MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO NamABank: Người lãnh đạo phải biết “truyền lửa”

21-10-2014 - 07:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Trần Ngô Phúc Vũ luôn quan niệm, để quản lý một đội ngũ nhân viên thì phải biết “truyền lửa” cho họ.

Tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng đến nay đã được 16 năm, ông Trần Ngô Phúc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank) được biết đến như một nhà quản lý gắn liền phương châm một doanh nghiệp muốn thành công và bền vững phải đi lên từ yếu tố con người.

Duyên phận với nghề ngân hàng

Nghiệp ngân hàng không “bén duyên” với CEO của NamABank ngay từ đầu nhưng lại là nghề gắn bó với ông lâu dài nhất. Ông Vũ chia sẻ, khi mới ra trường, ông không làm ngân hàng mà làm báo chí. Từ nhân viên rồi đến tổ trưởng và trưởng đài của Đài phát thanh truyền hình ở Lâm Đồng, ông Vũ đã “tiến” rất nhanh, nhưng nghiệp này chỉ “có duyên mà không phận” với ông.

Năm 1998, ông Vũ rẽ sang nghề ngân hàng và bắt đầu từ Ngân hàng Phương Đông. Sau đó, những năm đầu thập kỷ 2000, ông cũng có một thời gian công tác trong lĩnh vực địa ốc rồi chế biến chè với chức vụ rất cao là thành viên HĐQT rồi chủ tịch HĐQT. Nhưng, như một lần ông chia sẻ, dường như nghiệp ngân hàng nó là cái “phận”, để rồi ông lại quay về và làm việc ở Sacombank dưới thời của chủ tịch Đặng Văn Thành. Tháng 4/2013, Trần Ngô Phúc Vũ chính thức làm Tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á.

Chú trọng nguồn nhân lực…

Từ khi công tác tại Sacombank ông Vũ đã được biết đến với phương thức quản lý tập trung vào con người. Đến khi về Nam Á, ông tiếp tục cổ vũ cho phong trào hãy làm việc bằng tất cả trái tim và quan trọng là làm thế nào để người lao động yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho ngân hàng. Bởi theo ông, có như vậy, mọi kế hoạch đặt ra mới kỳ vọng thành công.

Trần Ngô Phúc Vũ luôn quan niệm, để quản lý một đội ngũ nhân viên thì phải biết “truyền lửa” cho họ. Người quản lý cần đưa ra những thỏa thuận, thỏa hiệp với nhau hay nói cách khác là cần có những hành lang cho việc quản lý nhân viên thì tự động sẽ loại dần những cán bộ không theo không kịp. Vì thế, với những nhân viên chỉ “sáng xách cặp đến - chiều xách cặp về” sẽ khó theo kịp và sẽ sớm nản chí, thay vào đó sẽ tạo thêm điều kiện tốt hơn cho những nhân viên đang hăng say với công việc. Từ đó, hiệu quả tạo ra sẽ cao hơn, thay vì chỉ có phương án sàng lọc, cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoạt động.

Thực tế, trong những năm qua, dù hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn, các nhà băng buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí và thậm chí là sa thải hàng loạt nhân viên, nhưng NamABank vẫn không cắt giảm nhân sự và giảm lương mà thậm chí còn đi ngược xu hướng đó. Mới đây nhất, trong tháng 8 ngân hàng đã công bố kế hoạch tuyển hơn 200 nhân sự cho 8 chi nhánh, phòng giao dịch được mở mới cùng với tăng lương cho tất cả các nhân sự

Chia sẻ với người viết bên ly cà phê những ngày đầu thu 2014 nhân dịp ra Hà Nội công tác, ông Vũ nói: “Những thành quả gần đây NamABank giành được chính là minh chứng cho thấy chiến lược của HĐQT trong đề án tự tái cơ cấu là đang đi đúng lộ trình vạch ra. NamABank cũng đang củng cố về mọi mặt, đặc biệt nâng cao cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn lực nhân sự hiện hữu, hướng tới ngân hàng bán lẻ có dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.

…là bệ đỡ cho thành công

Với NamABank, tuy đang trong quá trình tự tái cấu trúc, nhưng hoạt động của ngân hàng khá ổn định và bền vững. Báo cáo về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, NamABank đã tăng hơn 17% về tổng tài sản, huy động vốn tăng hơn 12% và tín dụng tăng trưởng trên 18,5%, nợ xấu chiếm chưa đến 3% trên tổng dư nợ. Là ngân hàng với quy mô còn nhỏ nhưng năm nào NamABank cũng chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm nay, ngân hàng dự kiến nâng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, trước đây ngân hàng thường đặt tiêu chí phát triển lên hàng đầu, nhưng hiện tại thì yếu tố an toàn phải được đặt lên trước nhất. Có an toàn mới có thể phát triển và bền vững.

“Với hoạt động tín dụng, nếu tìm kiếm được những khách hàng cần vốn thực sự và không có tiêu cực từ các nhân viên tín dụng thì việc trả nợ sẽ không có rủi ro. Vì với vai trò là người đi vay, họ cũng rất sợ áp lực trả nợ. Do đó, việc định hướng nhân viên và truyền lửa cho họ để cống hiến hết mình cho công việc là điều quan trọng đối với người lãnh đạo”, ông Vũ nói.

Ông Vũ cũng đưa ra quan điểm, không phải chỉ với ngân hàng quy mô lớn mà ngay cả ngân hàng vừa và nhỏ, nếu lành mạnh, quản trị rủi ro, quản trị điều hành tốt, hoạt động minh bạch và tăng trưởng bền vững thì việc tạo được uy tín với khách hàng là không khó, người dân gửi tiền cũng yên tâm. Chính điều này cũng sẽ tạo được cơ sở để thực hiện kế hoạch đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Vì thế, điều quan trọng nhất với người lãnh đạo là làm thế nào để định hướng được các nhân viên của mình hiểu và tin tưởng vào tương lai phát triển ngân hàng mới mong thành công.

Với phương châm quản lý như vậy, CEO của NamABank đã nhanh chóng “thổi” luồng sinh khí mới vào tập thể nhân viên ngân hàng Nam Á. Hơn 16 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính cùng các chức vụ trọng yếu tại nhiều ngân hàng, dù ngồi vào ghế nóng ở NamABank trong giai đoạn có thể được xem là khó khăn nhất của ngành ngân hàng (từ khủng hoảng cho đến làn sóng M&A và thanh lọc hệ thống), nhưng hơn 1 năm qua, CEO của Nam Á đã “giữ vững tay chèo” đưa ngân hàng thoát khỏi khó khăn và tự mình vươn lên bằng một nền tảng vững chắc.


Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên