCTD được Dự thảo Thông tư quy định cho phép kéo dài lên tới 12 tháng. Khi Thông tư được chính thức ban hành sẽ tạo bước ngoặt trong hoạt động cấp phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, đáp ứng đúng yêu cầu kỳ vọng của thị trường và các thành viên tham gia. “Việc NHNN cấp phép một cách chặt chẽ sẽ vừa đảm bảo thị trường vận hành tốt, vừa kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh từ thị trường này” – ông nói.
>>> Có nên nới biên độ tỷ giá để thị trường tự điều chỉnh?