MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đang dần phổ biến rộng tại Việt Nam

18-04-2015 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện tại, Bộ Tài chính đã có những động thái hướng đến việc đưa vào ứng dụng Chuẩn Mực Báo Cáo Tài Chính Quốc Tế (IFRS) tại Việt Nam.

Cùng với đó, các chuyên gia trong ngành tài chính nay có thể tiếp cận và trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến lĩnh vực này qua Chứng chỉ Diploma về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế của ACCA (DipIFR) tại Việt Nam.

Hiện nay ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp đang áp dụng các chuẩn mực Việt Nam (VAS) trong việc lập Báo cáo tài chính (BCTC) theo luật định. Chỉ một số doanh nghiệp lập BCTC theo IFRS nếu có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế. Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như cho mục tiêu kêu gọi vốn, các doanh nghiệp được trông đợi sẽ có một bản báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao.

Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) đang nhanh chóng trở thành chuẩn mực phổ biến trên thế giới với hơn 100 quốc gia trên thế giới chấp nhận và áp dụng, cũng như có kế hoạch áp dụng, IFRS đang trở thành một tiêu chuẩn quen thuộc với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Các Báo cáo tài chính có liên quan, có thể so sánh và phản ánh trung thực tình hình tài chính của tổ chức là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình. IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực BCTC áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau, trong việc đo lường, công khai và minh bạch tài chính. Thông qua áp dụng IFRS, các công ty ở Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ kinh tế hội nhập ví dụ như tiếp cận vốn, duy trì cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong sự kiện giới thiệu Chứng chỉ Diploma về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng vụ Chế độ kế toán và kiểm toán đại diện Bộ tài chính chia sẻ “Chính phủ ta hiện đã có định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 lên kế hoạch cho các phương án cập nhật, đổi mới các chuẩn mực, với chủ trương sẽ không biên soạn như trước đây mà áp dụng hoàn toàn các chuẩn mực kế toán, kiểm toán của quốc tế, sau đó sẽ tiến hành triển khai hướng dẫn để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp nhận, sử dụng và tuân thủ.”

Có thể nói rằng, chủ trương áp dụng hoàn toàn IFRS này đã mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của  BCTC, loại trừ sự khác biệt trong chuẩn mực kế toán, là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong lập và trình bày BCTC. IFRS được chấp nhận như chuẩn mực lập BCTC cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới.

Việc sử dụng IFRS mang lại những lợi ích khá rõ, như : tiết kiệm chi phí soạn thảo chuẩn mực và nhanh chóng hòa nhập vào chuẩn mực kế toán quốc tế được chấp nhận; sự hội nhập về kế toán giúp cho các công ty huy động vốn trên thị trường quốc tế. Đến nay, tại Việt Nam đã cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị truờng chứng khoán của họ sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC theo giá thị trường.

Vì vậy càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Việc áp dụng IFRS giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính lập theo IFRS được chấp nhận rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Các yếu tố này là điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc tài chính, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã được thấy các tổ chức, công ty khác nhau thực hiện việc đánh giá các khoản đầu tư của mình và tái bố trí vốn cho các lĩnh vực có lợi nhuận tốt hơn.

Các báo cáo tài chính có liên quan, có thể so sánh và phản ánh trung thực tình hình tài chính của tổ chức là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình. IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau, trong việc đo lường, công khai và minh bạch.”

Thông qua áp dụng IFRS, các công ty ở Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Điều này củng cố sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên thách thức đầu tiên là xây dựng một đội ngũ nhân viên tài chính kế toán có năng lực. Đây không phải là một công việc dễ dàng vì IFRS được xem là rất phức tạp, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển. Các chuyên gia tài chính Việt Nam sẽ gặp nhiều khái niệm mới và các phương pháp hạch toán mới chưa quen áp dụng.

Thay vào đó, phương pháp hạch toán các giao dịch theo IFRS dựa trên bản chất của giao dịch, do đó yêu cầu phải có xét đoán và đánh giá mang tính phân tích của cán bộ quản lý, những người sẽ tham vấn nhân viên kế toán của mình. Các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống và qui trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Việc quản lý công tác BCTC, trong đó có yêu cầu tuân thủ và kiểm toán nội bộ, cần được tăng cường nhằm đảm bảo tính trung thực của BCTC.

Với sức ép và sự giám sát ngày càng cao của các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý, trong khi việc chuyển đổi sang IFRS cần nhiều thời gian, doanh nghiệp không thể bỏ qua vấn đề này nếu muốn thành công trong môi trường cạnh tranh. Việc lập lộ trình để áp dụng IFRS, bao gồm nâng cao nhân thức, đào tạo và xây dựng hệ thống là cấp bách và bắt buộc.

Tổng quan về chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)

Chuẩn mực kế toán quốc tế (viết tắt là IAS/IFRS): là một hệ thống bao gồm 08 Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và 30  chuẩn mực kế toán quốc tế  (IAS) do Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (gọi tắt là IASB)- tiền thân là Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (gọi tắt là IASC) ban hành.

Hệ thống kế toán và chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) được soạn thảo bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB). Hệ thống này được soạn thảo và công bố theo những quy trình rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của các chuẩn mực và đảm bảo tính thực hành cao. IFRS được sử dụng rộng rãi ở khắp thế giới như châu Âu, Singapore, Hồng Kông, Úc và nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều quốc gia khác của châu Á và trên thế giới đang điều chỉnh các chuẩn mực của mình để phù hợp hơn với IFRS và giảm thiểu sự khác nhau nếu có.

A.D

PV

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên