MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy nước rút “làm sạch” nhà băng

30-07-2015 - 17:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Những ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng và hàng loạt thương vụ sáp nhập đang là điểm nhấn của ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay, khi hạn chót trong kế hoạch dọn dẹp, lành mạnh nhà băng đang cận lề.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, 3 ngân hàng (NH) cổ phần được NH Nhà nước tuyên bố mua lại với giá 0 đồng, giao cho các NH quốc doanh tái cơ cấu, sắp xếp lại.

Nhiều thương vụ sáp nhập khác cũng hoàn thành hoặc vào giai đoạn then chốt khi đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 kết thúc. Mục tiêu đến cuối năm, sẽ không còn NH thuộc diện yếu kém nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng công cuộc “làm sạch” ngành NH mới chỉ ở bước đầu.

Làm gì với những NH 0 đồng?

Hơn 5 tháng sau khi chính thức bị NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, giao cho NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tiếp quản và hỗ trợ toàn diện về quản trị, công nghệ, thanh khoản… NH Xây dựng Việt Nam (VNCB) đang tái khởi động lại các hoạt động kinh doanh. Từ đầu tháng 7-2015, VNCB chính thức công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới là CB, mở chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng gửi tiền.

Dự kiến đầu tháng 8, CB sẽ công bố loạt sản phẩm tín dụng với công nghệ NH chuyển giao từ Vietcombank từ xử lý, giải quyết thủ tục hồ sơ vay vốn... Những hoạt động này đánh dấu sự trở lại của VNCB sau biến cố từ tháng 7 năm ngoái, khi dàn lãnh đạo của NH này bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam và trở thành NH cổ phần đầu tiên bị “quốc hữu hóa”.

Trong khi đó, 2 NH bị mua lại 0 đồng khác là NH TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và NH TMCP Đại Dương (Ocean Bank) vẫn đang được NH TMCP Công thương (Vietinbank) hỗ trợ về thanh khoản, bộ máy quản trị sau khi dàn lãnh đạo 2 NH này bị bắt vì nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động. GPBank là NH cổ phần cuối cùng nằm trong danh sách yếu kém phải tái cơ cấu nhưng trong khoảng 3 năm qua vẫn chưa thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết NH 0 đồng có thể hiểu là mọi quyền lợi của cổ đông NH này trước đó sẽ không còn nhưng quyền lợi của người gửi tiền luôn được đảm bảo. Trách nhiệm của NH này sẽ là xử lý quyền lợi của người gửi tiền và thu hồi nợ.

Trong khi đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích đối với những NH 0 đồng, bước tiếp theo của NH Nhà nước sẽ là bơm tiền ngắn hạn cho NH, bổ sung nguồn lực tài chính, bỏ chi phí để duy trì và cải thiện hiệu quả hoạt động đi cùng với việc tái cấu trúc, làm lành mạnh hóa tình trạng tài chính…

Khi đó, chắc chắn nguồn lực tài chính mà NH Nhà nước phải bỏ ra để bổ sung vốn và trang trải chi phí hoạt động, tiến hành tái cơ cấu không nhỏ như cái giá danh nghĩa 0 đồng mọi người thấy. Nếu theo quy định hiện hành, NH Nhà nước phải bỏ ra ít nhất 3.000 tỉ đồng để đáp ứng yêu cầu vốn pháp định tối thiểu.

“Tuy về pháp luật, không có chuyện nhà nước tịch thu hay quốc hữu hoá NH nhưng để dễ hình dung thì có thể nói tất cả các NH thương mại đều sẽ được cổ phần hoá. Vì vậy, các NH này đang là cổ phần, được tạm thời quốc hữu hoá và sau này chắc chắn sẽ lại được cổ phần hoá trở lại” - luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế, Hiệp hội NH Việt Nam, nhận xét.

Thay cả bình lẫn rượu

Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu, nhìn nhận năm 2015 là năm cuối cùng trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, mà ngành NH là một trong 3 trọng điểm nên việc chạy nước rút là dễ hiểu. Từ đầu năm đến nay, điểm nổi bật nhất là các NH yếu kém bị mua lại 0 đồng và nhiều thương vụ sáp nhập khác được NH Nhà nước phê duyệt. NH Nhà nước đang “làm sạch” qua việc xử lý các NH 0 đồng và “làm gọn” qua việc loại bỏ những NH yếu kém để sáp nhập vào các NH mạnh hơn. “Từ khoảng 40 NH thương mại xuống chỉ còn khoảng 30 NH hiện nay và chặng đường giảm thêm một nửa các NH phải mất thêm vài năm nữa” - TS Hiếu phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định việc chuyển từ một NH cổ phần sang mô hình công ty TNHH một thành viên, con người cũ sang con người mới, cách tiếp cận mới và được các NH quốc doanh có kinh nghiệm, tiềm lực, quản trị, dưới sự hỗ trợ của NH Nhà nước… hoạt động của NH sau khi bị mua lại chắc chắn sẽ tốt hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thay đổi hoàn toàn chủ sở hữu là nhà nước, thay đổi cơ bản sự quản lý, điều hành là các NH thương mại có vốn chi phối của nhà nước, là thay cả “bình” lẫn “rượu”. Có điều, “vỏ” thì đã xong nhưng “ruột” phải mất một số năm chuyển đổi. “Các NH chắc chắn sẽ được khôi phục để trở lại hoạt động bình thường và tốt hơn trước, vì đây là trách nhiệm và danh dự của NH Nhà nước cũng như của 2 NH thương mại có quy mô và uy tín hàng đầu của nhà nước” - ông Đức nhìn nhận.

Quan trọng hơn, với những bước đi quyết liệt và mạnh mẽ của NH Nhà nước sẽ khiến các NH nhỏ khác… “giật mình” để nỗ lực làm tốt hơn, tự mình tái cơ cấu vững chắc hơn. Bản thân những thương vụ sáp nhập khác, NH sau sáp nhập cũng sẽ gia tăng sức cạnh tranh, quy mô hoạt động và mạng lưới phân phối.

Nói thêm về điều này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng việc mua lại các NH của NH Nhà nước mới chỉ là bắt đầu chứ không phải là kết thúc của một biện pháp tái cấu trúc. NH Nhà nước sẽ chịu những thách thức, áp lực và chi phí không nhỏ để có thể tái cấu trúc và lành mạnh hóa tình trạng tài chính của những NH này.

“Tất nhiên, bỏ 0 đồng chưa gọi là “hời” và bỏ thêm chi phí thì cũng chưa gọi là kém hiệu quả. Đây mới chỉ là giá đầu vào, còn lời hay lỗ (tài chính) còn tùy thuộc vào giá đầu ra (tức giá bán) sau này, và quan trọng hơn hết ở góc độ NH Nhà nước là lợi ích kinh tế chứ không thuần túy là lợi ích tài chính” - ông Tuấn lưu ý.

Sau hỗ trợ là sáp nhập?

Trong những thương vụ Vietcombank hỗ trợ VNCB, Vietinbank phụ trách OceanBank và GPBank, sau quá trình hỗ trợ về thanh khoản, quản trị, bộ máy con người… liệu có lộ trình sáp nhập trong tương lai?

Một chuyên gia kinh tế phân tích sau những biến cố ở các NH này, nếu yêu cầu sáp nhập ngay vào Vietcombank hoặc Vietinbank sẽ rất khó bởi tốn kém chi phí nhưng nếu chỉ dùng nguồn lực, kinh nghiệm quản trị để tiếp quản đầu tư, cải tiến lại thì khả năng phục hồi rất lớn. Quan trọng nhất là người gửi tiền và khách hàng không bị thiệt.

Ở góc độ nào đó, Vietcombank và Vietinbank cũng có lợi trong quá trình hỗ trợ bởi thực tế yếu kém của những NH 0 đồng quá nhỏ bé so với tiềm lực của 2 NH này. Và trong tương lai khi các NH yếu kém đã khôi phục lại hoạt động, việc sáp nhập cũng giúp Vietcombank, Vietinbank mở rộng mạng lưới, quy mô…

 

Theo THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên