MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch giá vàng giảm, lợi cho người tiêu dùng

27-02-2016 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Những người lớn tuổi thì vẫn giữ thói quen nắm giữ vàng và khi cần có thể đem đi bán. Bởi vàng cũng có tính thanh khoản cao, lúc cần là bán được và đây được xem là thế mạnh.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Ông có thể đánh giá về diễn biến giá vàng gần đây?Liệu năm 2016 sẽ có nhiều thời điểm người dân quan tâm tới vàng như ngày Vía thần tài?

Sau khi giảm mạnh trong năm 2015, giá vàng thế giới ở mức 1.062 USD/oz và trong nước chỉ còn 32,7 triệu đồng/lượng, giảm 2,48 triệu đồng/lượng so với năm trước đó, thì đầu năm 2016 giá vàng đã có thời điểm tăng mạnh trở lại. Chẳng hạn như ngày 9/2/2016, giá vàng thế giới ở mức 1.197,90 USD/oz, còn giá vàng SJC đã đạt mốc trên 33 triệu đồng/lượng.

Đúng là thị trường vàng đã sôi động trở lại trong ngày Vía thần tài vừa qua, đẩy giá vàng tăng nhẹ khi giá vàng SJC niêm yết ở mức mua vào 33,55 triệu đồng/lượng, bán ra 33,85 triệu đồng/lượng, tăng hơn 200 nghìn đồng.

Tuy nhiên, theo tôi thị trường vàng chỉ sôi động và chỉ tập trung vào ngày Vía thần tài với quan niệm tín ngưỡng, mua vàng vào ngày này mong muốn được cả năm may mắn, chứ bình thường thì người dân cũng không mua nhiều vàng. Lúc này, diễn biến giá vàng vẫn đang tăng giảm khá thất thường và hiện nay vàng SJC ở mức bán ra 33,36 triệu đồng/lượng.

Những ngày qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng thu hẹp, có lúc chỉ còn 300 ngàn đồng/lượng, ông bình luận gì về hiện tượng này?

Sự thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới là khi so sánh với giá vàng mang thương hiệu SJC. Điều đó hợp lý, vì mãi lực thị trường vàng dần ổn định và việc chênh lệch giá vàng giảm có lợi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những chính sách vừa qua của Chính phủ đã nhắm và tác động nhiều tới đối tượng kinh doanh, còn với người dân giữ vàng thì chỉ tương đối và đã bão hòa. Ngoài ra, do các kênh đầu tư khác cũng tốt hơn nên người dân không còn giữ vàng nhiều nữa, vì vậy giá vàng cũng giảm, và chênh lệch với giá thế giới giảm xuống.

Như vậy, có phải kênh đầu tư vàng không còn hấp dẫn người dân?

Như tôi nói, so với các năm trước thì việc giữ vàng không còn thu hút người dân, trong khi đó lãi suất tiền gửi NH thời gian qua đã tăng ở một số kỳ hạn và ở mức hấp dẫn; thị trường địa ốc cũng đang hồi phục. Ngoài ra qua thực tế, có các chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua về vĩ mô đã giải quyết được nhiều việc nên niềm tin đã được tăng lên.

Chẳng hạn như, nếu trước đây hệ thống NH còn tồn tại nhiều điều đáng lo ngại và người dân sợ mất an toàn khi gửi tiền vào đây thì nay đã khác, và thay vì cầm vàng thì họ gửi tiết kiệm để có lãi, phục vụ đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, những người lớn tuổi thì vẫn giữ thói quen nắm giữ vàng và khi cần có thể đem đi bán. Bởi vàng cũng có tính thanh khoản cao, lúc cần là bán được và đây được xem là thế mạnh.

Ông có nói đến vấn đề ổn định vĩ mô tốt và việc giữ vàng không còn lợi thế?

Diễn biến như vậy là tất yếu, và phù hợp. Trước đây đất nước còn chiến tranh thì người dân giữ vàng để phòng bất trắc, còn nay khi xã hội ổn định, nền kinh tế phát triển thì khác. Ví dụ, người dân thấy hệ thống NH hoạt động ổn định, lãi suất tiền gửi hấp dẫn; hoặc thấy kênh đầu tư khác như nhà đất hấp dẫn… thì sẽ chuyển vàng thành tiền để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư. Vì như vậy, sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn, trong khi nếu họ giữ vàng thì không dám chắc chắn giá có tăng hay không.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên