MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VAMC: "Chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua bán nợ"

05-08-2015 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Chia sẻ với PV về khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho rằng hiện tại VAMC chỉ bán được tài sản đảm bảo chứ chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua bán nợ.

Xử lý nợ xấu đang là tâm điểm của thị trường khi đứng trước nhiều chỉ tiêu phải hoàn thành trong năm nay. Bàn luận xoay quanh vấn đề nợ xấu hiện tại, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC).

Thưa ông, tính đến thời điểm hiện tại, VAMC đã mua được bao nhiêu nợ xấu và tiến độ bán nợ đã được thực hiện đến đâu?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến nay, VAMC đã tiếp nhận 64.000 tỷ đồng từ các TCTD gửi để bán nợ cho VAMC và hiện đã phê duyệt được 59.000 tỷ đồng với giá gốc và giá mua là 54.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC đã phát hành được 51.300 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.

Về bán nợ, sau 7 tháng đầu năm triển khai, VAMC xử lý bán tài sản đảm bảo, bán nợ và thu hồi được 6.513 tỷ đồng

Trong dự thảo mới đây, Bộ Tài chính có đề xuất nâng mức vốn điều lệ của Công ty Mua bán nợ (DATC) từ 2.481 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Vậy VAMC có muốn xin thêm cơ chế gì không, ví dụ như xin tăng vốn thêm?

Việc DATC muốn tăng vốn là theo chức năng, nhiệm vụ của DATC. Còn với VAMC, căn cứ Nghị định 34 của Chính phủ cho phép VAMC nâng vốn từ 500 đến 2.000 tỷ đồng, đảm bảo cho VAMC có tiềm lực tài chính bước đầu để xử lý và mua nợ theo giá thị trường.

Ngoài ra, Nghị định 34 cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ xấu. VAMC sẽ phải có trách nhiệm xây dựng phương án để mua nợ xấu theo giá thị trường bằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt cho nên với thời điểm trước mắt thì mức vốn là 2.000 tỷ đồng có thể tạm ứng được.

Tuy nhiên việc xử lý mua nợ xấu theo giá thị trường để xử lý các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt cũng như các khoản nợ mà các TCTD đã xử lý và trích lập dự phòng rủi ro VAMC sẽ đề xuất phát hành trái phiếu để mua nợ xấu đó.

Thưa ông, hiện nay trong quá trình hoạt động của mình, VAMC đang vấp phải khó khăn gì ? Theo ông, kế hoạch đưa nợ xấu về tỷ lệ dưới 3% đến cuối năm có khả năng đạt được không?

VAMC cùng với các TCTD đã đồng cảm, chia sẻ với nhau và quá trình mua nợ xấu vẫn thực hiện theo đúng tiến độ.

Theo tôi, trước 30/9 các TCTD sẽ hoàn thành kế hoạch mà NHNN đã giao và cuối năm việc đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3% có khả năng đạt được.

Tuy nhiên, quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo hiện đang vướng mắc về luật. VAMC mua nợ xấu từ các TCTD trong khi bán thì hiện nay chưa có đơn vị nào có chức năng mua bán nợ xấu ngoài DATC và VAMC.

Hướng tới việc mua nợ xấu của các TCTD bán theo giá trị thị trường, nhưng bây giờ VAMC chỉ bán được tài sản đảm bảo chứ chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua bán nợ. Chính điều này gây rất khó khăn cho VAMC trong quá trình tổ chức thực hiện mua và bán nợ xấu và ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu không được nhanh như kỳ vọng.

Năm 2016 được dự đoán có thể sẽ mở cửa thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Vậy VAMC có kế hoạch gì sắp tới?

Năm 2015, VAMC xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ các TCTD, quyết liệt thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%. Sau đó trách nhiệm của VAMC là xử lý các khoản nợ xấu như thế nào để giải tỏa các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Không những thế, VAMC còn tiếp tục mua nợ xấu đối với các khoản nợ đã trích lập rủi ro của TCTD theo giá thị trường.

Trước mắt năm 2015, VAMC xây dựng kế hoạch bán nợ, thu hồi nợ và bán tài sản đảm bảo 10.000 tỷ đồng. Đến nay đã thu hồi nợ được hơn 6.500 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch đặt ra từ đầu năm sẽ đảm bảo được hoàn thành.

Còn từ nay đến năm 2016, VAMC sẽ căn cứ vào thực tiễn để xây dựng lộ trình xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên