Chưa điều chỉnh tỷ giá USD
Đây là thông tin từ một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước thực trạng giá USD thời gian gần đây dâng cao.
- 09-05-2014Tỷ giá sẽ ổn định, nếu điều chỉnh chỉ 1%
- 03-05-2014Cần thay đổi cách điều hành tỷ giá
- 02-05-2014Không điều chỉnh tỷ giá sẽ gây áp lực tích tụ cho các năm tới
- 09-05-2014Các ngân hàng đồng loạt nâng giá USD
Từ trước kỳ nghỉ lễ 30-4 – 1-5, thị trường ngoại tệ đã có biến động và một số thông tin dự báo rằng tỷ giá sẽ có sự thay đổi. Sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá trên thị trường tự do được neo tương đối ổn định. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng tăng nhẹ so với với thời điểm trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, bước sang ngày 9/5, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá đã được điều chỉnh tăng khá mạnh, thêm 10-20 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra.
Hiện giá bán ra phổ biến trong khoảng 21.125/21.130 đồng/USD còn giá mua vào rải từ 21.050 đồng/USD đến 21.090 đồng/USD. Cụ thể, tại BIDV, tỷ giá USD tăng thêm 15 đồng ở cả 2 chiều, lên mức 21.085/21.125 đồng/USD. Các ngân hàng khác như VietinBank, Agribank cũng điều chỉnh tỷ giá tăng từ 5-10 đồng. Vietcombank là ngân hàng duy nhất hạ giá bán ra của mình thêm 15 đồng trong khi nâng giá mua vào thêm 5 đồng, hiện giá mua - bán USD tại Vietcombank là 21.085/21.125 đồng/USD.
Với khối NHTMCP, Eximbank và Techcombank đều tăng mạnh 15 đồng ở chiều bán ra lên mức 21.130 đồng/USD. Đáng chú ý, có 2 ngân hàng tăng mạnh là ACB và DongABank, khi chiều bán ra tăng tới 20 đồng, trong khi chiều mua vào cũng tăng lần lượt là 10 và 15 đồng. Trên thị trường tự do, nhiều điểm giao dịch báo giá USD tự do ở mức 21.090-21.100 đồng (mua vào) và 21.125-21.135 đồng (bán ra), tăng thêm 20 đồng so với phiên liền trước.
Cũng có ý kiến ngược lại không nên phá giá đồng tiền. Phân tích cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, có 5 lý do không nên điều chỉnh tỷ giá.
Thứ nhất, xét về lý thuyết, điều chỉnh tỷ giá phải so sánh tốc độ lạm phát của Việt Nam và Mỹ. Thực tiễn hai nước khác hẳn nhau, nên không thể dựa vào lạm phát của hai nước để điều chỉnh tỷ giá.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, song thực tiễn Việt Nam cho thấy, điều chỉnh tỷ giá không tác động đáng kể tới xuất nhập khẩu.
Thứ ba, nợ nước ngoài của Việt Nam đang rất lớn, khoảng 42-43% GDP (theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Việt Nam đến hết năm 2013 là 56,2% GDP- PV). Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của quốc gia.
Thứ tư, bản thân các chuyên gia của các ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng đồng Việt Nam không bị định giá cao, ví dụ như nhận định của Ngân hàng Citibank tháng 2 vừa qua.
Giới đầu tư nước ngoài rất tinh, nếu cho rằng đồng Việt Nam bị định giá cao, họ sẽ đầu cơ ngay, đợi khi NHNN bán ra để kiếm lời, song hiện họ không có động thái gì. Thứ năm, suốt thời gian qua, NHNN đã giữ được tâm lý ổn định tỷ giá, tạo niềm tin với tiền đồng. Nếu NHNN phá giá tiền đồng sẽ gây xáo trộn thị trường, làm niềm tin với tiền đồng sụt giảm.
Từ phía cơ quan quản lý, một lãnh đạo của NHNN khẳng định với Báo CAND là sẽ chưa điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này vì “chưa thấy có áp lực gì của thị trường về việc phải điều chỉnh tỷ giá cũng như chưa nhận được bất kỳ sự chỉ đạo nào về điều chỉnh tỷ giá.
Với dự trữ ngoại hối dồi dào hiện nay (35 tỷ USD) và vẫn đang tiếp tục tăng lên, NHNN thừa sức ổn định tỷ trường ngoại hối, dập tắt mọi ý định đầu cơ”. Đáng chú ý, mới đây, khi nói về điều hành tỷ giá trong năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định là từ nay đến hết năm 2014, tỷ giá sẽ ổn định, tăng không quá 1%.
Theo Nhóm Phóng viên