CEO ABBank: Muốn “hái ra tiền”, người lãnh đạo trước hết phải nghĩ tới cái chung
CEO của Ngân hàng An Bình chia sẻ, bản thân ông luôn tâm đắc với câu nói: “Điều quan trọng nhất không phải là bạn đang đứng ở vị trí nào mà là bạn đang đi về đâu”.
Nhân dịp đầu xuân mới Ất Mùi 2015, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở về cuộc sống, công việc và những kỳ vọng ở năm mới.
PV: Xin chào anh Hiếu, năm mới chúc anh thật nhiều sức khỏe và vạn sự như ý! Theo tử vi thì năm nay tuổi ngựa của anh sẽ là tuổi có khả năng hái ra tiền nhiều nhất trong 12 con giáp. Là người nắm quyền điều hành cao nhất ở ABBank, cảm giác của anh thế nào khi nghe như vậy? Anh có tin vào tử vi hay không?
CEO Phạm Duy Hiếu: Cám ơn bạn và xin chúc tòa soạn một năm mới thành công, tiếp tục cung cấp những thông tin hữu ích và nhanh nhạy tới độc giả cả nước.
Quả thực tôi cũng cảm thấy khá hào hứng và đặt nhiều mong đợi vào năm Ất Mùi 2015. Tuy nhiên, khả năng “kiếm tiền” của một tổ chức là khả năng của một hệ thống bộ máy vận hành, trong đó ảnh hưởng một cá nhân chỉ có đóng góp thực sự khi hòa chung vào sức mạnh này. Vì vậy, tôi cho rằng muốn “hái ra nhiều tiền”, trước hết người lãnh đạo phải biết nghĩ tới cái chung, vì cái chung mà phụng sự, cống hiến.
Trong quá trình phát triển một cá nhân, một tổ chức thì những thất bại luôn đem đến những bài học quý giá và suôn sẻ không phải lúc nào cũng là tốt. Với cách nhìn như vậy thì năm nào cũng là năm phát triển đối với chúng ta và không loại trừ bất cứ một ai, nam hay nữ, già hay trẻ, tuổi ngựa hay không tuổi ngựa.
Còn chuyện có tin vào tử vi hay không, Tôi nghĩ rằng, những nhà lãnh đạo, những người làm kinh doanh ai cũng đều có tín ngưỡng và niềm tin riêng của mình. Bản thân tôi, tôi tin vào các quy luật tự vận động của vũ trụ, quy luật của tự nhiên, quy luật nhân sinh; trong đó tử vi là một phương pháp dự đoán có tính toán các quy luật này được truyền lại từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, hiểu biết của con người là hữu hạn nên phương pháp này cũng sẽ có những nhược điểm của nó. Vì vậy, tin tưởng tuyệt đối vào tử vi sẽ là một sai lầm
Là CEO của ngân hàng thường đứng trước áp lực công việc rất cao, vậy anh làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc?
Trách nhiệm của một người lãnh đạo doanh nghiệp thật sự rất áp lực. Tuy nhiên, trở về nhà sau một ngày dài làm việc, tôi thường để lại hết những căng thẳng, những vướng bận của công việc ở phía sau cánh cửa. Ở bên gia đình hãy dành cả trí óc và trái tim cho gia đình, ở công ty hãy dành cả trí óc và trái tim cho công việc. Đó chính là cách giúp tôi cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc.
Một bí quyết nữa mà tôi cũng muốn chia sẻ, đó là việc hãy học cách quản lý thời gian một cách khoa học. Nên tập trung vào những công việc tạo ra giá trị nhất thay cho việc làm tất cả mọi việc – đây là bước 1. Đối với tổ chức, thời gian của đội ngũ, của nhân viên cũng là một nguồn lực đặc biệt quan trọng và cũng cần được quản lý – đây là bước 2. Điều kỳ diệu xảy ra là khi ta làm tốt bước 1 thì bước 2 cũng sẽ tốt. Bước 2 tốt lại tạo điều kiện cho bước 1 tốt hơn nữa. Một tổ chức phát triển bền vững cần phải đạt được sự cân bằng và tương hỗ đó.
Anh có bao giờ đặt mục tiêu cho riêng mình hay không? Tỷ lệ thành công và thất bại thế nào?
Có chứ. Theo quan điểm của tôi, mục tiêu giúp tất cả chúng ta định hướng cuộc đời tới những điều quan trọng nhất. Tôi đã hình thành thói quen lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và cả kế hoạch thực hiện cho bản thân ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học.
Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải luôn giữ, đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu vì đó chính là những viên gạch xây nên thành công. Việc xây dựng mục tiêu phải đảm bảo các tiêu chí SMART (Specific: Mục tiêu phải rõ ràng, Measurable: Có thể đo lường được, Achievable: Có thể đạt được, Relevant: Thích hợp và Time: Có một mốc thời gian cụ thể). Tuy nhiên, hãy thử hình dung thế này, có người luôn muốn trở thành một nhà văn, nhưng lại hiếm khi cầm bút; có người muốn nghỉ hưu sớm, nhưng lại chìm đắm trong nợ nần; người thì muốn có một cơ thể thon gọn, nhưng lại luôn chiều theo sở thích về khẩu phần ăn và ít vận động… Vì vậy, đặt ra mục tiêu thôi thì chưa đủ, còn cần phải quyết tâm và nỗ lực hết sức để hoàn thành chúng.
Còn về tỷ lệ thành công-thất bại, tôi quan niệm rằng mỗi thất bại có thể sự chuẩn bị cho thành công tiếp theo.
Trong cuộc sống, có câu nói hay chân lý nào mà anh tâm đắc hay không?
Như chia sẻ ở trên, tôi luôn cố gắng giữ cho mình có ít nhất là một mục tiêu để phấn đấu, vì vậy, trong cuộc sống nói chung, tôi luôn tâm đắc với câu nói: “Điều quan trọng nhất không phải là bạn đang đứng ở vị trí nào mà là bạn đang đi về đâu”.
Còn trên khía cạnh công việc và nghề nghiệp, câu nói của John C.Maxwell đã hoàn toàn chinh phục tôi: “Nhà lãnh đạo bình thường muốn nhân viên tin tưởng vào họ. Nhà lãnh đạo xuất sắc giúp nhân viên tin tưởng vào chính bản thân mình”. Nhà lãnh đạo xuất sắc biết chú tâm xây dựng đội ngũ và phát huy sức mạnh của cả đội ngũ. Triết lý này là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của tôi.
Nếu chỉ miêu tả kết quả công việc năm 2014 qua một câu ngắn gọn, anh sẽ nói gì?
Chúng ta chỉ trưởng thành trong khó khăn! Hãy chúc mừng vì điều đó!
Năm 2014 vừa qua tuy vẫn còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và tài chính ngân hàng, nhưng thị trường đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc, tốt hơn. Và vượt qua những thách thức cùng cơ hội phát triển của năm 2014, ABBank tiếp tục giữ được sự bền vững, ổn định, hoạt động hiệu quả; bản thân tôi cũng có những chuyển biến tích cực hơn cả trong công việc và cuộc sống.
Trong xu hướng các ngân hàng đều muốn lớn mạnh theo mục tiêu tái cơ cấu của NHNN, ABBank cũng nhắm tới top các ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, vậy trong thời gian tới kế hoạch của anh?
Năm 2014, ABBank đã ban hành tầm nhìn chiến lược, phát triển với định hướng trở thành Ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. Với sự hỗ trợ kinh nghiệm từ cổ đông nước ngoài Maybank và IFC, chúng tôi đã triển khai hàng loạt các công tác trọng tâm nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực cạnh tranh của ABBank gồm nâng cao năng lực bán hàng, xây dựng cơ chế quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu, củng cố nhận diện thương hiệu và mạng lưới hoạt động.
Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung toàn lực trong công tác tái cơ cấu hệ thống theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời tăng trưởng kinh doanh một cách bền và vững. Các công tác về quản trị rủi ro hiệu quả cũng như chuẩn hóa các hoạt động vận hành của hệ thống theo các chuẩn mực quốc tế vẫn sẽ tiếp tục được ABBank tập trung và phát triển.
Người Việt chúng ta ai cũng có những nguyện cầu cho năm mới, riêng anh chờ đợi gì ở năm 2015?
Bước sang năm 2015, Tôi luôn tin tưởng vào sự phát triển bền vững của ABBank và chờ đợi sự bứt phá mạnh mẽ của Ngân hàng cũng như sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ kế cận giỏi chuyên môn nghiệp vụ và tràn đầy nhiệt huyết.
Trên hết, tôi mong cho sự bình an, may mắn sẽ đến với người thân, gia đình và bạn bè, các đồng nghiệp của tôi.
Vâng, xin cảm ơn sự chia sẻ chân thành của anh! Một lần nữa, kính chúc anh cùng gia đình và ABBank một năm Ất Mùi đại thắng!
Tùng Lâm (thực hiện)
Trí Thức Trẻ