MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VPBank hứa lên sàn năm 2016

30-03-2016 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh giải tỏa cổ đông khỏi nỗi lo “tăng trưởng nóng” thì Chủ tịch Ngô Chí Dũng cam kết sẽ hoàn tất thủ tục để niêm yết cổ phiếu của VPBank trong năm 2016.

Vấn đề thời điểm Ngân hàng sẽ chính thức niêm yết trên sàn lại tiếp tục được cổ đông đặt ra tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2016 của Ngân hàng VPBank ngày 28/3 vừa qua.

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank - cho biết đơn vị này đang xúc tiến các thủ tục để lên sàn và hiện đang chờ hướng dẫn của Ủy ban chứng khoán.

“Theo quy định thì đến hết năm 2016 các ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết Upcom, do đó VPBank sẽ tuân thủ quy định này”, ông Dũng nói.

Khác hẳn với không khí “chất vấn” căng thẳng về phương án chia cổ tức năm ngoái, năm nay Đại hội cổ đông của VPBank diễn ra khá nhẹ nhàng và trầm lắng.

Với câu hỏi được đặt ra về việc khi nào VPBank sẽ hoàn tất việc đàm phán bán một phần cổ phần công ty FE Credit, lãnh đạo của VPBank cho biết chưa thể tiết lộ cụ thể do ngân hàng đang trong quá trình đàm phán, thương thảo với các đối tác. Ông Dũng có hứa với các cổ đông sẽ báo cáo ngay khi có kết quả.

Trong báo cáo đọc trước Đại hội, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đã đưa ra những con số ấn tượng như: Tổng tài sản của Ngân hàng liên tục tăng trưởng tốt trong nhiều năm, năm 2015 đạt 193.876 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với cuối năm 2014.

Nguồn vốn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và chiến lược huy động vốn. Tổng nguồn vốn huy động và phát hành giấy tờ có giá năm 2015 đạt 152 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch đặt ra. Tín dụng cũng đạt mức tăng trưởng tốt so với mức trung bình của hệ thống.

Theo ông Vinh, mức tăng trưởng này không thể đánh giá là tăng trưởng nóng, mà thực tế là "hoàn toàn hợp lý" trong bối cảnh ngân hàng đã có 3 năm xây dựng nền tảng, bộ máy và hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro.

"Tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào hai phân khúc khách hàng chiến lược, đó là tín dụng cá nhân, sau đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng tín dụng của các phân khúc ưu tiên này chiếm 70% tổng dư nợ", ông nói.

Về cơ bản, theo ông đánh giá, kết quả kinh doanh 2015 của VPBank đã đạt và vượt so với kế hoạch mà Đại hội cổ đông năm 2015 giao và phản ánh nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên cùng với sự lãnh đạo linh hoạt, nhạy bén của ban lãnh đạo ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu có tăng một chút so với năm 2014, ở mức 2,7%, và được giải thích là do VPBank đã tham gia vào một số phân khúc khách hàng có độ rủi ro cao như tiêu dùng, tín chấp, micro SME…

“VPBank có hệ thống kiểm soát tốt nên số liệu này vẫn nằm dưới chỉ tiêu đặt ra của Ngân hàng Nhà nước”, ông Vinh nhận định.

Cũng theo ông Vinh, sở dĩ nợ xấu còn ở mức cao là do hậu quả để lại của nhiều năm khủng hoảng trước đây mặc dù Ban lãnh đạo đã nỗ lực thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015 và năm 2016 dự kiến thu hồi được 2.000 tỷ đồng.

Thù lao HĐQT, BKS VPBank đã được ĐHCĐ phê duyệt là 1% lợi nhuận hợp nhất trước thuế, với mức lợi nhuận 2.000 tỷ đồng thì ngân sách chi thù lao cho HĐQT, BKS tương ứng khoảng 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VPBank cho biết tổng mức thù lao chi thực tế cho các thành viên HĐQT và BKS là khoảng 10,2 tỷ đồng.

Năm 2016 là năm VPBank thay đổi cơ bản đầu tư vào hệ thống, áp dụng vào quản trị rủi ro kế hoạch tổng tài sản dự kiến 246.223 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá 188.326 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng 171.017 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng là 156.358 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên