Chịu thua sở hữu chéo?
Chẳng có gì lạ khi ngân hàng (NH) này nắm giữ cổ phiếu của NH khác (hiện nay pháp luật không cho phép NH mua cổ phiếu của NH bạn); doanh nghiệp, cá nhân sở hữu cổ phiếu của nhiều NH.
Thế nhưng, điều đáng nói là NH lại thông qua trung gian để mua cổ phiếu của NH đã mua cổ phần mình; còn doanh nghiệp, cá nhân thì núp bóng người khác để nắm giữ cổ phiếu NH (thường gọi là sở hữu chéo NH).
Hệ quả là các tổ chức, cá nhân có thể thế chấp cổ phiếu NH để vay tiền của NH rồi mua cổ phần của NH khác tạo nên nguồn vốn ảo. Giới phân tích cho rằng sở hữu chéo NH gắn liền với nhóm lợi ích là hình thức phổ biến hiện nay. Ví dụ, một nhóm nhà đầu tư có 1.000 tỉ đồng mua cổ phiếu của NH A rồi lấy cổ phiếu đó thế chấp NH B để vay thêm 1.000 tỉ đồng. Sau đó, nhóm người này sẽ quay lại NH A để mua thêm cổ phiếu hoặc mua cổ phần của NH C, rồi lại lấy cổ phần của NH C làm tài sản thế chấp vay NH D thêm 1.000 tỉ đồng để mua cổ phần của NH E... Cứ thế, từ 1.000 tỉ đồng, họ đã có số vốn 5.000-7.000 tỉ đồng tại nhiều NH.
Với tài sản thế chấp là cổ phiếu NH và khi giá cổ phiếu này giảmxuống ở mức nhất định, nhà đầu tư sẽ nộp thêm tiền để NH không bán ra số cổ phiếu của mình. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng nếu chẳng may nhà đầu tư hết tiền để bổ sung hoặc muốn bán cổ phiếu nhưng chưa thực hiện được, NH sẽ thay thế nhà đầu tư bán ra số cổ phiếu mà họ đã thế chấp vay vốn. Đây là một trong những yếu tố cực kỳ nguy hiểm cho thị trường tài chính Việt Nam bởi khi NH bán cổ phiếu bằng mọi giá sẽ kích thích nhiều người khác bán tháo cổ phiếu, làm thị trường chứng khoán “đỏ sàn”.
Theo quy định của pháp luật, cá nhân không được nắm giữ quá 5% vốn điều lệ của một NH. Thế nhưng, thực tế nhà đầu tư có thể lách luật bằng cách núp bóng danh nghĩa người khác, nắm giữ 10%-30% vốn điều lệ một NH. Sau khi trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư sẽ chi phối NH đó cho vay theo mục đích của mình hoặc lợi dụng NH để rót vốn cho các doanh nghiệp sân sau... Bằng chứng là cách đây không lâu, thị trường tài chính ghi nhận vài cá nhân đã tranh thủ lợi thế nắm giữ nhiều cổ phiếu để thao túng hoạt động cho vay của một NH khiến NH đó “dính quả” hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu.
Để giải quyết vấn đề sở hữu chéo NH, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất thành lập công ty xử lý sở hữu chéo chuyên mua cổ phiếu NH. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản bác đề xuất này vì cho rằng pháp luật đã có quy định về sở hữu chéo. Cơ quan chức năng chỉ cần kiểm soát tốt tình trạng sở hữu chéo NH và chưa cần thiết phải thêm giải pháp trong thời điểm này.
Theo Thy Thơ