Chậm nhịp tiến trình tái cơ cấu
Theo TS Lê Đạt Chí, Thông 09 sửa đổi, bổ sung làm kéo dài thời gian nuôi nợ trong khi các món nợ đó đang có vấn đề một cách trầm trọng.
Khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN sẽ chính thức áp dụng vào ngày 1-6-2014, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư này. Trao đổi với ĐTTC, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính - Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định những sửa đổi, bổ sung của Thông tư 09 sẽ làm chậm nhịp tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc ban hành Thông tư 09 là bước đệm cần thiết cho các NHTM đang trong tình trạng bế tắc đầu ra. Nhưng như vậy có làm chậm tiến trình tái cơ cấu NH?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Một trong những giải pháp tái cấu trúc hệ thống NHTM mà NHNN đang làm là hợp nhất, sáp nhập để giảm tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau, giảm các NH yếu để trở thành các NH lớn mạnh, đảm bảo thanh khoản bởi thanh khoản là vấn đề cốt yếu nhất khi xảy ra khủng hoảng. Như vậy, tái cấu trúc hệ thống NHTM là để an toàn hơn, nếu khủng hoảng xảy ra, người dân rút tiền lập tức hệ thống NH đủ đáp ứng; đảm bảo an toàn cho hệ thống, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, mà một trong những vấn đề quan trọng nhất của tỷ lệ an toàn vốn là nợ xấu.
Song, muốn tái cấu trúc phải để nợ xấu thể hiện ra. Và để xử lý nợ xấu NHNN đã thành lập VAMC. Theo quy định của VAMC, nếu tỷ lệ nợ xấu của một NH vượt quá 3% buộc phải bán nợ xấu cho VAMC, bởi nếu không buộc khó có NH nào tự nguyện bán nợ cho VAMC. Thông tư 02 ra đời nhằm mục đích làm việc minh bạch nợ xấu đúng thực hơn, giúp hệ thống thể hiện bản chất thật sự của nợ xấu.Thế nhưng, Thông tư 09 ra đời lại nới lỏng các quy định, kéo dài thời gian, điều này đồng nghĩa với việc để cho các NH tiếp tục che giấu nợ xấu, dẫn đến giải pháp mua bán nợ của VAMC không đạt mục tiêu. Điều đó sẽ cản trở tái cấu trúc triệt để hệ thống NH, khiến tiến trình này chậm lại.
Đơn cử Thông tư 02 ép NH phải đưa tỷ lệ nợ xấu công khai cho đúng, trong đó quy định 1 doanh nghiệp (DN) đã có nợ xấu ở NH này không thể có tiêu chí loại tốt ở NH khác, nhưng Thông tư 09 sửa đổi vẫn cho phép điều đó xảy ra. Nếu tư duy còn đứng ở xuất phát điểm là dự án vay nợ chứ không đánh giá một thực thể trên tổng thể một công ty sẽ xảy ra tình trạng mỗi công ty có nhiều dự án, dự án A đang đi vay nợ NH này để đầu tư sản xuất, dự án B vay NH khác. Như vậy họ có thể chuyển tiền từ dự án này sang dự án khác để trả nợ NH này và cho một NH khác bị nợ xấu. Cứ thế, DN sẽ bày ra dự án A, dự án B, dự án C… để vay nợ tràn lan.
Do vậy, việc sửa đổi Thông tư 09 sẽ làm lỏng lẻo, không minh bạch hóa DN cũng như cách đánh giá siết nợ, sự dịch chuyển quản trị dòng tiền ở trong DN và vai trò của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) không phát huy được.
- Như vậy với Thông tư 09 chưa cần thiết phải phơi bày nợ xấu đến tận cùng nên có thể NH sẽ tiếp tục cho vay tiếp theo kiểu “nuôi nợ để đòi nợ”. Quan điểm của ông như thế nào?
- Quả thật Thông 09 sửa đổi, bổ sung làm kéo dài thời gian nuôi nợ trong khi các món nợ đó đang có vấn đề một cách trầm trọng. Hiện nay, một DN có quan hệ với rất nhiều NH. Khi cấp tín dụng cho DN, bất cứ NH nào cũng nói kiểm soát được dòng tiền ra, nhưng thực chất chỉ kiểm soát như tiền vay chi lương, chi thanh toán phải qua NH chứ không cho rút tiền mặt.
Nhưng khi vay được tiền, DN chi trả cho ai là quyền của họ và NH nào gây áp lực trước, DN sẽ trả trước, NH nào áp lực sau trả sau. Bằng cách quan hệ với nhiều NH cùng một lúc sẽ giúp “kỹ thuật” đảo nợ của DN tốt hơn. Đây là một trong những tình trạng gây ra nợ xấu mà hiện nhiều DN phải “đu” theo để nuôi nợ.
- Nếu như vậy nợ xấu của Việt Nam có thể lên trên 10% như 1 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế công bố và bị NHNN phản bác trước đây?
- Về cách tính nợ xấu, mỗi tổ chức đều dựa trên một số tiêu chí để phân loại đánh giá nợ xấu. Vừa rồi, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's dựa trên những tiêu chuẩn của họ cho nên đánh giá mức nợ xấu của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Còn ở Việt Nam, NHNN đang điều hành dựa trên một tiêu chí khác.
Do 2 bộ tiêu chí này hoàn toàn không giống nhau nên đưa ra con số khác nhau là chuyện bình thường. Nhưng sự thật là bản thân NHNN cũng thừa nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn công bố, tức NHNN cũng nhìn thấy nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với nợ xấu báo cáo của các NHTM. Như vậy, có thể tiêu chí khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau, nhưng NHNN cần phải nghĩ đến việc làm thế nào để nợ xấu giảm xuống hơn là tranh luận tỷ lệ nợ xấu bao nhiêu.
- Một số ý kiến cho rằng việc sửa đổi Thông tư 09 sẽ gây ra rủi ro chính sách, làm niềm tin của thị trường bị tổn thương, ông nghĩ sao?
- Đúng vậy. Bởi quy trình ban hành Thông tư 02 đã diễn ra suốt một quá trình trước đó, NHNN đã lấy ý kiến từ phía bị tác động là NHTM nhưng NHTM không có ý kiến, rồi trải qua quá trình dự thảo, chỉnh sửa, tiếp thu. Đến khi Thông tư 02 đưa ra, NHTM không thực hiện được lại làm áp lực ngược lại NHNN và NHNN lại sửa đổi.
Chúng ta đã sửa đổi rất nhiều thông tư, chẳng hạn Thông tư 13 về tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn trong hoạt động của TCTD đã từng rầm rộ trên thị trường sửa thành Thông tư 19; hay lại ban hành Thông tư 22 hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động được quy định tại Thông tư 13, rồi sửa đổi, bổ sung sau đó bởi Thông tư 19.
Bây giờ đến Thông tư 02 lại sửa đổi thành Thông tư 09, trước đó lại có Quyết định 780 về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả, gia hạn nợ. Cả một quá trình như vậy gây ra rủi ro chính sách vì tính kiên định không cao, bởi chỉ cần gây áp lực là chỉnh sửa.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Yên Lam