MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chạy" 02 né nợ xấu

27-12-2013 - 06:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi NHNN hoãn áp dụng Thông tư 02 (TT02) về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến ngày 1-6-2014, nhiều NH cho rằng nên hoãn thêm một thời gian nữa vì kinh tế nói chung còn khó khăn.

 Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng áp dụng TT02 mới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Tranh thủ bán nợ xấu

TT02 được Thống đốc ban hành ngày 21-1-2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Theo các chuyên gia, TT02 là bước tiến mới về quản lý nhằm củng cố hệ thống, tiếp cận gần hơn với chuẩn mực quốc tế, tạo hành lang chặt chẽ, sát thực, độ an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các TCTD qua việc phân loại nợ và xử lý nợ xấu.

Thời điểm này, các NH nên thực hiện giải pháp bán nợ cho VAMC, kể cả các khoản nợ xấu của các ông chủ NH để giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, tạo thanh khoản tốt và có thể giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro cho NH.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Khi TT02 được áp dụng, chất lượng tín dụng, tài sản và những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống NHTM sẽ lộ diện đầy đủ. Từ đó, việc ứng xử với NH và doanh nghiệp sẽ hợp lý hơn. Song thay vì áp dụng vào ngày 1-6-2013, NHNN đã quyết định lùi thời gian thực hiện TT02 đến ngày 1-6-2014.

Việc hoãn này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp NHTM có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ TT02.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số NHTM đã thử phân loại nợ theo TT02 và thừa nhận nợ xấu tăng vọt, chi phí trích lập dự phòng cũng tăng lên tương ứng. Trước áp lực đó, từ đầu năm đến nay, các NH ráo riết tự xử lý nợ xấu, như cơ cấu lại các khoản nợ theo Quyết định 780 về trích lập dự phòng rủi ro; xử lý các khoản vay quá hạn có tài sản đảm bảo và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Trong đó, NH nhận thấy bán nợ xấu cho VAMC sẽ giảm bớt được gánh nặng hơn so với các giải pháp tự xử lý nợ xấu. Theo số liệu mới nhất của NHNN, tổng nợ xấu đang theo dõi nội bảng khoảng 142.000 tỷ đồng, chiếm 4,55% tổng dư nợ. Số nợ các TCTD cơ cấu lại theo Quyết định 780 khoảng 316.800 tỷ đồng, ước bằng 10% dư nợ.

Khi TT02 được áp dụng, số nợ được cơ cấu sẽ trở về đúng vị trí và có thể chuyển nhóm nợ cao hơn, nên con số nợ xấu sẽ tăng cao. Do vậy, từ những ngần ngại ban đầu, các NH đã bắt đầu chạy đua bán nợ xấu cho VAMC. Thống kê cho thấy chỉ sau 2,5 tháng đi vào hoạt động, VAMC đã mua được 22.863 tỷ đồng của 26 TCTD, tương đương 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc.

Theo quy định, VAMC sẽ mua nợ của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên, nhưng hiện nay các NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% cũng đẩy mạnh bán nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất để tránh tình trạng nợ xấu tăng vọt khi áp dụng TT02.

Chuẩn mới hạn chế nợ xấu

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nếu TT02 được áp dụng, nợ xấu có thể tăng lên 1,5-2 lần so với con số hiện nay. Tuy nhiên, TT02 cần phải thực thi để nợ xấu toàn hệ thống bộc lộ hết ra, từ đó mới đưa ra những giải pháp cụ thể và phù hợp để xử lý nợ xấu cũng như cơ cấu lại toàn bộ hệ thống NH.

Theo đó, các nhà điều hành có thể lựa chọn cách thực hiện bắt buộc NH trích lập dự phòng theo quy định TT02, hoặc tùy điều kiện từng đơn vị sẽ áp dụng mức trích lập khác nhau. Trong 2 cách này, nếu áp dụng trích lập dự phòng rủi ro tùy theo sức khỏe NH sẽ khả thi hơn so với áp dụng quy định chung cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia NH cho rằng nếu NH dọn dẹp được nợ xấu trước khi TT02 được thực hiện sẽ không có vấn đề gì, nhưng đây là việc rất khó khăn. Hiện các NH đang rốt ráo xử lý nợ xấu để “chạy” TT02, trong đó giải pháp bán nợ cho VAMC được chú trọng hơn cả.

Nhưng thực tế, VAMC chỉ mới tiến hành mua nợ theo giá trị sổ sách, tức xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất mà mới thực hiện trên danh nghĩa. Khi bán nợ cho VAMC, bảng tài sản của NH giảm bớt nợ xấu, nhưng nợ xấu của nền kinh tế vẫn không mất đi.

Thực chất, nếu không có dòng tiền thật chảy vào để xử lý các khoản nợ xấu, vấn đề nợ xấu vẫn chưa ngã ngũ và sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính vẫn là mối hoài nghi lớn. Dòng tiền này phải đến từ khách hàng có nợ xấu. Nghĩa là phải tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vực dậy, có điều kiện trả các khoản nợ cũ.

TT02 yêu cầu rất cao về chất lượng tín dụng, nếu áp dụng sẽ làm nợ xấu tăng cao. Trước đây, khoản vay doanh nghiệp không trả được lãi khi đến hạn, khoản vay gốc sẽ chuyển thành nợ quá hạn. Nhưng theo TT02 cả gốc lẫn lãi không trả được đều chuyển thành nợ quá hạn.

Nợ xấu tăng kéo theo trích lập dự phòng tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận NH. Đồng thời, với một số doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, NH vẫn chưa dám cho vay mới, nên khi TT02 áp dụng chắc chắn NH sẽ phải thắt chặt hầu bao hơn nữa để tránh phát sinh nợ xấu và như vậy tín dụng ra nền kinh tế sẽ eo hẹp hơn.

Từ nhận định trên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng vẫn phải áp dụng TT02 để kiểm soát được thực chất rủi ro nợ xấu, chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. NHNN cũng đã khẳng định TT02 sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 6-2014. Và khi các chuẩn mực mới theo tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng, nợ xấu sẽ được nhìn nhận thực chất, từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp để hạn chế nợ xấu trong tương lai.

Theo Bảo Tùng

hangnt

Sài gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên